Sunday, September 25, 2011

“Mấy đứa nhỏ sau này bớt khổ”


Công việc cho tôi được may mắn gặp nhiều mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều mẹ liệt sĩ. Gặp và nhận ra các mẹ có thật nhiều điểm giống nhau: vóc dáng hao gầy của nhọc nhằn, nếp nhăn hằn sâu của chịu đựng, ánh mắt vời vợi của chờ đợi, giọng nói trìu mến của yêu thương... Và trên tất cả là chung với nhau đức hi sinh vô bờ bến.
Đã có nhiều bài thơ, bài nhạc, nhiều câu chuyện, bộ phim về các mẹ. Và tác giả nào cũng tự thấy mình bất lực vì không từ ngữ, hình ảnh nào thể hiện được hết sự vĩ đại của mẹ. Nhưng cái giản dị thì có thể, vì mẹ trước hết chính là sự giản dị.
Tôi đã có nhiều lần hỏi: “Mẹ ước mơ gì?”. Một mẹ ở Huế vừa cắm nén nhang lên bàn thờ vừa thủ thỉ: “Còn đứa cháu nội út, mong được thấy nó lấy vợ”. Một mẹ ở Quảng Trị thở dài: “Còn sống ngày nào thì còn sức nhang khói cho ông ấy, cho mấy anh”. Một mẹ ở Bình Định kể chuyện con trai khi xưa rất thích ăn ngọt, mẹ cứ dành mãi trong chạn vài cục đường thẻ, thỉnh thoảng có liên lạc về thì gửi cho con. Rồi mẹ rớm nước mắt: “Ước nó sống lại được một ngày, mẹ nấu cho nó nồi chè...”.
Ước mơ của mẹ làm đắng lòng người nghe chuyện. Nhưng mẹ cũng không bao giờ để những đứa con cháu mới quen phải khó xử, ngay sau câu chuyện đau lòng, mẹ đã lại cười: “Giờ hòa bình rồi, mẹ mừng. Chỉ mong mấy đứa nhỏ sau này bớt khổ”.
“Mấy đứa nhỏ sau này bớt khổ” là lý do mà mẹ cười khi “mấy đứa nhỏ” yêu thương của cuộc đời mình xung phong trước làn tên mũi đạn, là lý do mẹ nuốt trọn những suối nước mắt vào lòng. Khách đến nhà mẹ, những con cháu nhận phụng dưỡng mẹ bao giờ cũng chạnh lòng khi ngắm những bằng Tổ quốc ghi công treo trên tường, nhìn những tấm ảnh trên bàn thờ, bao giờ cũng nảy ra trong lòng những so sánh với những gì mình đã thấy ngoài xã hội. Chỉ có mẹ là luôn thanh thản.
Tuổi già, mẹ chỉ còn cần chén cháo, cái giường đơn; chỉ còn móm mém nụ cười khi trong nhà líu lo tiếng đám trẻ, chỉ còn chút ấm áp khi bàn tay khô gầy được nắm níu bởi những bàn tay thanh xuân. Với mẹ, có chế độ phụng dưỡng nào là cao hay thấp nữa đâu.
Chưa bao giờ có ai được nghe mẹ yêu cầu điều gì cho mình, kể cả người có lẽ đã gặp nhiều mẹ VN anh hùng nhất như họa sĩ Đặng Ái Việt (người đã rong ruổi khắp đất nước để ký họa chân dung mẹ VN anh hùng) cũng khẳng định: các mẹ chẳng bao giờ nói “Mẹ muốn...”.
Mẹ Thứ và nhiều mẹ VN anh hùng khác đã, đang và sẽ lần lượt ra đi, để lại câu chuyện vĩ đại và giản dị của cuộc đời mình. Cái vĩ đại chỉ cảm được bằng tấm lòng. Cái giản dị lưu lại ở sân gạch đã in bóng mẹ, hàng cau mẹ đứng mong con, bộ ván mẹ ngồi kể chuyện ngày xưa...
Tượng đài không thể kể được câu chuyện ấy. Nhưng có tượng đài thì vẫn tốt, chính là tốt cho thế hệ đi sau. Nhưng vì là thế hệ đi sau nên vẫn có nhiệm vụ phải suy nghĩ. Một tỉ, vài chục tỉ, vài trăm tỉ... thật khó so sánh với cái vĩ đại, cũng thật khó đánh giá với cuộc đời giản dị của mẹ. Chẳng tượng đài nào có thể khiến mẹ vui khi chiều tối trong nhà không có bóng con, tiếng cháu. Điều làm cho mẹ vui chính là khi ý nghĩa sự hi sinh của các con mẹ được thành hiện thực.
Là: “Mấy đứa nhỏ sau này bớt khổ”.
Vậy nên dù tượng đài là thiêng liêng, dù việc làm tất cả để bù đắp những hi sinh, thiệt thòi của mẹ là bổn phận, dù việc kể lại cho đời sau câu chuyện về mẹ là nhiệm vụ, thì người ta vẫn phải làm một bài toán so sánh bản dự toán tượng đài 410 tỉ đồng với dự toán những chiếc cầu treo và số lượng những em học sinh đang phải mạo hiểm với sinh mạng để qua sông, suối mỗi ngày trên những bè, mảng chênh vênh và những chiếc ghe mỏng mảnh...

PHẠM VŨ
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/457405/“May-dua-nho-sau-nay-bot-kho”.html

No comments:

Post a Comment