Friday, March 16, 2012

Ngày 12/3 - Quốc Tế Chống Kiểm Duyệt Internet (phần 2)

Nguyễn Thanh Văn

Kính thưa quý thính giả, nhân ngày Quốc Tế Chống Kiểm Duyệt Internet 12 tháng 3, chúng tôi đã gửi đến quý vị phần đầu bài viết nhan đề “Ngày 12/3 - Quốc Tế Chống Kiểm Duyệt Internet” của tác giả Nguyễn Thanh Văn, qua đó đã sơ lược về sự phổ quát và sức mạnh của internet cũng như sự thất bại trong việc ngăn chặn internet mà một số gia đang theo đuổi. Sau đây, mời quý vị nghe phần hai bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Văn.





Theo một thống kê cho biết chỉ trong năm 2009 đã có hơn 90 ngàn tỉ eMail được gởi đi và chỉ riêng tháng 12/2009 đã có 131 tỉ lượt tìm kiếm trên mạng Internet. Dự kiến trong năm 2012 này sẽ có 2,1 tỉ người trên thế giới xử dụng Internet. Riêng tại Việt Nam tính đến cuối tháng 1/2012 số người sử dụng Internet ước tính đạt 33,4 triệu người. Nếu chỉ tính theo số người xử dụng Internet thì theo thống kê năm 2011, Việt Nam đứng hàng thứ 19 trên thế giới (2). Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ dân số thì Việt Nam còn đứng khá thấp. Nhìn vào bảng xếp hạng 58 quốc gia có trên 50% dân số xử dụng Internet (3) người ta có thể thấy được điều này.

Trong bài viết “Việt Nam đàn áp Internet và quyền tự do phát biểu” của ký giả Doug Bernard, được đài VOA dịch ra Việt Ngữ và được trang mạng Boxit VN đăng tải (4) ông đã cho độc giả một số thống kê thú vị, với nhận xét như sau: “Trong lĩnh vực tự do thông tin, việc sử dụng điện thoại di động cũng như iPhone, iPad…luôn gắn liền với việc sử dụng Internet. Bài báo đã cung cấp cho bạn đọc những con số thống kê rất nên biết, ví dụ “Hơn 111 triệu điện thoại cầm tay đã được đăng ký tại một đất nước có dân số chỉ tới 86 triệu người” (tức là bình quân mỗi người Việt Nam đang sử dụng từ 1 đến 2 điện thoại di động). Chỉ trong 10 năm gần đây số người truy cập Internet đã tăng từ 1% vọt lên tới 27%, nhưng cũng “Chỉ trong vài tháng qua, có tới 9 nhà báo và 33 blogger bị bỏ tù! Tác giả cũng giới thiệu ngắn gọn về các blogger nổi tiếng bị khống chế và tù tội như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba SG, Mẹ Nấm…”

Tuy chưa có con số thống kê chính thức nào, nhưng điều được nhiều người thừa nhận là đại đa số những người dùng Internet ở Việt Nam là giới trẻ và có khuynh hướng truy cập những trang mạng được nhà nước cho phép. Những chủ đề thịnh hành trong giới này là “hàng hot”, bạo lực,“lộ hàng“, v.v... và do đó vô hình chung đã gần như tạo thành nếp “thời trang” cho giới trẻ nói riêng và xã hội VN nói chung, hiện nay. Trong dịp kỷ niệm 33 năm trận chiến Biên Giới Phía Bắc vừa qua đã không ít người than phiền rằng, có đến 80 – 90% thành phần trẻ ngày nay không hề biết gì về biến cố Trung Quốc xâm lược năm 1979 cũng như biến cố Trường Sa năm 1988, vì nền giáo dục của đảng không bao giờ nhắc đến, còn truyển thông, đặc biệt là Internet, tuy là những phương tiện giáo dục hữu hiệu nhưng những vấn đề vừa kể lại bị coi là nhạy cảm, không ai dám nhắc đến.

Điều rất đáng buồn từ nguồn thống kê của các công ty chủ quản các động cơ truy tìm như Google, Yahoo cho biết Việt Nam đã “lọt được” danh sách những quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet thăm viếng các trang mạng khiêu dâm, tình dục cao nhất thế giới. Ngay cả trên hầu hết các trang báo mạng do nhà nước quản lý và cho phép đều đầy rẫy những hình ảnh và mẫu chuyện khêu gợi, khiêu dâm. Trong lúc đó, mọi lệnh cấm Internet đều có thòng thêm lý do để ngăn chận văn hóa đồi trụy và bảo vệ trẻ em!

Bên cạnh thành phần vừa kể là một thiểu số khao khát sự thật, tìm đọc những nguồn tin tức dữ kiện bị xem là “nhạy cảm” đối với nhà nước. Nhờ sự hướng dẫn dây chuyền, thành phần này đã ngày càng có nhiều người biết cách tự bảo vệ mình thoát khỏi sự theo dõi, rình rập của công an trong khi “lướt mạng”. Đồng thời, ảnh hưởng của thành phần thiểu số này cũng ngày một gia tăng trên cộng đồng mạng. Hẳn nhiên đây là điều khiến nhà nước không thể yên tâm. Do đó, bên cạnh những chiến dịch tấn công dịch vụ (DOS) các trang mạng “không được lòng của nhà nước”, Hà Nội đã liên tục ra những văn bản dưới luật, gọi là để “quản lý” Internet, mà thực chất là để trói buộc những người xử dụng Internet trong cái rọ của nhà nước chặt chẽ hơn, và khi không “quản lý” được theo ý muốn thì cấm cản, đàn áp, sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm. Với “thành tích” này, hàng năm CSVN luôn luôn được xếp hạng là nhà nước kẻ thù của Internet, và hiện đang đứng hàng thứ nhì thế giới về số blogger và nhà báo bị giam giữ.

Để đáp lại sự quan tâm của thế giới về quyền xử dụng Internet của người Việt Nam, có lẽ đã đến lúc người Việt Nam chúng ta cùng tham gia lên tiếng với thế giới trong ngày Chống Kiểm Duyệt Internet 12/3/2012 năm nay. Những việc làm cụ thể rất đa dạng và có thể rất đơn giản, như gởi cho người chung quanh địa chỉ những nơi hướng dẫn cách vượt tường lửa, cách xoá dấu chân khi lướt mạng; cùng nhau đăng một hình tượng chung về Tự Do Internet; đăng tại trang mạng, trang blog của mình một câu về quyền tự do thông tin của con người, v.v....

Internet đang đưa con người không chỉ GẦN lại với nhau mà còn BÌNH ĐẲNG với nhau hơn về kiến thức, lương tâm, và nhân phẩm. Khuynh hướng này cần thêm từng bàn tay của chúng ta góp phần đẩy tới.

Tài liệu:

1. “Các chính phủ châu Á bất lực trước sức mạnh của Internet”, Raju Gopalakrishnam, Đỗ Đăng Khoa dịch, TCPT số 50 http://phiatruoc.info/?p=5442

2. http://www.Internetworldstats.com/top20.htm

3. http://www.Internetworldstats.com/top25.htm

4. http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/viet-nam-ap-Internet-va-quyen-tu-do.html

No comments:

Post a Comment