Thursday, December 29, 2011

THAM NHŨNG – NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI NGUYÊN NHÂN



THAM NHŨNG – NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI NGUYÊN NHÂN
Bùi Công Tự

Sáng 26/12/2011 Hội nghị lần thứ tư BCH TW Đảng (Khóa XI) đã khai mạc tại Hà Nội. Một trong hai nội dung chính của hội nghị là vấn đề “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. TBT Nguyễn Phú Trọng nói rằng đây là vấn đề “liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

ĐCSVN là Đảng cầm quyền. Đảng không chỉ quyết định những vấn đề đại sự quốc gia mà cả những công việc nhỏ nhặt ở thôn xóm, ngõ phố. Không ai có thể phủ nhận những thành tựu của Đảng. Nhờ thế mà đất nước ta đã đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện nhiều, không đến nỗi nghèo nàn như Cuba hay bế tắc khốn khổ như Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên (tôi rất không thích nói tuy nhiên), sau 25 năm đổi mới, sự phát triển của đất nước chưa đáp ứng đươc nguyện vọng của đại bộ phận nhân dân.Kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học vẫn ở trình độ thấp, xã hội tồn tại nhiều vấn nạn bê bối nổi cộm, đất nước chưa thật sự có dân chủ. Vì sao có tình trạng đó.

Chúng ta rất vui mừng thấy ĐCSVN đã nhận ra “vấn đề” của mình. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn trong bài phát biểu tại hội nghị TW 4 (khóa XI) ngày 26/11/2011 TBT Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên, kể cả ở cấp cao. Tình trạng đó đến nay chưa được đẩy lùi mà thậm chí càng ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Ông Nguyễn Phú Trọng nêu câu hỏi: Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Và ông cho biết đây là một “câu hỏi lớn rất day dứt, trăn trở lâu nay cần được trả lời cặn kẽ”.

Trong hội trường rực đỏ màu cách mạng, các vị ủy viên TW đang phân tích, mổ xẻ để tìm ra căn nguyên, để đề ra biện pháp điều trị những căn bệnh trầm kha. Có điều các vị ủy viên TW không giống như các vị bác sĩ. Các bác sĩ thì luôn coi bọn vi rút, vi trùng, ung bướu là kẻ thù không đội trời trung, tìm mọi cách tiêu diệt chúng để cứu người bệnh. Trái lại các vị ủy viên TW thì rất có thể “một bộ phận không nhỏ” (lời TBT Nguyễn Phú Trọng) vì nhiều lý do mà né tránh không muốn nhìn thẳng vào con bệnh. Do đó rất có thể là các vị sẽ đưa ra những nhận định vòng vo, những biện pháp điều trị nửa vời.

Trở lại câu hỏi day dứt của ông Nguyễn Phú Trọng: Vướng mắc chính là ở chỗ nào?

Tôi xin thẳng thắn thưa với ông TBT rằng: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân đó là nạn tham nhũng.

Vì tham nhũng đẻ ra nạn mua quan bán chức, đưa vào guồng máy lãnh đạo từ cấp quốc gia đến cấp địa phương, doanh nghiệp những kẻ bất tài, thất đức gây ra bao nhiêu hệ lụy.

Vì tham nhũng mà ngân sách bị thất thoát, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nặng nề.

Vì tham nhũng mà người dân bị móc túi, bị mất mát tiền bạc, đất đai.

Vì tham nhũng mà bao kẻ tội phạm không bị trừng phạt, vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Vì tham nhũng mà dân chủ không được thực thi dù ai cũng biết rằng dân chủ là tốt đẹp.

Vì tham nhũng mà nhân dân phải trường kì khiếu kiện, tụ tập phản ứng, gây mất ổn định xã hội.

Vì tham nhũng mà gia tăng khoảng cách giàu nghèo, cũng là nguyên nhân mất ổn định xã hội.

Vì tham nhũng mà đất nước bị mất uy tín trên trường quốc tế, mất lòng tin của các nhà đầu tư, bạn bè.

Vì tham nhũng mà giáo dục xuống cấp, y đức băng hoại, môi trường ô nhiễm.

Vì tham nhũng mà sinh ra nhóm lợi ích, chi phối cả đến pháp luật và chính sách quốc gia.

Chỉ những người nằm trong guồng máy chính trị, kinh tế, pháp luật, hành chính… thì mới có thể tham nhũng. Trong cơ chế Đảng cầm quyền thì những người đó đều là thành viên của Đảng.

Cán bộ suy thoái về tư tưởng, chính trị đạo đức dẫn tới tham nhũng.

Tham nhũng như bệnh dịch lây lan lại càng làm cho nhiều, rất nhiều cán bộ hư hỏng cả về tư tưởng và lối sống.

Cho nên ĐCSVN muốn “xây dựng, chỉnh đốn” thì trước hết phải triệt để chống tham nhũng.

Phát biểu tại hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng khóa XI, TBT Nguyễn Phú Trọng nói:

“Những việc cần và có thể làm ngay phải chăng là: Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại.”

Thưa ông TBT, chúng ta đã có kinh nghiệm là nhiều năm qua cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có kết quả rất hạn chế. Cho nên tôi e rằng “những việc cần và có thể làm ngay” mà ông nói trên chỉ đơn thuần là lời kêu gọi.

Nếu có đủ bản lĩnh, ông và các đồng chí của mình hãy dùng luật pháp để trừng trị những kẻ tham nhũng. Một khi tham nhũng không còn là quốc nạn thì hệ thống của ông sẽ trong sạch, bền vững, sẽ được nhân dân tin tưởng ủng hộ.

Đó là góp ý của một người chưa bao giờ được sinh hoạt chi bộ.
TP Hồ Chí Minh, 27/12/2011.
 

No comments:

Post a Comment