Thursday, March 22, 2012

Vụ Bạc Hy Lai và bóng ma Mao Trạch Đông


Ông Bạc Hy Lai tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội
Có vẻ sự nghiệp chính trị của ông Bạc Hy Lai đã chấm dứt

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột”. Áp dụng vào trường hợp Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vừa cách chức Thị trưởng thành phố Trùng khánh của ông Bạc Hy Lai (Bo Xilai) làm cho dư luận báo chí thế giới xôn xao thật là đúng.

Nhìn chung, nội vụ chỉ là một chỉnh đốn nội bộ không có tính cách của một cuộc tranh chấp quyền hành hay thanh trừng nội bộ trong đảng Cộng sản Trung Quốc trước Đại Hội thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay.
Gác Mao sang một bên
Tại Trung Quốc sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền (sau khi bị thanh trừng trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa), tình hình ổn định, kinh tế phát triển, tập thể cầm quyền và nhân dân Trung Quốc tạm xếp bóng Mao sang một bên để di theo con đường cải cách kinh tế. Tuy nhiên bàng bạc trong đảng và quần chúng vẫn còn tồn tại khuynh hướng Mao. Một trong những khuynh hướng này là “cách mạng liên tục” có tính dân sinh như nhân dân Trung Quốc đã chứng kiến qua cuộc Cách Mạng Văn Hóa trong 10 năm từ 1966 kéo dài đến 1976 .

Đặng Tiểu Bình đã phê phán hiện tượng này như sau: “Cách Mạng Văn Hóa là một sai lầm. Chúng ta phải mạnh dạn chối bỏ sai lầm này của Mao trong những năm tháng cuối đời của ông. Nhưng cũng cần nhìn vào sự thật. Sự thật là không phải mọi sai lầm và quá đáng trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa đều do Mao” (theo Global Times ngày 25/5/2011) .

Từ nhận định đó chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với khuynh hướng theo Mao là để cho khuynh hướng này chung sống trong bối cảnh cuộc cải cách kinh tế và cởi mở chính trị đang thay da đổi thịt Trung quốc.

Đối sách của Đặng Tiểu Bình thật là khéo léo. Trong mấy thập niên gần đây Trung Quốc là một quốc gia có một sức sống tiềm ẩn và hai hình ảnh của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình là hai hình ảnh đối nghịch nhau nhưng quyện lấy nhau.

Có Mao mới có một nước Trung Quốc thống nhất và có chủ quyền, và có Đặng mới có cơm ăn áo mặc và thế siêu cường trước mắt. Người ta không thấy tượng của Đặng nhiều như tượng của Mao, nhưng Đặng có một chỗ trong lòng mọi người. Mao có lăng tẩm đồ sộ ở Bắc Kinh, có tượng đài tại mỗi thành phố, nhưng chỗ của Mao trong lòng dân rất ít. Lăng to, huy hoàng, nằm giữa thủ đô ngay trên quảng trường Thiên An Môn, nhưng vẫn có một cái gì thô bạo hơn là lăng tẩm của các vì vua chúa các triều đại Trung Quốc.

Mao Trạch ĐôngTrung Quốc tạm xếp bóng Mao sang một bên để di theo con đường cải cách kinh tế

Người dân Trung Quốc (theo chính sách của Đặng Tiểu Bình) không hạ bệ Mao nhưng không tôn sùng Mao. Bà Đặng Dung (Deng Rong) con gái Đặng Tiểu Bình khi viết cuốn “Đặng Tiểu Bình và cuộc Cách Mạng Văn Hóa” (Deng Xiaoping and the Cultural Revolution - Foreign Languages Press – Beijing 2002 do Sidney Shapiro dịch ra Anh ngữ)

đã nhắc đến Mao là “Mao” một cách trống rỗng. Cách xưng hô trong cuốn sách cho thấy cái nhìn của chính quyền hay của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Mao. Mao không còn là thần tượng. Tuy vậy người ta không thể chối bỏ Mao, vì công khai chối bỏ Mao là chối bỏ tính chính thống của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Công thức mới
Chính sách của Đặng Tiểu Bình đã giúp cho đời sống chính trị của Trung Quốc ổn định để theo đuổi mục tiêu trở thành siêu cường. Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc không để cho nhóm thân Mao trở thành một lực lượng chính trị có khả năng tranh chấp quyền lãnh đạo với tập thể lãnh đạo hậu Mao.

