Sunday, December 4, 2011

Cần đánh giá đúng mức những động tác mới đây của Nguyễn Tấn Dũng

Hoàng Cơ Định


Nguyễn Tấn Dũng
Vào ngày 25 tháng 11/2011 tại Quốc Hội nước CHXHCNVN, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những phát biểu độc đáo về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, ông ta nói như sau:

Việt Nam chúng ta khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất là từ Thế kỷ XVII. Chúng ta làm chủ khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình. 
 
Nhưng đối với Hoàng Sa, năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Trường Sa. Đến năm 1974 cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên hợp quốc can thiệp.  Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này.

Về Trường Sa, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố:
năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc thì Hải Quân chúng ta đã tiếp quản 5 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa, đó là đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca, năm đảo này do quân đội của chính quyền Sài Gòn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang quản lý chúng ta tiếp quản.
 
Sau đó với chủ quyền của chúng ta, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo, với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra chúng ta còn xây dựng thêm, 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này, vùng biển trong phạm vi mà 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Trong khi đó ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng đã chiếm 7 bãi đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo nổi, Philipine chiếm 9 đảo, Malaixia chiếm 5 đảo, còn Bruney có đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển nhưng không có chiếm giữ đảo nào.
 
Nội dung lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng là điều đã được xác nhận bởi nhiều tài liệu, nếu những phát biểu này là do một nhà nghiên cứu nêu lên thì chẳng có gì mới lạ, nhưng từ một lãnh đạo hàng đầu của CSVN, những người đã tránh né đề cập tới vấn đề này từ nhiều năm qua và luôn luôn tỏ ra khiếp nhược đối với Trung Cộng, thì lời phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng được coi là “kinh thiên động địa” cũng có lý phần nào. 
 
Nhà ngoại giao Dương Danh Dy đã bình luận như sau:
Một trong những người lãnh đạo cao nhất nước VN, công khai nói trước Quốc Hội về vấn đề Biển Đông như thế này là chưa từng có, chứng tỏ tư thế của VN ở vị thế rất cao.

Ông Dy còn nhấn mạnh:
Cách nói của ông Dũng nó thể hiện cả cương và nhu, trong nhu có cương cho nên tôi rất thích.”

Còn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh thì bình luận như sau:
Có cái thuận lợi là các phong trào yêu nước trong nước, ví dụ như các em học sinh mặc cái áo có chữ “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” thì có lý do gì nhà nước không cho.

Tuy nhiên, chỉ 24 giờ sau, sự lạc quan của cả ông Dy lẫn ông Đằng xem ra nhiều phần là … “lạc quan sảng” vì bọn công an tay chân của Ba Dũng đã ngang nhiên bắt mười mấy người VN ngay giữa Thủ Đô Hà Nội dầu cho họ chẳng xuống đường hô hoán gì, mà chỉ vì họ là những người đã tham gia biểu tình trước đây để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa & Trường Sa của Việt Nam.

Với lối suy nghĩ của người quen sống trong một xã hội dân chủ và tự do, thì thái độ của chính quyền Nguyễn Tấn Dũng thật là khó hiểu, khi họ coi người dân cùng quan điểm với họ chống  lại xâm lăng của Trung quốc, như … quân thù! 
 
Nhưng nếu đừng bị che mắt bởi cái vỏ lừa dối của một chế độ “do dân và vì dân” như CSVN vẫn tự nhận, và hãy nhận chân thực chất của nó chỉ là một tập đoàn thực dân bản xứ, thực dân Việt cộng, đang giành quyền thống trị và khai thác dân tộc và đất nước VN với bọn thực dân Tàu cộng, thì việc giải thích thái độ của chính quyền Nguyễn Tấn Dũng không có gì khó khăn. 
 
Với Việt cộng và Tàu cộng, dân tộc và đất nước Ta chỉ là miếng mồi trước hai con thú dữ, chúng có thể gầm gừ, cắn nhau, nhưng không ăn thịt nhau và có thể thoả hiệp dầu là phần ăn không đồng đều. Đó là lý do tại sao, trước áp lực của Tàu cộng, Việt cộng có thể tìm đồng minh với Ấn Độ, Philippine và ngay cả Hoa kỳ nhưng chẳng bao giờ Việt cộng lại tìm hậu thuẫn của người dân VN để chống lại chính sách xâm lăng của Tàu cộng. 
 
Xét cho cùng, lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng về chủ quyền VN tại Hoàng Sa & Trường Sa chỉ có giá trị trang điểm nhiều hơn thực chất, khi chế độ do ông ta lãnh đạo còn dành toàn quyền thao túng kinh tế VN cho Tầu cộng, cho phép dân Tầu có thể tràn qua VN bằng vô số cách, vô số ngả và đã biến VN thành bãi rác cho Trung quốc để tiêu thụ các sản phẩm độc hại dân Tàu bắt đầu chê và khai thác bôxit để bớt ô nhiễm cho “chính quốc”. 

