Monday, October 31, 2011

Mời bạo chúa vô nhà thương điên

Posted on


Vâng, xin được lịch sự lần cuối... mời bạo chúa
vô nhà thương điên. Tầng cuối địa ngục
nơi dựng xây bằng tro cốt những sinh linh dân tộc 
mình
điêu linh

Ở đó, ngươi tha hồ ra lệnh xé xác mời mọc
những đám lửa nung đỏ nhảy múa đón tiếp hỏa tốc
vẫn biết là nóng hơn cả trận bão từ mặt trời
quét sạch địa cầu
của ngày tận thế rớt xuống đời
chắc là sắp tới
khi thế giới đâu đã chết tiệt những tên bạo chúa hết thời
ở đó ngươi vẫn có thể khóc cười
tán loạn như đã táng tận trong những cơn mơ dữ
ở đó ngươi cứ bận tâm tiếc rẻ điên điên rồ rồ ứ hự:
“sao loài người không bắt sống tôi... không cho tôi gian ác thêm một vài giây...”
ờ nhỉ, thành phố cũng đâu còn được ban phát lất lây
cả những phát súng ân huệ cho người tù lương tâm
và như thế số người nằm cong queo ở những con suối cạn hay bờ rừng xa thẳm
những người tử tù ôm khăng khăng tự do cả giây phút cuối cùng của sự sống 
cưu mang hơi thở quyết liệt không chơi trò ký tên khoan hồng
một ẩn số một ẩn uất đến chết vẫn không nhắm mắt
quả thật thành phố đã lần lửa chưa lùa được cả nước đi cải tạo
và lần này là cho những vô cảm đớn hèn gượng đỡ lao xao
nên làm gì chúng ta có thể lập đàn giải oan cho xuể
khi cả hàng cây xanh khi không cũng bị mất đầu mất rễ
khi mà chừng như chúng ta vẫn còn phải toa rập
với những bài thơ không tim không óc không linh hồn không ấn tượng
của những kẻ dữ có nhiều ban phát và giải thưởng
như những phát súng ân huệ
khi một cành hoa trên đất nước này vẫn thấy mình
lay lắt đến lắt lay
mà bạo chúa vẫn cứ bắt tay
với bạo chúa
chẳng chịu dọn cho xong cái xác chết
và vẫn cứ tụng ca nô lệ
trên những xác sống 

mở mắt đi Satan, Lucifer và những rạn nứt quỷ dữ
những cám dỗ của thứ công trạng giả hình
cuối cùng cũng phải bị lôi ra từ cống rãnh
nỗi thách đố của cả địa cầu chỉ có một trái tim
nhân loại
sự thở ra nhẹ nhõm của một cuộc đọ mình không tương xứng
giữa đối thủ là cái chết và 10 tỉ đô-la nuốt chưa kịp trôi
khi bạo chúa dơ tay sụp mình “dụ khị” thần đất quê hương: “đừng bắn, xin đừng bắn...”
nhưng lũ sói đi theo ông cũng đã bỏ mình ở cách mấy đồng hoang
và người ta vẫn không hiểu tại sao vẫn có những nơi
bọn chúng có thể nuốt vào bụng mấy ngôi nhà biệt thự, bao nhiêu két đô-la, cả một đống đất rừng tài nguyên và biển đảo trùng khơi...
mà con vi trùng ung thư tham vọng quyền lực sao chưa bỗng một ngày...
có thật là chúng ta vẫn loay hoay
chưa biết cho lũ hắn ăn phát súng ân huệ kiểu nào?

ờ nhỉ, đừng hỏi tôi vì sao không bắt sống tên bạo chúa
vẫn có người muốn bắt sống hắn như bắt sống loài kên kên
trong một sa mạc không còn xác người rỉa rói
một số người mong cho hắn quì xuống hàng phục lâu hơn
điều ai cũng biết hoặc không biết
là lòng căm phẫn của con người đã đến hạn kỳ

ở Libya có quá nhiều kiêu hãnh ngã xuống
số còn lại cùng công trình quốc tế NATO đi nhanh hơn về phía mặt trời mọc
từ con đường không có vòm trời đến con đường mở ra
những vòm trời
hôm nay thơ của tôi chỉ muốn chúc mừng sự vươn lên của tự do
thơ của tôi hôm nay sao không viết nổi những câu tình tự
kiểu Adam và trái cấm
Eva và lũ Hàn Quốc, Đài Loan “tiễn em về xứ lạ”...
trái đất này đâu thể nhỏ bé như nắm xôi thằng bờm
hắn cũng đâu thể lấy mất của chúng ta
những xúc động có thật
bàn chân hắn đúng là quá dơ nhớp những mảng trời xanh
bàn tay hắn dấy cả những rầu rĩ rác rến
tôi biết chẳng có gì dạy được lòng nhẫn nại chờ đợi
hãy tạm nhìn đường đi của bầy kiến
nhích vào hang với mẫu bánh vụn
đã sắp mùa đông chưa hay chỉ có những cánh chim cô đơn
mới nhận rõ hơn nỗi chớm lạnh
những cánh chim chưa biết vỗ cánh về đâu
và cả những chú chim non đang tập bay
vòm trời rộng có nắng đẹp và bão tố
tôi biết rằng
khi một người chưa phải sống và đối diện với thảm kịch
ơ hay, tôi đang nhìn những con chữ
và có khi cây mùa
vẫn chưa thể nở hoa
tôi vẫn muốn không chạy trốn thảm kịch và tức tưởi cùng nó
dù sao
trái tim của thi sĩ cũng phải biết đập cùng trái tim
trần gian
tôi sợ những lỗi nhịp
chỉ có
ở những khoảnh khắc bất ngờ
như một lần nhập định nhập thần
rồi viết

chữ viết cuối cùng
của trang đời bạo chúa
là ngày tàn
trước ý thức mê mải tự do.

Tình Sài Gòn ( Thân tặng Diên An)

Posted on

Sa Mạc Hoa - An Nhiên rít thêm hơi thuốc nữa, ngước nhìn bầu trời. Trăng đêm nay rất tròn và sáng. Song, dưới ánh trăng này, bao người được thảnh thơi thưởng thức như cô?... Thảnh thơi ư, cũng không hẳn. Cô đưa tay xem đồng hồ. Mười giờ ba mươi.
Còn nhớ, cũng ở nơi này, lần đầu An Nhiên gặp Khang. Đêm đó mưa to, trong lúc đứng chờ trời tạnh, cô lấy điếu thuốc định châm, nhưng loay hoay mãi vẫn không tìm ra chiếc quẹt gaz thường mang bên người. Chưa kịp thở dài, thì đóm lửa nhỏ lóe lên, An Nhiên bắt gặp ánh mắt ấm áp của người đàn ông đứng cạnh tự lúc nào. Cô khẽ nghiêng người để đầu thuốc chạm vào đóm lửa. “Cảm ơn” và “không có chi” là hai câu nói duy nhất được thốt lên. Họ lặng đứng bên nhau rít thuốc và nhìn mưa rơi…Cô không chắc liệu anh có đến vào tất cả các ngày trong tuần, nhưng mỗi buổi diễn của cô gần 4 tháng nay đều thấy anh hiện diện. Vậy mà đêm nay không thấy anh...

An Nhiên ngã người tựa vào băng ghế, nhưng rồi cảm giác có người nhìn mình, cô mở mắt ra. Khang đang đứng tựa lưng ở gốc cột đối diện. Cả hai nhìn nhau lúc lâu.

- Nhiên không hỏi vì sao tôi đến trễ?

- Có hẹn hò gì mà tra hỏi.

Khang cười nhẹ. An Nhiên quăng tàn thuốc xuống đất và di giày lên cho đến khi những đóm lửa nhỏ tắt hẳn. Cô nhón tay lấy một điếu thuốc khác gắn lên môi.

- Hút nhiều không tốt.

- Không tốt cho ai?

An Nhiên nghênh mặt ra vẻ thách thức, nhưng cũng như bao lần trước, cô cụp mắt xuống thật nhanh để tránh tia lửa nồng nàn từ anh. Cô lúng túng hạ điếu thuốc, cất vào bao. Khang cố kiềm để không mỉm cười thú vị, thấy yêu cách biểu hiện của cô.

- Hôm nay hát có tốt không?

- Muốn biết sao không đến nghe?

- Có người bạn thân đến tìm đột xuất… Sắp tới chắc tôi đi xa một tháng.

Nhiên bóp mạnh gói thuốc trong bàn tay thon của mình.

- Đi đâu?

- Hà Nội.

- Sao phải ở ngoài đó lâu vậy?

- Tôi vừa nhận vụ kiện khó.

- Vụ gì? Tôi có biết không?

- Nhiên sẽ không thích nghe đâu.

- Anh chưa nói sao biết là tôi không thích. Lúc nào cũng vậy, làm ra vẻ bí ẩn.

- Tôi có bí ẩn gì đâu. Tên tuổi, công việc, gia đình, cả nhà của tôi, Nhiên đều biết cả mà.

- Không phải những điều đó... Tôi không chạm được vào hồn anh.

- Thế tâm hồn Nhiên dễ nắm bắt lắm sao?

- Có lẽ chúng ta chưa thân đến mức ấy.

- …Thôi khuya rồi, để tôi đưa em về.

- Anh mới gọi tôi là gì?

Lần này đến lượt anh quay mặt đi

- Em. Không được sao? Em nhỏ tuổi hơn tôi nhiều mà.

- Mối quan hệ giữa chúng ta là gì, Khang?

- Bạn bè.

- Thật sao?...

- Vậy theo em, mối quan hệ này là gì?

Nhiên bậm môi, ngăn tiếng thở dài.

- Chẳng là gì cả.

Cô để Khang đứng lặng một mình và bỏ đến bãi xe. Trong lòng cô tựa hồ có điều gì vừa đỗ vỡ. Sau phút ngỡ ngàng, Khang bước nhanh hơn để dắt xe cho cô. Hai người đề máy và chạy song song nhau, chẳng ai nói thêm lời nào nữa. Đêm Sài Gòn như người thiếu phụ dịu dàng, trầm lắng và bí ẩn.


--

An Nhiên thả bộ về phía công viên 23 tháng 9, vài người bạn quen trên mạng đang chờ cô ở đó. Mặc dù không biết nhiều về họ, cô vẫn cảm thấy vô cùng thân thiết. Có lẽ khi đứng trước khó khăn, con người dễ gần nhau hơn. Đây là lần thứ 3 liên tiếp cô xuống đường biểu tình chống Trung Quốc. Mấy đứa bạn hỏi ai xúi giục cô. Những đứa thân hơn chút lại bảo có rảnh thì ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Còn những ai không thích lại vu lên rằng cô làm vậy để đánh bóng tên tuổi của mình. Với tất cả, cô đều lắc đầu và cười. Cô đi chỉ vì đó là việc NÊN làm, thế thôi. Có những nỗi đau ngoài đời quá thực, biển Đông ngoài kia đang nổi sóng, những người ngư dân đang bị bắt giết ngoài kia, cô có thể làm gì cho họ? Cô không thể cất tiếng hát mỗi đêm với tâm hồn khô cằn đợi chết.

Mọi người vẫy tay mừng cô như gặp lại người bạn thân thưở nào. Cô không hay khóc, nhưng lòng chợt dâng niềm xúc động khó tả. Ai cũng cho rằng hôm nay chính quyền sẽ đàn áp mạnh, vậy mà tất cả vẫn hiện diện đông đủ. Những mệnh lệnh ngăn cản trở nên lố bịch, họ không xứng đáng lên tiếng thay cho tổ quốc. Có người mẹ nào từ chối lời “tỏ tình” của đứa con ruột thịt dành cho mình?

Trong lúc mọi người lui hui lấy biểu ngữ ra khỏi ba lô thì xung quanh vang lên nhiều tiếng la hét. Liền sau đó, hai hay ba tên tiến sát đến kéo mạnh tay cô về phía họ. Chưa kịp phản ứng vì bất ngờ thì người bạn đứng cùng đã nhảy đến giải vây cho cô. Anh bị gạt phăng ra, té ngã xuống đất và bị đạp vào người nhiều cú không nương tình. Cô cảm thấy đau như chính mình đang hứng chịu những đòn ác ấy. Cô hét đến khản giọng “Các người làm gì vậy? Các người không có quyền. Yêu nước là có tội sao?”, nhưng một lần nữa hai tên trong đám lôi và nhấc cô lên quăng vào chiếc xe thùng chờ sẵn. Cô thậm chí chẳng thấy đau nữa, chỉ cố nhoài người nhìn về phía các bạn lần cuối, nguyện cầu bình an cho các bạn. Cô hít một hơi sâu, tự bảo không được yếu đuối trong lúc này, quay nhìn bọn người mà cô chỉ thấy khinh bỉ.

- Thả tôi xuống. Tôi phạm tội gì? Các anh có còn là người nữa không? Những người cần các anh bảo vệ thì các anh đối xử như súc vật? Kẻ thù ức hiếp đồng bào các anh ngoài biển khơi thì các anh lại khoanh tay đứng nhìn? Tại sao vậy?

- Im đi, đó không phải việc của cô. Mọi việc đã có Đảng và nhà nước lo rồi!

- Đó là việc của tôi, vì tôi là người Việt Nam. Còn anh là ai?

Câu hỏi rơi vào khoảng không thinh lặng. Họ quay mặt đi giả như không nghe. Cô thấy bị xúc phạm và uất ức. Cùng là con người, đáng lí không nên đối xử với nhau thế, huống gì họ và cô có chung đất mẹ... Cô tựa người vào thành xe, mệt mỏi, những câu hỏi không lời đáp tiếp tục xoáy vào tim đau nhói.

--

Xe dừng trước đồn công an. Khi tên công an mặc thường phục toan tiến gần, An Nhiên trừng mắt nhìn anh ta. Cô không muốn bị bàn tay đó chạm vào người thêm lần nào nữa.

Ngồi sau bàn giấy là người đàn ông mập mạp mặc sắc phục chưa đến bốn mươi, sở hữu gương mặt dùng dọa trẻ nít. Cô buông người xuống chiếc ghế đối diện theo cái chỉ tay của ông ta.

- Cô có biết tự ý biểu tình là phạm pháp?

- Bạn tôi là luật sư, thiết nghĩ kiến thức về luật của anh ấy không tệ. Luật pháp không cấm người dân yêu nước biểu tình chống ngoại xâm.

- Cô tưởng hành động biểu tình là khôn ngoan lắm sao? Khai thật đi, do ai xúi giục cô?

- Khi anh thốt lên câu hỏi đó là anh xem thường tôi. Và ngược lại, tôi cũng xem thường anh lắm.

- Tôi không lí luận với cô.

- Các anh mời tôi đấy chứ. Nếu không muốn nói nữa thì tôi về.

- Cô ngồi đó, tôi vẫn chưa nói xong.

- Tôi giúp gì được cho anh?

- Cô khai vào đây lí lịch cá nhân và lập bản cam kết suốt đời không đi biểu tình nữa.

- SUỐT ĐỜI?

- Phải.

- Tôi không có thói quen hứa hẹn, thề thốt gì với ai về một tương lai quá xa vời.

- Cô nên ăn nói nghiêm túc.

- Tôi vẫn đang nghiêm túc đây!

- Óc đậu phụ!

- Anh nói gì?

- Tôi không nói cô.

- Vậy anh đang tự nói anh à? Thế thì cho tôi xin lỗi!

- Cô…

An Nhiên cho tay vào túi quần, lấy ra bao thuốc, đưa một điếu lên môi. Ông ta chồm lên như con thú dữ, giật điếu thuốc khỏi môi cô.

- Không được hút ở đây!

- Nhưng tôi buồn ngủ lắm, không có thuốc tôi sẽ không tỉnh táo để làm việc với anh đâu!

- Đằng kia có thùng nước đá, nếu cần cứ đến lấy mà tạt vào mặt cho tỉnh.

An Nhiên đứng thẳng dậy.

- Anh lấy mà tạt vào tôi!

Tên công an hậm hực đứng dậy, bước nhanh ra ngoài, dường như đang cố kềm để không đánh cô.

- Mọi người không có quyền nhốt tôi ở đây! Nếu không thả ra, tôi sẽ la toáng lên cho xem.

Vừa lúc đó, tên công an khác trẻ hơn bước vào. Anh ta nhìn An Nhiên, nở nụ cười thân thiện.

- Sao em lại làm thế, chúng tôi đã tiếp đãi em rất lịch sự mà, có phải không?

- Ồ, thế ra các anh định nghĩa như thế là lịch sự.

Anh ta vẫn cười.

- Em nên biết điều, nếu không chúng tôi có quyền giữ em lâu hơn để điều tra.

- Anh lấy cái quyền đó ở đâu?

- Tốt nhất em nên biết ở đây ai là người được đặt câu hỏi.

- Rõ rồi, vậy bây giờ tôi muốn đi toilet một chút có được không?

- Mãi vòng vo thế này chỉ bất lợi cho em. Chúng tôi làm việc cũng vì nhiệm vụ được giao phó.

- Vậy anh muốn tôi chứng minh thế nào thì mới tin là tôi có nhu cầu cần giải quyết?

- Em viết xong bản tự khai rồi muốn đi đâu thì đi.

An Nhiên miễn cưỡng ngồi lại, cầm bút lên. Hơn mười phút sau, cô đẩy tờ giấy về phía tên công an.

- Bây giờ tôi đi được chưa?

- Còn bản cam kết nữa.

An Nhiên nhếch môi bất mãn.

- Chúng tôi quá ngây thơ khi nghe lời các anh hứa hẹn. Nhưng không bịp người ta mãi được đâu, anh biết không?

- Bây giờ em viết hay không, đó là quyền của em.

An Nhiên ngã người ra sau. Cô thấy đói, khát và mệt mỏi. “Quyền của cô”, cũng biết cách nói lắm. Sự chọn lựa đó khác gì “cô muốn chết bằng thuốc độc hay dao găm”, cuối cùng thì vẫn chết thôi.

An Nhiên nhìn ra ngoài. Người thân ở xa có thể không hay biết, nhưng những người đã đứng cùng cô sáng nay, những người bạn thân thiết trên mạng hẳn sẽ trông tin.

- Tôi có thể lấy lại điện thoại gọi cho bạn không?

- Hiện giờ chưa được.

- Chắc anh cũng có người thân, phải không? Nếu bỗng dưng họ biến mất, anh có lo không?

- Em chịu hợp tác sẽ được về sớm thôi.

Nhìn vẻ mặt câng câng đó, An Nhiên bậm môi ngước nhìn lên trần nhà. Cô hiểu để bị giữ ở đây mãi cũng không phải cách.

- Được, tôi viết.

Khi viết đến cụm từ “Độc lập – tự do – hạnh phúc”, lòng cô không khỏi dấy lên nỗi cay đắng, kỳ quặc quá!

“Tôi cam kết VĨNH VIỄN không tham gia biểu tình trừ phi Trung Quốc từ bỏ ý định xâm chiếm đất nước tôi”

An Nhiên ghi ngày tháng năm và ký tên. Xong đâu đấy, cô đẩy bản cam kết đến trước mặt tên công an. Anh ta nhìn cô với vẻ hài lòng, nhưng vẻ mặt thân thiện đó biến đi nhanh chóng.

- Em viết như vậy không được.

- Tại sao? Rõ ràng có hai chữ Vĩnh Viễn theo yêu cầu của các anh.

- Nhưng em lại thêm vế sau…

- Vế đó có gì sai? Anh muốn tôi ngồi im khi tổ quốc bị xâm chiếm sao? Anh là người Việt Nam như tôi, anh cũng sẽ không ngồi yên, đúng không?

- Anh không tranh luận. Yêu cầu em viết lại.

- Tôi sẽ không viết. Những gì các anh yêu cầu, tôi đã làm cả. Giờ đến phiên anh giữ lời hứa của mình.

- Em đừng giở trò…

An Nhiên ôm bụng, nhăn nhó. Tên công an nhìn cô thăm dò, nhưng đến khi thấy cô tỏ vẻ đau đớn quá, anh ta đâm bối rối.

- Em đi đi! Nhưng nhanh thôi!

An Nhiên nhíu mày nhìn những tia nắng gay gắt đang chiếu thẳng vào mình theo ô vuông nhỏ trên vách phòng vệ sinh, nhưng không tránh đi. Cô lôi từ trong túi ra bao thuốc lá và đứng hút liên tục. Mồ hôi vã khắp người như tắm, cuối cùng cô lả người đi.

Phía bên ngoài, tên công an thô bạo đập cửa.

- Em làm gì lâu vậy? Mở cửa ra!

Không có tiếng đáp. Anh ta bước đến vặn mạnh tay nắm cửa, không nhúc nhích. Anh ta hấp tấp tra chiếc chìa khóa đã chuẩn bị sẵn trong túi vào ổ khóa, cũng không có kết quả.

- Mẹ kiếp, cái cửa chết tiệt…

An Nhiên nhếch môi cười, cô nghe tiếng bước chân của tên khác tiến lại gần.

- Để tao lên xem sao.

Hắn bắt chiếc ghế ở cạnh đó đứng lên, và hoảng hốt khi thấy An Nhiên nằm bất động, xung quanh vương vãi nhiều tàn thuốc.

- Cô ta ngất rồi!

Nói xong, hắn nhấc người lên, nhảy vào trong, và xốc cô mang ra ngoài.

- Đủ rồi đấy, cô đừng giở trò nữa!

An Nhiên ngã người tựa lưng vào tường, thở khó nhọc.

- Có khi nào hút heroin quá liều?

- …

- Bây giờ tính sao? Có cần gọi điện cho bên y tế?

Tên công an thứ hai chưa kịp trả lời thì An Nhiên cất tiếng thì thào. Hắn cúi thấp hơn để nghe cho rõ.

- Nước!

Hắn đi đến góc phòng, rót cho cô ly nước đầy. An Nhiên cầm lấy và tu liền một hơi đến cạn. Uống xong, cô lại tựa lưng vào tường. Hai tên công an đưa mắt nhìn nhau ái ngại.

- Cô ta xảy ra chuyện ở đây là tụi mình gánh trách nhiệm không nhỏ. Gọi điện lên cấp trên xin ý kiến xem sao.

Vừa lúc đó, cánh cửa bật mở, một trong hai tên nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu.

- Anh tìm ai?

- Xin lỗi, tôi là luật sư của cô An Nhiên…

Cả hai không hẹn mà cùng đưa mắt về góc phòng. Khang nhìn theo và gần như lao về phía cô.

- An Nhiên… Em có sao không?

An Nhiên hơi nhướng mắt lên nhìn, nở nụ cười mệt mỏi, nhẹ lắc đầu. Khang thở ra nhẹ nhõm. Từ lúc được tin cô bị bắt, lòng anh như lửa đốt. Chỉ tưởng tượng đến cảnh cô bị đẩy thô bạo lên xe, anh đã muốn lao vào đấm lên mặt những tên khốn đó. Anh nâng cô đứng dậy tựa vào mình.

- Cấp trên của các anh sẽ gọi điện và yêu cầu để cô An Nhiên ra về ngay lập tức, tôi đứng đây đợi. Nếu cô ấy có bất kì thương tích gì, tôi sẽ kiện các anh ra tòa.

- Chúng tôi chẳng làm gì cô ta cả…

Vừa lúc đó điện thoại trên bàn đổ chuông, một trong hai tên tiến đến nhấc ống nghe. Giọng điệu ngang tàng biến mất, vẻ mặt câng lên vừa mới đây thôi cũng trở nên co rúm lại. Khang nhếch môi cười khi nghe hắn lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi tiếng “dạ…dạ…”.

- Anh được phép dẫn cô ta về…- Hắn gác máy và nhìn Khang không mấy thiện cảm.

- Được phép?- Khang bật cười mỉa mai – Cảm ơn anh...Với một số người, lương tâm là vô giá, và với một số người khác, họ bán nó bằng cái giá rẻ mạt…

Khang dìu An Nhiên bước ra khỏi phòng, để lại phía sau hai gương mặt đang dần đỏ ké lên.

--

Khi cánh cửa nhà An Nhiên vừa khép, cô thở hắt ra một hơi, đứng thẳng người lại, nhìn Khang nhoẻn miệng cười tươi tắn.

- Anh ngồi chờ em chút, em đi rửa mặt cho tỉnh đã.

Ơ… - Khang tròn mắt nhìn theo dáng cô nhanh nhẹn biến vào phía nhà sau. Vài giây sau đó anh bật cười thú vị - Em giỏi lắm, An Nhiên!

Khang huýt sáo một bản nhạc vui, xăn cao tay áo đi vào bếp, loay hoay tìm chỗ để gạo, vo một cách thuần thục và bắt lên nồi cơm điện. Anh mở tủ lạnh, khẽ gật gù, lấy ra ít rau củ.

- Khang, anh đang làm gì vậy?

Khang quay lại, mỉm cười.

- Nấu cơm cho em. Chắc cả ngày nay chưa ăn gì phải không?

Cô bặm môi, cố ngăn xúc động.

- Anh biết sao?

- Anh vẫn tự nấu ăn ở nhà mà! Để hôm nay anh trổ tài cho em xem…

- Em phụ anh…

An Nhiên bước đến gọt mớ rau củ trên bàn khi Khang bắt nồi nước lên bếp.

- Sao anh biết em bị bắt?

- Anh đọc tin trên mạng.

- Công việc của anh xong rồi hả?

- Chưa, sáng mai anh lại bay ra đó.

- …

Khang dừng lại khi không nghe tiếng đáp trả của cô.

- Sao vậy Nhiên?

- Anh về đây vì em?

Khang hơi sững người khi nghe câu hỏi của cô, nhưng sau đó lại mỉm cười.

- Ừ em.

- Tại sao?

- Anh lo em lạc giữa bầy sói.

- Em không sợ họ đâu.

Lần này anh bật cười lớn.

- Anh biết…ngược lại, em làm cho họ sợ cuống cả lên ấy chứ!

An Nhiên cũng cười.

- Anh lo cho em hả?

- Ừ

An Nhiên mang rổ củ đến rửa ở vòi nước, cạnh chỗ Khang đứng. Cả hai giữ im lặng trong bầu không khí ấm áp, mặc dù ngoài trời đang mưa. An Nhiên đặt rổ cạnh bếp và đi về phía cửa sổ.

- Mưa lớn lắm Khang!

Khang bước đến cạnh cô.

- Coi chừng mưa tạt ướt áo em.

- Không sao, hôm nay em đã trải qua những điều tệ hơn thế.

- Em có sợ lắm không?

- Lúc bị nhấc lên xe, em có sợ. Nhưng sau đó chỉ là những cơn uất giận mà thôi. Anh biết họ hỏi em gì không?

Khang lắc đầu, im lặng lắng nghe cô.

- Họ hỏi em được cho bao nhiêu tiền khi đi biểu tình?

Khang bậm chặc môi như nén lại cơn giận chực trào ra. Anh bước lên một bước và nắm tay An Nhiên siết nhẹ.

- Lòng yêu nước có thể mua được sao? Một khi còn suy nghĩ tiền có thể mua được lòng yêu nước, thì họ đang đẩy người dân của mình đến đường cùng phải lựa chọn. Tiếc là, chúng ta tranh luận với họ bằng luật, bằng lẽ phải, trong khi họ dùng sự ích kỷ và lòng tham của họ để xét đoán chúng ta. Họ đã lừa mị chúng ta quá lâu... Em vẫn nhớ câu nói của ông Lincoln “Anh có thể lừa vài người trong mọi lúc, anh có thể lừa mọi người trong vài lúc, nhưng anh không thể lừa mọi người trong mọi lúc.” Sẽ có một ngày, họ phải cúi đầu khi sự dối trá của chính họ bị vạch trần.

- An Nhiên...cho đến hôm nay anh mới biết là chúng ta cùng đi một con đường.

- Cùng con đường?

- Phải, con đường đưa đất nước chúng ta đến nơi tốt đẹp mà đáng lý phải có được từ rất lâu. Anh biết sẽ lắm gian nan và nguy hiểm. Những người bạn đi trước anh, có người đang phải chịu đau đớn trong tù, có người đang bị rình rập và hăm dọa hàng ngày. Ngày tháng này có thể anh vẫn còn cất lên tiếng nói trước tòa để bảo vệ cho bạn mình, mà biết đâu mai đây thôi, người đứng nghe tuyên án lại là anh… Nhưng có hề gì, chúng ta tự hào vì có thể đi đứng thẳng như một con người, đúng không em?

Cô ngước nhìn anh, phần tâm hồn mà cô vẫn cho rằng quá bí ẩn đây rồi, nó đẹp hơn mức cô tưởng.

- Vì lí do này mà trước đây anh giữ khoảng cách với em?

Khang gật đầu thay cho câu trả lời.

- Em có lạnh không?

- Anh đâu có mặc áo khoác mà hỏi em câu đó?

Khang nghiêng nhìn cô âu yếm.

- Anh nghĩ là mình có cách khác hay hơn

An Nhiên quay người đối diện với Khang, mỉm cười. Khang nhẹ ôm cô vào lòng.

Ngoài trời vẫn đang mưa. Mưa Sài Gòn bao giờ cũng dễ thương đến lạ.

Sa Mạc Hoa

Gian nan đường đến trường

Posted on

Đào Tấn Trực (NLĐ) Thuộc địa bàn TP Quy Nhơn nhưng học sinh ở thôn Hải Giang hằng ngày phải đi bộ nhiều giờ vượt núi, lội suối mới đến được trường.

Thôn Hải Giang nằm trên bán đảo Phương Mai. Từ đây, nếu theo đường biển thì khoảng 2 hải lý, còn đi đường bộ phải mất khoảng 10 km mới đến được trung tâm TP Quy Nhơn. Hiện có hơn 50 học sinh THCS ở đây hằng ngày phải vượt qua con đường đất xói lở, đá lởm chởm, có những đoạn dốc dựng đứng, hai bên cây gai dại phủ kín hiểm trở để đến Trường THCS Nhơn Hải. 

Những học sinh học buổi sáng phải đi từ 4 giờ, học buổi chiều thì khoảng 10 giờ là phải tất tả vượt dốc núi mới kịp giờ vào lớp. Mùa đông, mưa lũ bất thường, các em đi học sớm, về muộn nên trong cặp lúc nào cũng phải mang theo đèn pin để soi đường khi trời chưa sáng hoặc quá tối. Chúng tôi cùng đi với một nhóm học sinh nữ học buổi chiều mới thấy hết nỗi nhọc nhằn, thiệt thòi của các em. Vừa đi vừa quệt mồ hôi đầm đìa trên mặt, em Bùi Thị Điệp, học sinh lớp 8A1, nói: “Đường xa, khó đi nhưng chúng cháu phải cố gắng đi về chứ không ở trọ lại vì nhà ai cũng nghèo”. 

Hằng ngày, con em thôn Hải Giang phải vất vả trèo núi, lội suối để đến trường 

Nguyễn Thị Anh Thư, học sinh lớp 8A1, kể khổ nhất là lúc mưa to, nước suối chảy mạnh làm nhiều bạn trượt ngã ướt hết sách vở, áo quần. Cách đây chưa lâu, em Trần Hữu Tấn đang học lớp 9, khi đi học về trượt chân khỏi cầu gỗ tạm, may mà chụp được cây cọc và được các bạn chụp tay kéo kịp thời, nếu không thì đã mất mạng. Dù khó khăn nhưng học sinh ở đây vẫn ước mơ học hết lớp 9 rồi vào TP Quy Nhơn học THPT. 

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Dân ngụ thôn Hải Giang, có con sang năm vào lớp 6. Chị cho biết đang rất lo lắng vì sắp tới con phải qua chặng đường gian nan như thế để đến trường. Chị tâm sự: “Chuyện học sinh lội suối, trèo núi để đến trường có từ trước đến giờ, chúng tôi chịu khổ quen rồi. Chỉ mong có được cây cầu kiên cố để con em khỏi phải đi lại khó khăn như thế”. 

Nhiều học sinh bỏ học 

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Nhơn Hải, nói tội nhất là mùa mưa, nhiều lúc các em ướt hết cả sách vở. “Những hôm trời mưa to, khi tan trường, chúng tôi phải buộc các em đi về cùng lúc để giúp đỡ lẫn nhau. Cũng do đường xa, khó đi nên không ít học sinh phải bỏ học giữa chừng. Thầy cô giáo hiểu được hoàn cảnh, đã đến tận từng gia đình động viên, thuyết phục vượt khó, nhờ vậy nhiều em đã đi học lại” - ông Hạnh nói. 

Bài và ảnh: Đào Tấn Trực
. Bookmark the permalink.

2 Responses to Gian nan đường đến trường

  1. - Cuộc sống nhiều khó khăn quá :(
  2. Nặc danh says:
    CÁC CHÁU THÔNG CẢM
    Nhà nước ta còn nghèo lắm,không đủ tiền để lo cho các cháu,nên hầu như tháng nào cũng có các chương trình vận động ủng hộ,quyên góp đủ thứ từ các cơ quan,xí nghiệp,tháng nào cũng có,năm nào cũng có,nhưng vẫn nghèo nên vẫn phải quyên góp.
    Hiện nay các bác phải lấy tiền của nhân dân để làm những công trình hoàng tráng cho thế giới biết VN là ai,chắc tốn cũng khoảng cả ngàn tỷ như :
    -Tượng đài bà mẹ VN bị khùng.
    -Làm viện bảo tàng
    -Sửa chửa chùa một cột.
    -..........
    Còn xây cầu,làm đường,làm nhà mổi cái cũng tốn khoảng năm chục triệu,các bác lo không nổi,các cháu vì lợi ích TRĂM NĂM TRỒNG NGƯỜI mà Bác Hồ đã dạy rồi,phải cố gắng lên,các cháu còn trẻ mà.

Đôi điều về thư ngỏ

Posted on


240 chữ ký của những người đang sống trong nước, cùng 276 chữ ký của những người Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài, cùng quan tâm đến sự an nguy của một công dân Việt Nam yêu nước - blogger Điếu Cày, anh Nguyễn Văn Hải.

Con số này có nói lên điều gì không?

Với cá nhân tôi, có rất nhiều điều đáng nói.

Như đã thống nhất cùng các bạn khác, trong bức thư cuối cùng gửi đến tay Chủ tịch nước, chúng tôi sẽ chỉ để tên, địa chỉ của những người đồng ký tên theo đúng nguyên tắc thông tin cần phải có của một bức thư thông thường. Có người thắc mắc rằng tại sao chúng tôi không để chức danh, học vị của những người đồng ký tên vào thư ngỏ như một cách bảo chứng cho sức nặng của lá thư này. Cá nhân tôi nghĩ, đứng trước một việc làm đúng, mọi cá nhân đều có phản ứng giống nhau, hoặc là đồng tình ủng hộ hoặc phản đối, vì vậy, mọi công dân Việt Nam, nếu quan tâm đến blogger Điếu Cày đều có thể bày tỏ ý kiến của mình thông qua lá thư mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Bởi cá nhân mỗi công dân, ít nhiều đều có đóng góp một phần nhất định của mình đối với xã hội.

Trong thời gian tôi đi vắng, có thể sẽ có nhiều thiếu sót ở khâu kiểm tra và cập nhật thông tin, vì thế, nếu có sơ xuất gì, mong tất cả mọi người bỏ qua cho chúng tôi.

Có người cho rằng nhóm đề xuất thư ngỏ gửi Chủ tịch nước lần này khó khăn trong công tác tiếp nhận thông tin khi yêu cầu địa chỉ cụ thể và cả số điện thoại liên lạc. Cá nhân tôi hy vọng rằng mọi người hiểu cho, có thể, ở lá thư cuối cùng gửi đi, mục tiêu 1000 chữ ký của chúng tôi sẽ không đạt yêu cầu, tuy nhiên, những cá nhân đã đóng góp chữ ký rõ ràng đều là những con người thật, và ý thức được việc mình làm.

Đã có trường hợp gửi email xin rút lại chữ ký vì lý do cá nhân, và trường hợp này lại do chính tôi xác minh thông tin qua điện thoại, tuy nhiên, chúng tôi tôn trọng quyền tự do lựa chọn của mỗi người.

Xin kể một chuyện vui ngoài lề, khi tôi nhận được email đăng ký của Tiến sỹ Nguyễn Quang A, tôi đã không đăng ngay tên bác vào danh sách, mà lại gửi thêm một email xin số điện thoại của bác để xác minh. Khi tôi gọi và xưng tên, chưa kịp giải thích gì, bác đã nói ngay: "Bác đồng ý và bác hiểu".

Những lời cảm thông như thế, thật sự là cách động viên tinh thần cho chúng tôi rất nhiều.

10 ngày - không dài, không ngắn, nhưng đủ để chúng tôi biết rằng mình không cô đơn, bởi xung quanh chúng tôi, vẫn còn có rất nhiều người không quay lưng đi với những điều đúng đắn trong xã hội.

Xin kết thúc entry này với lời nhắn gửi từ bác Phạm Toàn, nhà nghiên cứu giáo dục, một dịch giả mà tôi rất quý mến rằng:

"Từ việc bắt giữ công dân trái phép, giam cầm không xét xử tới Trại tập trung và Lò thiêu người hoàn toàn là một bước đi ngắn. 

Lịch sử đã và đang chứng kiến Sự Thật đó.

Và Lịch sử cũng chứng kiến sự phỉ nhổ các tác giả của những trại tập trung ở Đức, ở Ba Lan, và ở Siberia.

Có điều là, những hố chôn cả ngàn người dân ở Lybia mới phát hiện gần đây nhất đã không dẫn tới sự trường tồn của một chế độ độc tài, mà chỉ dẫn tới một cái ống cống, ở đó, Gaddafi lóp ngóp chui ra và lắp bắp van xin "đừng bắn, đừng bắn".

Oan cho côn đồ

Posted on

Công T. (bạn đọc Danlambao) - Lại một chuyện lình xình liên quan đến công an Bình Dương. Lần này thì tại công an xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên- Bình Dương. Một nạn nhân bị bắt về công an xã và bị đánh ngay tại đồn công an, phải vào bệnh viện cấp cứu. Nạn nhân làm đơn tố cáo công an. Phía công an lại đổ thừa cho côn đồ đã từ bên ngoài vào đồn công an đánh nạn nhân!

Tin được không chuyện này? Thử đọc mẫu tin này xem coi thử côn đồ nào mà lộng hành thế ? 

Trao đổi với VnExpress.net, Ông Nguyễn Lê Đoàn (công an viên thường trực xã Khánh Bình), người trực tiếp thụ lý vụ việc khẳng định lúc đó đang bận lấy lời khai những người liên quan ở phòng bên thì một kẻ lạ mặt xông vào đánh anh Toản bị thương. Song những công nhân có mặt tại hiện trường vụ xô xát và cũng được mời về trụ sở công an khẳng định, ngoài ông Đoàn còn có vài người nữa mặc đồ dân phòng và công an xã cùng xử lý vụ việc. 

Còn ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Trưởng công an xã Khánh Bình) cho biết chiều hôm đó bận đi học. Khi về cơ quan thấy 2 người bị thương nhưng ông không biết nguyên nhân sự việc. Vị trưởng công an xã cũng cho rằng rất có khả năng anh Toản bị người ngoài tấn công bởi từng xảy ra việc côn đồ ngang nhiên xông vào trụ sở đánh công an nhằm giải vây cho đồng bọn. 

"Chúng tôi đang tiến hành truy xét, làm rõ kẻ đã đánh trọng thương anh Toản ngay tại trụ sở công an để xử lý theo quy định", ông Tuấn nói. 

Bản thân tôi, sinh ra và lớn lên ở Bình Dương. Từ nhà của tôi ở thị xã Thủ Dầu Một về Tân Uyên không xa lắm, tại xã Khánh Bình thì tôi cũng nhiều lần đến đây. Dù có khu công nghiệp và nhiều nhà máy nhưng vùng này cũng như bao vùng quê khác ở Miền Nam. Trại phong Bến Sắn cách xã Khánh Bình cũng không bao xa. Chúng tôi tự hào là quê hương của những con người hiền hòa, bình dị. Dù muốn hay không thì thương hiệu "Người đẹp Bình Dương" cũng vang danh mọi miền. Xong đại học tôi về làm trong ngành tư pháp của tỉnh nhà. Đủ thứ chuyện rắc rối do công an gây ra liên quan đến quê hương tôi, đi đâu bạn bè cũng châm chọc. Vụ anh công nhân Nguyễn Công Nhựt ở Bến Cát chưa điều tra xong thì bây giờ lại ở Tân Uyên. Nhưng công an lần này thì chối tội, công an đổ thừa cho côn đồ bên ngoài xông vào trụ sở công an đánh nạn nhân. 

Nghe cách chối tội thấy nó trơ trẽn quá. Cho dù là côn đồ thật bên ngoài xông vào đánh nạn nhân ở ngay trụ sở công an thì công an xã Khánh Bình cũng phải chịu trách nhiệm. Đằng này tất cả các nhân chứng đều cho là không có chuyện côn đồ bên ngoài xông vào. Từ lúc nạn nhân vào trụ sở công an và đi ra thì mọi người luôn túc trực. Đi vào thì khỏe mạnh nhưng đi ra thì ôm đầu máu me ướt cả áo quần. 

Nếu côn đồ thực sự thì côn đồ cũng hành động một cách khôn ngoan. Côn đồ cho dù có đâm thuê chém mướn cũng biết trụ sở công an là nơi nguy hiểm họ không dám liều. Trừ khi trụ sở công an là sào huyệt hay là nơi bảo kê cho côn đồ thì côn đồ mới lộng hành, ngang nhiên đến vậy. Nếu tình huống này thì chắc là công an xã Khánh Bình cũng là maphia. 

Nhưng chắc chắn một điều ở đây là côn đồ đã bị... oan. Khi công an đánh người mà đổ thừa cho côn đồ làm thì rõ ràng công an còn hạ cấp hơn côn đồ cả ngàn lần. 

Vụ này trước sau gì cũng chìm xuồng. Người nhà của anh Trương Công Toản nên thủ sẵn những bút tích chứng cứ về chữ viết tay của anh Toản. Mai mốt có đi giám định thư tuyệt mệnh để lại của anh Toản cũng có cái để đi giám định. Nghi lắm, hễ công an Bình Dương mà bắt ai thì trước khi "đi" cũng để lại thư tuyệt mệnh khen công an "rất tốt và tử tế." 

Bình Dương ngày 30.11.2011 



*
'Côn đồ xông vào trụ sở công an đánh dân' 

Người đàn ông gửi đơn thưa công an xã đánh vỡ đầu anh trong lúc lấy lời khai. Tuy nhiên, trưởng công an xã và người thụ lý vụ việc lại khẳng định côn đồ xông vào trụ sở cơ quan công quyền đánh anh này bị thương. 

Mới đây, công nhân Trương Công Toản (40 tuổi, quê Nghệ An) gửi đơn tố cáo bị công an xã Khánh Bình, Tân Uyên (Bình Dương) và một người chưa rõ danh tính đánh trọng thương. 

Anh Toản lúc rời công an xã Khánh Bình. Ảnh: Nguyệt Triều

Theo người đàn ông này, vào chiều 26/10 khi anh và nhóm công nhân đang thu dọn thiết bị tại công trình Việt Phát, xã Khánh Bình thì bất ngờ bị ông Nguyễn Văn Chương (47 tuổi, quê An Giang) đến đòi tiền công. 

Do chủ thầu công trình đang trên đường đến phát lương nên anh Toản bảo đợi vài tiếng sẽ có tiền. Khi thấy nhóm công nhân dọn thiết bị đi, ông Chương sợ họ bỏ trốn nêu níu xe máy của Toản kéo lại. Vì chuyện tiền nong không liên quan đến mình nên anh này bực bội cầm cây đánh vào tay ông Chương.

Nhận được tin báo có vụ đánh nhau, công an xã Khánh Bình đã xuống hiện trường và mời mọi người về trụ sở giải quyết. “Lúc lấy lời khai, tôi bị một người mặc áo công an xã, và một người mặc áo trắng đánh đến té ngửa, đập đầu vào tường", anh Toản nói. 

Cũng theo người đàn ông này, anh bị đánh rách khoảng 4 cm trên trán, máu chảy ướt hết áo. Dù cố van xin nhưng anh Toản vẫn bị đánh đến ngất xỉu. Sau đó anh được cho về nhưng phải cam kết không có ý kiến gì. Chiều cùng ngày, các công nhân đã đưa anh Toản đi cấp cứu.

Trao đổi với VnExpress.net, Ông Nguyễn Lê Đoàn (công an viên thường trực xã Khánh Bình), người trực tiếp thụ lý vụ việc khẳng định lúc đó đang bận lấy lời khai những người liên quan ở phòng bên thì một kẻ lạ mặt xông vào đánh anh Toản bị thương. Song những công nhân có mặt tại hiện trường vụ xô xát và cũng được mời về trụ sở công an khẳng định, ngoài ông Đoàn còn có vài người nữa mặc đồ dân phòng và công an xã cùng xử lý vụ việc. 

Còn ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Trưởng công an xã Khánh Bình) cho biết chiều hôm đó bận đi học. Khi về cơ quan thấy 2 người bị thương nhưng ông không biết nguyên nhân sự việc. Vị trưởng công an xã cũng cho rằng rất có khả năng anh Toản bị người ngoài tấn công bởi từng xảy ra việc côn đồ ngang nhiên xông vào trụ sở đánh công an nhằm giải vây cho đồng bọn. 

"Chúng tôi đang tiến hành truy xét, làm rõ kẻ đã đánh trọng thương anh Toản ngay tại trụ sở công an để xử lý theo quy định", ông Tuấn nói. 


Ép học sinh gửi bài dự thi qua bưu điện để kiếm tiền?

Posted on

Bee.net.vn - Theo tính toán sơ bộ, toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 200.00 học sinh. Mỗi phong bì 500 đồng, mỗi con tem 2.500 đồng, tính ra ngành Bưu điện sẽ bán được 200.000 phong bì và tem, tổng thu sẽ là 500 triệu đồng. 

Những ngày qua, nhiều giáo viên ở tỉnh Sóc Trăng rất bất bình khi nhận được thông báo của Bưu điện tỉnh Sóc Trăng và Sở GD-ĐT Sóc Trăng về việc tổ chức cuộc thi tìm hiểu ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Theo giáo viên, việc tổ chức cuộc thi này không nhằm mục đích giúp học sinh tìm hiểu về truyền thống của nhà giáo Việt Nam mà chủ yếu là để cho Bưu điện kinh doanh.

Trong kế hoạch tổ chức cuộc thi do Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng Trần Việt Hùng và Giám đốc bưu điện tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Hải Thanh ký gửi các đơn vị trường học trong tỉnh ngày 14/10 ghi rõ: Đối tượng tham gia là tất cả các học sinh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Thể lệ cuộc thi qui định: Bài dự thi được thể hiện trên giấy A4 theo mẫu của Ban tổ chức; Bài dự thi phải được bỏ vào bì thư có dán tem và gửi qua đường Bưu điện, mỗi bì thư là một bài thi; Thư không dán tem, một bì thư có nhiều bài dự thi, bài thi của các cá nhân gửi trực tiếp là bài không hợp lệ. 

Cơ cấu giải thưởng cho cả cuộc thi gồm tập thể và cá nhân với tổng số tiền là 14,8 triệu đồng. Ngoài ra, Bưu điện cũng sẽ chi trả hoa hồng tiền bán tem, bì thư cho các trường là 15% (5% cho tem, 10% cho bì thư) cho các đơn vị chi bán tem, bì thư cho trường học tham gia cuộc thi. 

Bưu điện tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: IE 

Thầy Trần Đông Nhật, Hiệu trưởng trường THCS Phường 6 (TP Sóc Trăng) cho biết: “Nhận được thông báo cùng kế hoạch tổ chức cuộc thi của Sở GD-ĐT và Bưu điện, chúng tôi rất bất bình vì qui định như trên gây khó khăn, lãng phí cho học sinh. Cụ thể học sinh ở thành phố Sóc Trăng và các huyện có thể không cần phải gửi bài dự thi qua đường bưu điện mà có thể nhà trường thu nhận bài của các em rồi mang nộp thẳng cho bưu điện cũng được". 

"Theo tôi, cách tổ chức như vậy là khó chấp nhận được. Hôm họp lãnh đạo các trường trong thành phố, hầu như ai cũng bất bình và không đồng ý với qui định mà Ban tổ chức cuộc thi đưa ra. Ngay lãnh đạo Phòng GD-ĐT thành phố và cán bộ UBND thành phố cũng không đồng ý. Vì vậy, chúng tôi vẫn phát động học sinh dự thi nhưng sẽ thu bài theo trường và cử người mang sang nộp cho BTC, nếu không nhận thì thôi” - thầy Nhật nói.

Nhiều hiệu trưởng trường THCS và THPT ở các huyện cũng bất bình nhưng “Có văn bản chỉ đạo của Giám đốc sở, dù không đồng ý nhưng vẫn phải làm thôi, không thực hiện theo chỉ đạo thì bị phê bình, mà thực hiện thì thấy nó khó xử quá”.

Một giáo viên ở thành phố Sóc Trăng tính toán: Theo kế hoạch, tất cả học sinh ở tỉnh Sóc Trăng (toàn tỉnh có trên 200.000 học sinh-tính tròn số) đều tham gia cuộc thi, chỉ tính mỗi em gửi một bài thì đã có trên 200.000 bài dự thi, tức là có trên 200.000 chiếc phong bì và chừng đó con tem của Bưu điện được các em mua. Mỗi phong bì 500 đồng, mỗi con tem 2.500 đồng, tính ra ngành Bưu điện sẽ bán được 200.000 phong bì và tem, tổng thu sẽ là 500 triệu đồng. Còn chỉ tính 50% học sinh dự thi thì số tiền bán tem và bì thư của bưu điện cũng được 250 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí giải thưởng chỉ hết 14,8 triệu đồng.

Như vậy, chỉ tính qua loa, ngành Bưu điện sẽ tiêu thụ được hàng trăm ngàn bì thư và tem một cách dễ dàng qua việc tổ chức một cuộc thi như thế này. Nhiều đơn vị trường học tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc thi nếu bắt buộc phải mua tem và bì thư của bưu điện. 

Theo lãnh đạo các trường, nhà trường vẫn tổ chức cho các em làm bài dự thi để giúp các em hiểu hơn về ngày nhà giáo Việt Nam nhưng trường sẽ mang toàn bộ bài thi của trường mình nộp cho BTC, nếu không nhận thì… "xù" luôn.

PV

. Bookmark the permalink.

3 Responses to Ép học sinh gửi bài dự thi qua bưu điện để kiếm tiền?

Học sinh Việt Nam says:
chúng nó còn ép buộc HS mua "Báo Đội" 5000 đ/ tờ cho toàn bộ HS cả nước
đây là một hình thức bóc lột tệ hại con em - gia đình chúng ta hằng ngày
thật là bẩn thỉu cho ngành giáo dục VN. Nguyễn Thiện Nhân có biết hay không?