Đặng Tiểu Bình đoán biết việc tranh chấp quyền lãnh đạo thường xẩy ra khi Bắc Kinh thay đổi lãnh đạo, nên ông đã căn dặn Giang Trạch Dân, người kế nghiệp ông sắp xếp chuẩn bị cho Hồ Cẩm Đào kế thừa. Và công thức kế thừa có bài bản đó đã được Hồ Cẩm Đào dùng để chuẩn bị cho Tập Cận Bình thay thế ông. Nhóm lãnh đạo Hồ Cẩm Đào cũng đã bố trí Lý Khắc Cường có khuynh hướng dân sinh của Mao bên cạnh Tập Cận Bình để làm yên lòng khuynh hướng thân Mao.

Sự đồng thuận nội bộ đảng là vậy. Nhưng không khỏi có đảng viên cao cấp lợi dụng bóng ma của Mao Trạch Đông để tạo quyền hành. Một trong những người đó là Bạc Hy Lai.
"Giới lãnh đạo Trung Quốc không để cho nhóm thân Mao trở thành một lực lượng chính trị có khả năng tranh chấp quyền lãnh đạo với tập thể lãnh đạo hậu Mao."
Bạc là một Ủy viên Bộ chính trị. Năm 1993 Bạc làm Thị trưởng Dalian trong tỉnh Liaoning, và năm 2007 được cử làm Thị trưởng thành phố Trùng Khánh, một thành phố lớn có 32 triệu dân thuộc tỉnh Tứ xuyên. Ông Bạc Hy Lai có kế hoạch biến Trùng Khánh thành một căn cứ địa của nhóm thân Mao.

Ông tìm cách thanh lọc thành phần chống Mao qua chính sách diệt trừ băng đảng trong thành phố và làm sống dậy các bài ca “Đỏ” thịnh hành trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Bạc Hy Lai muốn dùng Trùng Khánh làm bàn đạp để vận động chân Ủy viên Thường Trực Bộ chính trị vào dịp đại hội thứ 18 tháng 10 năm nay.

Trong năm qua (2011), khuynh hướng thân Mao tích cực xây dựng thế lực và trở nên bạo dạn hơn. Tháng 5/2011 giáo sư Mao Yushi Viện trưởng Viện Kinh tế Unirule tại Bắc Kinh (Beijing's Unirule Institute of Economics) viết một bài điểm cuốn sách “The Fall of the Red Sun” đăng trên mạng của Xin Ziling (một cán bộ đã nghỉ hưu của Đại học Quốc Phòng Trung Quốc – China’s National Defense University) tán đồng quan điểm phê bình Mao Trạch Đông của Xin Ziling. Ông đã bị phong trào Maoist cho ông phỉ báng Mao Trạch Đông và chính thức gởi thư lên Bộ Nội Vụ yêu cầu đưa giáo sư Mao Yushi ra tòa (theo Global Times ngày 25/5/2011). Các chỉ dẫn cho thấy Bạc Hy Lai ở sau lưng của phong trào tố cáo này. Và lãnh đạo tại Bắc Kinh thấy rằng Bạc Hy Lai đã đi quá giới hạn đồng thuận và cần có biện pháp ngăn ngừa.

Biến cố
Trong khi đó tại Trùng Khánh, giám đốc công an Vương Lập Quân cánh tay phải của Bạc Hy Lai rơi vào một trường hợp khó xử. Trong khi điều tra chống tham nhũng và băng đảng ông ta nắm trong tay hồ sơ tham nhũng và lợi dụng quyền lực của thân nhân ông Bạc Hy Lai. Sau khi báo cáo cho Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân mất chức giám đốc công an, xuống làm Phó thị trưởng và bị điều tra ngược lại. Biết rõ cách làm việc thô bạo của Bạc Hy Lai, ông Vương Lập Quân cảm thấy tính mạng bị đe dọa.

