Saturday, January 7, 2012

2012-2013: Cuộc tấn công của đồng Nhân Dân Tệ tại Đông-Á

Tác giả: ĐCV



Nếu các chuyến công du vào cuối tháng 12-2011 của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo (sang Nhật) và Phó Thủ Tướng Tập Cận Bình (người lãnh đạo tương lai của Hoa Lục sang Việt Nam và Thái Lan) có những chỉ dấu thì một trong các mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh trong vòng 2 năm tới sẽ là đẩy mạnh vai trò của đồng NDT (Nhân Dân Tệ) thành một đơn vị tiền tệ quốc tế nhất là tại Á Châu.


Vấn đề này tự nó là một tiến trình tất yếu khi nền kinh tế của Trung Hoa tiến lên hàng nhì thế giới trong lúc vai trò thống trị của Mỹ Kim ngày càng bị xem là lạm dụng quá đáng, và thương maị với Hoa Lục ngày càng gia tăng nhanh chóng. 

Nhưng đối với VN là một nước nhỏ hiện đang chiụ áp lực của Trung Quốc về nhiều mặt thì đây là một việc cần được quan tâm và chuẩn bị để VN không trở thành một nền kinh tế sân sau bị Hoa Lục chiếm độc quyền làm thiệt thòi cho quyền lợi của dân tộc.

Một vài chuyên gia có thể cho rằng mối quan tâm về đồng NDT đứng hàng thứ yếu so với thâm thủng cán cân mậu dịch (12 tỷ USD mỗi năm) và việc các công ty Trung Quốc chiếm các phần lớn những vụ thầu quan trọng tại VN. 

Tuy nhiên đặc tính của các chính sách kinh tế Trung Quốc là họ chuẩn bị rất kỷ; đến khi thực hiện thì tiến bộ rất nhanh cho đến lúc nước ngoài cảnh tỉnh thì họ đã trở thành một thực thể lớn mạnh. Bằng chứng là năm 2009 chỉ 1% giao dịch quốc tế bằng NDT thì đến 2011 con số này đã nhảy vọt lên 8%. Vì thế chúng ta không thể không suy nghĩ về vai trò của đồng NDT trong tương lai đất nước.

***

Để tóm lược các câu chuyện tháng 12-2011: Nhật sẽ mua công phiếu Hoa Lục giá trị 500 triệu trong năm 2012 rồi sẽ tăng đến 10 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Bắc Kinh cho Thái Lan vay 70 tỷ NDT (10 tỷ USD) để trao đổi mậu dịch mà không cần đổi qua đô-la. Phó Thủ Tướng Tập Cận Bình cũng cam kết cho VN vay tín dụng thương mại giữa các ngân hàng Trung Quốc và một số đơn vị kinh doanh Việt Nam, người viết không có chi tiết để biết cách dàn xếp có tương tự với Thái Lan hay không.

Như vậy có thêm vài quốc gia bên ngoài Nigeria, Mã Lai và Chí Lợi chính thức dùng NDT – xin lưu ý đến vị trị của các nước này nằm ở Đông Á, Phi Châu và Nam Mỹ là những khu vực Bắc Kinh đang xâm lấn mậu dịch. Đối với Nhật là một cường quốc thì việc dùng công phiếu Hoa Lục làm trữ lượng ngoại tệ giúp uy tín đồng NDT tăng cao, trên thực tế con số này còn nhỏ nhưng đủ để Tokyo thăm dò chính sách tiền tệ của Bắc Kinh.

Đối với các nước nhỏ lân cận ở Đông Nam Á thì sự xuất hiện của đồng NDT theo một tiến trình – có thể với nhịp độ rất nhanh:
Đầu tiên ở các khu biên giới mậu dịch Lào-Việt-Thái-Trung v.v… mua bán với Hoa Kiều ngày càng nhiều nên các cửa hàng dùng NDT cho thuận tiện

Dần dần các thương hiệu lớn cần gởi NDT vào ngân hàng vì không ai muốn giữ tiền mặt. Khi đó những công ty xuất nhập cảng hàng hoá cũng dùng NDT cho nhanh chóng và không phải trả chi phí hoán chuyển sang đô-la. Việc cung cấp tín chỉ cho các ngân hàng là một hình thức để hợp thức hoá việc gởi tiền ngân hàng bằng NDT.
Dần dần người trong nước hay đầu tư nước ngoài có thể mua bán địa ốc hay chứng khoán bằng NDT. 

Bắc Kinh cho những khoảng viện trợ hay vay ưu đãi bằng NDT, một mặt nâng cao việc sử dụng đồng bạc, mặc khác dễ dàng cho các công ty Trung Quốc lãnh thầu.

Ngân hàng của những nước như Mã-Thái-Việt-Lào nâng trữ lượng NDT dùng để mua bán lẫn nhau mà không cần qua đô la. Như vậy NDT biến thành tiền của khu vực.

Một khi đã trở thành đơn vị tiền tệ quốc tế thì vài nước có thể bị áp lực bán nợ công bằng NDT để tăng mức lưu lượng toàn cầu.
Các bước này là một tiến trình tự nhiên, và sự tham gia của một thế lực kinh tế lớn như Nhật Bản có giá trị kiểm soát để chính sách tiền tệ của Bắc Kinh trở nên minh bạch. 

Tuy nhiên cho đến lúc đồng NDT trở nên một đơn vị quốc tế có nhiều quốc gia sử dụng và quan sát thì đối với các nước nhỏ lân bang, việc lưu hành rộng rãi đồng NDT tạo các cơ hội để dìm giá; bong bóng đầu cơ; ưu đãi công nghiệp Hoa Lục trúng thầu – tức trở nên sân chơi sau nhà dễ bị thao túng.

© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment