Thursday, January 5, 2012

Ngư dân sợ “Nhân tai” hơn “Thiên tai”

Khánh An, phóng viên RFA
Café Wifi kỳ này sẽ thảo luận về những khó khăn trong cuộc sống thường ngày của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa của Biển Đông.

 
RFA PHOTO Tàu đánh cá của ngư dân vừa đánh bắt trở về tại Bến Cá Bình Thạnh, Quảng Ngãi hôm 05/07/2011.

Khánh An: Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Café Wifi.

Kính thưa quý vị, những người trực tiếp tiếp xúc với ngư dân là ông André Menras Hồ Cương Quyết, một người Pháp có quốc tịch Việt Nam, blogger Mẹ Nấm, tức Như Quỳnh ở Nha Trang, cùng với Bảo Lộc ở Sài Gòn sẽ kể về những khó khăn trong cuộc sống thường ngày của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa của Biển Đông.

Trong tất cả những khó khăn và hiểm nguy mà những ngư dân này phải đối mặt, có một điều bất ngờ là nỗi ám ảnh về nhân tai lại kinh khủng hơn rất nhiều so với nỗi sợ hãi về thiên tai trong chuyến ra khơi của họ.


Nguyên nhân tại sao lại xảy ra chuyện như thế?

Mời quý vị theo dõi chia sẻ đầu tiên của blogger Mẹ Nấm.

Đâu là “đường lưỡi bò”?

Blogger Mẹ Nấm: Khi mà mình trao đổi với một gia đình đã từng bị Trung Quốc bắt thì họ có nói rằng: “nghề biển là một nghề đầy rủi ro và nghề biển thì ngoài việc nó là một “nghề” thì nó còn là một “nghiệp” nữa”, giống như là gia đình cha truyền con nối từ đời này sang đời khác. Họ sẵn sàng đối mặt với thiên tai và các rủi ro như bão táp, thiên tai hay các tai nạn bởi vì họ biết, họ lường được những hiểm nguy nào mà họ phải đối diện. Tuy nhiên, mối hiểm nguy từ việc bị Trung Quốc bắt giữ thì họ không thể lường trước được bởi vì càng ngày thì ảnh hưởng của “đường lưỡi bò” lan rất rộng trên vùng biển của Việt Nam.
Mối hiểm nguy từ việc bị Trung Quốc bắt giữ thì họ không thể lường trước được bởi vì càng ngày thì ảnh hưởng của “đường lưỡi bò” lan rất rộng trên vùng biển của VN.
Blogger Mẹ Nấm
Ngày xưa mình nói đến Hoàng Sa thì hầu như tất cả các ngư dân đều nghĩ rằng Hoàng Sa là của Việt Nam và đi đánh bắt thì chỉ một hướng là ra khu vực Hoàng Sa thôi. 

Còn bây giờ thì rất khó khăn cho họ bởi vì họ không xác định được đâu là vượt ra khỏi “đường lưỡi bò”, bởi vì tính hải lý thì như những người đi biển dày dạn kinh nghiệm họ nhận xét về mặt hải lý cách 17 hay 20, hay 25 hải lý xa bờ thì nó vẫn đang rất gần bờ biển của Việt Nam, vậy mà vẫn bị Trung Quốc bắt giữ trong khi không có một tàu hải quân nào đi theo hết. 

Vì vậy, mối lo sợ đối với ngư dân hiện giờ không phải là thiên tai mà chính là nhân tai, bởi vì thiên tai thì có khi còn trở về được và được những người khác thông cảm.

Về mặt thiên tai thì hình như còn có được sự trợ giúp như là được hỗ trợ bằng nguồn vay vốn; nhưng về mặt nhân tai thì khi bị Trung Quốc bắt, bị tịch thu hết toàn bộ máy móc như máy định vị và các phương tiện đánh bắt thì hầu như ngư dân đó phải tự thanh toán hết các khoản nợ vay ngân hàng cũng như các khoản nợ thiếu đối với các bạn hàng mà đã bỏ tiền ra cho anh đi. 

Vì vậy họ sợ.

Cái anh nói chuyện với mình là ngư dân Lê Văn Huy thì có nói thẳng với mình rằng họ sợ mối nguy hiểm về nhân tai hơn là thiên tai.

Khánh An: Vâng. Đây là điều mà có lẽ là một bất ngờ lớn đối với mọi người. Những người dân bình thường thì mối lo sợ lớn nhất đối với họ là thiên tai, phải không? Chắc là không nhiều người tưởng tượng ra được là đối với người dân Lý Sơn thì nhân tai lại đáng sợ hơn rất nhiều so với thiên tai. Không biết những người khác như là anh Hồ Cương Quyết và bạn Bảo Lộc có gì bổ sung thêm không ạ?

Hồ Cương Quyết: Anh trả lời về vấn đề thiên tai và vấn đề nhân tai.

Khánh An: Vâng.

Hồ Cương Quyết: Về thiên tai thì có một điều phải nói rất rõ là có những trường hợp mà những thủy thủ am hiểu về biển, biết những hòn đảo, san hô, dòng nước, gió v.v… biết tất cả từ lâu rồi, từ thế hệ trước, bởi vì ngư trường Hoàng Sa là một ngư trường truyền thống của Việt Nam từ mấy thể kỷ rồi. 

Người ta biết hết, không cần la bàn, không cần máy định vị, nhưng mà vẫn bị mất tích khi có cơn bão. 

Tại sao? Khi bị bão lớn người ta cố gắng đi tránh bão vào một hòn đảo mà bị Trung Quốc chiếm đóng nhưng người ta lại không dám đi vào bởi vì biết là sẽ bị (Trung Quốc) bắn. 

Như vậy, bắt buộc người ta phải ở ngoài và chịu đựng cơn bão và hậu quả là tàu bị bão đánh chìm, bị lật úp và người ta mất tích. Như vậy lý do chủ yếu không phải là vì cơn bão mà là việc Trung Quốc cấm ngư thuyền của Việt Nam vào tránh bão ở hòn đảo mà họ đang chiếm. Đó là sự thật.

MG_0116-250.jpg
 
Cá vừa được thu mua của ngư dân tại Bến Cá Bình Thạnh, Quảng Ngãi hôm 05/07/2011. RFA PHOTO.

Cái thứ hai, anh phát hiện một nơi có thể nói là một “tam giác Bermuda”, có nghĩa là ở chỗ đó có những tàu bị mất tích một cách rất bất ngờ mà người ta nghi ngờ là có thiên tai bởi vì lúc đó thời tiết tốt, không có bão. 

Đó là vùng ở gần hòn đảo Bombay của Hoàng Sa thì có những trường hợp tàu của ngư dân Việt Nam mất tích ở đó, chắc chắn đó không phải là do thiên tai mà là do nhân tai. Đó là những gì anh hiểu biết khi tiếp xúc với ngư dân ở đó và được họ kể cho biết.

Cái đó không bao giờ chính quyền Việt Nam nói đến, nhưng mà anh có thể khẳng định việc đó có, có nghĩa là Trung Quốc có những hành động thủ tiêu, đặc biệt đối với những người đã bị bắt một và vẫn trở về ngư trường Hoàng Sa vừa là để mưu sinh, vừa là vì họ yêu nước và muốn khẳng định chủ quyền của đất nước mình ở Hoàng Sa và họ bị thủ tiêu như anh Nguyễn Đảng mới bị mất tích ở đó mặc dù lúc đó thời tiết rất tốt. 

Và ông Nguyễn Đãng có thể nói là một thuyền trưởng rất giỏi ở Lý Sơn thì làm sao lại có thể mất tích ở đó với 6 anh em ngư dân? Cái đó thì chỉ có Trung Quốc có thể giải thích.

Không có tiền thì chết

Khánh An: Vâng. Qua những chia sẻ rất ngắn thế nhưng có nhiều điều phải nói là rất kinh khủng khi nghe tới trong câu chuyện mà anh Hồ Cương Quyết đã trực tiếp nói chuyện và tiếp xúc với ngư dân ở ngoài Miền Trung. 

Trong đó, Khánh An để ý thấy anh nói về vấn đề thiên tai nhưng một nguyên nhân làm cho người dân gặp nạn vì thiên tai lớn nhất là vì họ không thể tìm ra chỗ để tránh bão. Họ không dám đi vào những hòn đảo mà Trung Quốc đã chiếm đóng (Hồ Cương Quyết: Đúng!) để mà tránh bão. 

Chính vì thế mà họ đành chịu hậu quả của những thiên tai xảy ra trên biển trong chuyến đi của họ và đây là điều thật kinh khủng!  

Đặc biệt, anh Hồ Cương Quyết cũng cho chúng ta biết là có một điều mà anh cũng nghi ngờ mà anh cho là chính quyền Việt Nam đã không bao giờ dám nói tới, đó là những ngư dân bị mất tích nhưng không có lý do để biện minh cho sự mất tích đó và người ta nghi ngờ có lẽ do phía Trung Quốc  (Hồ Cương Quyết:  Đúng!) đã gây ra những trường hợp đó.
Lý do chủ yếu không phải là vì cơn bão mà là việc Trung Quốc cấm ngư thuyền của Việt Nam vào tránh bão ở hòn đảo mà họ đang chiếm. Đó là sự thật.
Hồ Cương Quyết
Hồ Cương Quyết: Xin lỗi! Xin lỗi! Nói “có lẽ” là không đúng, bởi vì vùng này hoàn toàn bị Trung Quốc kiểm soát, không có Philippines, không có Malaysia, không có Brunei, không có nước nào mà chỉ có Trung Quốc, thì không phải là “có lẽ”, mà chắc chắn là Trung Quốc.

Khánh An: Vâng. Anh Hồ Cương Quyết khẳng định chắc chắn là do Trung Quốc gây ra chứ không phải là “có lẽ’ như là Khánh An nghi ngờ nữa. (Hồ Cương Quyết: Đúng!) 

Vâng. Và anh đã nêu ra một trường hợp mà có lẽ những người theo dõi tin tức về những ngư dân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) thì chắc là biết đến trường hợp ông Nguyễn Đảng. 

Ông là một ngư dân rất lão luyện và dày dạn kinh nghiệm trên ngư trường Hoàng Sa. Vừa rồi, báo chí đã đưa tin là ông đã bị mất tích (Hồ Cương Quyết: Đúng!) và anh Hồ Cương Quyết khẳng định là do phía Trung Quốc gây ra sự mất tích này. 

Hồ Cương Quyết: Đúng! Đúng! Bởi vì anh đã nói rồi, những người mất tích như vậy thì “mất tích” là một cách nói rất nhẹ. Mất tích như vậy thì đa số là bị Trung Quốc bắt một lần, hai lần rồi, mà họ vẫn tiếp tục (đánh bắt) ở ngư trường Hoàng Sa, thì đối với Trung Quốc, họ bị xem như những người ngoan cố, không chịu bỏ cuộc. Như vậy thì phải phạt một cách dứt khoát.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn anh Hồ Cương Quyết. Khánh An muốn mời Bảo Lộc. Bảo Lộc có ý kiến gì về vấn đề thiên tai và nhân tai đối với cuộc sống của ngư dân không ạ?

Bảo Lộc: Theo như lời kể của ngư dân ở đó thì từ trước tới giờ ngư trường của họ vẫn là Hoàng Sa. Họ bắt buộc phải đánh bắt ở Hoàng Sa vì nếu họ đánh ở vùng khác, ở gần bờ thì không có cá lớn nên thu nhập của họ không đủ sống, cho nên buộc lòng người dân muốn sống thì phải đi đánh xa bờ. Mà muốn đánh xa bờ thì phải đi ra Hoàng Sa.

MG_0128-250.jpg
 
Cảng cá Bình Thạnh ở Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hôm 05/07/2011. RFA PHOTO.

Theo ngư dân ở đó thì chính quyền Việt Nam vẫn khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam, thì đối với ngư dân trước tới giờ ông bà tổ tiên họ vẫn coi đây là ngư trường chính nên mọi người tới đó đánh bắt. 

Người ta băn khoăn là chính quyền trong nước vẫn khẳng định chủ quyền là của Việt Nam và trong đó có chương trình “cùng ngư dân bám biển” này kia thì mọi người vẫn biết, nhưng mà cụ thể của việc hỗ trợ để “cùng ngư dân bám biển” là cái gì thì mọi người không thấy. 

Thậm chí, ngay cả ngư dân bị Trung Quốc bắt mà có may thoát về thì người ta nói là họ không được hỗ trợ một đồng nào hết. Người ta đặt dấu hỏi là “hỗ trợ cái gì?” và “cùng ngư dân bám biển” cái gì? 

Trong khi đó, chính quyền lại tạo nên một đội gọi là “dân quân vùng biển” đại khái như là “dân quân tự vệ” hay “dân quân vùng biển” gì đó, nhưng lại không được trang bị một thứ vũ khí hỗ trợ gì hết. Chỉ có tay không thì lấy cái gì mà ngư dân tự bảo vệ mình trước những lực lượng súng ống đầy mình của hải quân Trung Quốc.

Một điểm rất khó khăn nữa là khi ngư dân bị bắt, nếu mà không có tiền thì sẽ bị bên phía Trung Quốc bỏ đói cho đến chết, có nghĩa là một là chết, hai là nếu họ đi về mà khi vượt biển không có dầu thì cũng chết. Điều này có nghĩa là nếu mà không có tiền thì xác định là phải chết rồi đó. Điều đó thể hiện cái dạ rất ác của Trung Quốc.

Một điểm nữa là khi mà bị bắt thì bên phía Trung Quốc trước tiên bắt ngư dân phải quỳ xuống và bắt viết một tờ giấy, có người Việt hướng dẫn luôn, là “bị bắt vào đây vì xâm lấn chủ quyền của Trung Quốc”, có nghĩa là phải viết tờ giấy đó và ký tên vì nếu không viết thì sẽ bị đánh. 

Mình không biết cái ý thâm sâu của tờ giấy đó là cái gì? Theo mình nghĩ thì có thể là khi có đầy đủ cơ sở về chứng từ để khi mà có ai nêu lên khúc mắc thì phía Trung Quốc có đủ cơ sở để nói rằng “đây là khẳng định của ngư dân vì xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc nên mới bị bắt”. 
Đó là thâm ý của phía Trung Quốc và mọi người rất là băn khoăn, tại vì khi bị bắt vào thì buộc phải có tờ giấy đó.

Khánh An: Quý vị vừa theo dõi chia sẻ của Bảo Lộc. Đã đến lúc chương trình Café Wifi phải tạm dừng rồi, Khánh An và các khách mời hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ sau để tiếp tục tìm hiểu về các chính sách của nhà nước và cách hành xử của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ ngư dân đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa. Bây giờ thì Khánh An xin kính chào tạm biệt.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cnese-is-more-dangerous-ka-01032012111251.html

No comments:

Post a Comment