Ngày 6 tháng Hai ông chạy về Thành Đô cách Trùng Khánh 336 km nơi có một tòa lãnh sự Hoa Kỳ để (theo tin đồn) xin tị nạn. Hoa Kỳ không chấp nhận, thông báo cho giới chức Bắc Kinh đến đón ông đưa về Bắc Kinh. Ông Vương Lập Quân đã ở trong tòa lãnh sự Mỹ 34 giờ đồng hồ. Cơ hội tốt đã đến, Bắc Kinh ra tay hành động.

Sau phiên họp 10 ngày của Quốc hội, ngày 14/3 Trung Ương đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định cách chức ông Bạc Hy Lai và cử Phó Thủ tướng Trương Đức Giang một ủy viên Bộ chính trị đến thay thế. Bắc Kinh khéo léo cử Giang một người có khuynh hướng dân sinh thay Bạc Hy Lai để giúp cho sự chuyển đổi quyền lực chính trị tại Trùng Khánh không gây xáo trộn.
"Bóng ma của Mao đã được đồng thuận có một vị trí nhất định trong đời sống chính trị Trung quốc. Nay có người muốn xê dịch bóng ma về hướng có lợi cho mình thì nó cần được mang về vị trí cũ."
Nếu trong cuộc họp báo ngày 14/3 bế mạc phiên họp Quốc hội, thủ tướng Ôn Gia Bảo nói úp mở rằng đảng cần cải tổ nếu không nạn Cách Mạng Văn Hóa có thể tái diễn cần được hiểu ông Ôn Gia Bảo muốn nói rằng “nếu không ra tay trấn dẹp khuynh hướng thân Mao một cách dứt khoát thì khi thành phần này nắm quyền chúng sẽ phát động một phong trào tương tự như Cách Mạng Văn Hóa để tiêu diệt người khác chính kiến như ý đồ của Mao Trạch Đông trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa 1966-1976”.

Dư luận báo chí quốc tế cũng đã mất nhiều bút mực vào ý nghĩa của bài nói chuyện của ông Tập Cận Bình tại trường Đảng tháng trước đó được phổ biến ngày 16 tháng Ba. Nhân gián tiếp cảnh báo với cán bộ cao cấp về biện pháp đảng sẽ dùng để chấn chỉnh tác phong và hành động của ông Bạc Hy Lai, ông Tập Cận Bình đã nói về sự băng hoại đạo đức của đảng viên và suy thoái tinh thần của đảng. Sự kêu gọi sự chấn chỉnh tác phong đảng viên chỉ là cách nói công thức. Tuy nhiên thời điểm công bố bài diễn văn làm cho dư luận suy diễn như một dấu hiệu đấu đá nội bộ.

Thật ra toàn bộ vụ Bạc Hy Lai chỉ là “vấn đề vị trí” của bóng ma Mao Trạch Đông. Bóng ma của Mao đã được đồng thuận có một vị trí nhất định trong đời sống chính trị Trung quốc. Nay có người muốn xê dịch bóng ma về hướng có lợi cho mình thì nó cần được mang về vị trí cũ.

Việc cách chức ông Bạc Hy Lai chỉ là một điều chỉnh nhân sự như một cơn gió nhẹ thổi qua mặt hồ đang phẳng lặng. Nó không phải là một trận bão, hay nói cách khác không phải là dấu hiệu của một cuộc tranh chấp quyền hành có tính sắt máu như cuộc tranh chấp giữa Tứ Nhân Bang và nhóm Đặng Tiểu Bình sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976.

Cơn gió thoảng đi qua, mặt hồ lại phẳng lặng. Việc chuyển quyền từ tay Hồ Cẩm Đào qua Tập Cận Bình sẽ diễn tiến như kịch bản được dự kiến. Phần ông Bạc Hy Lai nếu không bị đưa ra tòa, tước đảng tịch thì cũng khó giữ được chân Ủy viên Bộ chính trị ông đang giữ.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/03/120322_boxilai_comment.shtml 

No comments:

Post a Comment