Lời tuyên bố về Hoàng Sa & Trường Sa của Nguyễn Tấn Dũng đã diễn ra sau một động tác đáng lưu ý khác của ông ta, đó là chỉ thị tiến hành việc soạn thảo Luật Biểu Tình.  Nhưng cho tới nay, đối với Việt cộng, Luật không phải là những nguyên tắc công bằng mà các thành phần trong xã hội phải tuân thủ  (như trong các xứ văn minh) mà “Luật của Việt cộng” chỉ là những điều nhà cầm quyền bó buộc người dân phải tuân theo. 
 
Đó là lý do Ba Dũng đã giao việc soạn thảo Luật Biểu Tình cho … Bộ Công An !!! Để chuẩn bị tâm lý quần chúng sẵn sàng chấp nhận loại luật độc tài, tác phẩm của Bộ Công An, mấy ông Việt cộng đang diễn tuồng Dân Biểu như  Hoàng Hữu Phước còn mạnh miệng tuyên bố quá quắt hơn nữa, rằng: không cần luật gì cả, chỉ cần cấm biểu tình là xong chuyện… 

Trước chiêu thức mới của Ba Dũng, một số anh chị em Dân Chủ trong nước đã tung ra một sáng kiến thăm dò: Thử biểu tình ủng hộ Thủ Tướng đã có sáng kiến soạn luật biểu tình xem kết quả ra sao? Kết quả đúng như dự trù, đó là thể diện là một khái niệm hoàn toàn thiếu vắng nơi người cộng sản: Miệng giới lãnh đạo cứ việc nói bừa, hứa cuội, nhưng guồng máy công an tay chân của họ thì vẫn tiếp tục đàn áp thẳng thừng người dân nếu dân làm điều gì ngoài những điều Đảng ra lệnh hay Đảng cho phép.

Như vậy trong việc đánh giá những động tác mới đây của Nguyễn Tấn Dũng về Hoàng Sa & Trưởng Sa và Luật Biểu Tình chúng ta có thể kết luận ra sao ? 

Tuy không vui mừng như quý ông Dương Danh Dy và Lê Hiếu Đằng nhưng chúng ta không thể cho rằng hành động của Ba Dũng là một sáng kiến tự nhiên mà có. Nếu không có nhiều cuộc biểu tình của những đồng bào can đảm tại Hà Nội chống lại hành động xâm lăng của Tàu cộng tại Biển Đông thì Ba Dũng, dẫu nằm mơ cũng không nói sảng như vậy. Cho nên phải coi những phát biểu mới đây của Nguyễn Tấn Dũng là hệ quả của những cuộc biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn chống Trung Quốc xâm lăng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. 
 
Không có thái độ quyết liệt thể hiện qua các cuộc biểu tình này thì sẽ chẳng có lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng về chủ quyền VN tại Hoàng Sa và Trường Sa, chẳng có vấn đề người dân sẽ có quyền biểu tình ra sao… Lãnh đạo Việt cộng sẽ tiếp tục ù lỳ, đắc ý với thái độ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (có nghĩa là thụ động để giải quyết mọi khó khăn) để “sống chết mặc bay tiền Tàu bỏ túi”. 
 
Nhận định về những tuyên bố này của Nguyễn Tấn Dũng, giáo sư Carlyle Thayer một chuyên gia về vấn đề VN cho rằng:” lý do có thể là vì áp lực vô cùng lớn ở trong nước, từ phía dư luận và người dân đòi hỏi chính phủ phải có hành động cứng rắn về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa

Giống như trong chuyện thần thoại “Cây Đèn Thần”, ba chữ Hoàng Sa, Trường Sa và Biểu Tình đã như làn khói thoát ra khỏi lớp vỏ tù ngục, một khi bay ra ngoài sẽ không thể chui trở lại vào trong lớp vỏ này với lý cớ vu vơ rằng đó là vấn đề “Nhậy cảm”.  Chuyện thần thoại kể rằng làn khói bay ra khỏi Đèn đã biến ngay thành vị hiền thần đem lại nhiều chuyện tốt lành… 
 
Vì thực tế không là chuyện thần thoại, chúng ta không chờ đợi phép lạ tương tự trong hoàn cảnh ngày hôm nay, nhưng điều chắc chắn là người dân Việt Nam sẽ khai dụng những thành quả vừa nêu, đạt được bởi nỗ lực của chính mình, với hoàn cảnh thuận tiện mới đây gây ra do thái độ hung hãn của Trung cộng và phản ứng tích cực của Hoa Kỳ tại Á Châu. Chuyện tuy khó nhưng chẳng phải là không thể, chẳng lẽ người Việt thua xa người Cam Bốt và người Miến Điện đến thế sao ?

Tóm lại, những động tác vừa qua của Nguyễn Tấn Dũng không đáng để được vỗ tay ca ngợi, cũng chẳng nên coi như đó chỉ là thêm một lần bịp bợm mới. Thực chất đó là thành quả của nỗ lực tranh đấu chống Trung Quốc xâm lăng của đồng bào Hà Nội và Sài Gòn trong những tháng vừa qua, đó cần được khai dụng tiếp để một mặt bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ, mặt khác để đòi lại quyền tự do của người dân Việt đã bị nhà cầm quyền độc tài cướp đoạt.

Hoàng Cơ Định

DienDanCTM

No comments:

Post a Comment