Saturday, April 14, 2012

Có thể nói gì về lãnh đạo mới của Bắc Hàn sau thất bại tên lửa?


2012-04-13
Bắc Hàn vào sáng ngày 13 tháng 4 đã lên tiếng thừa nhận vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo đã thất bại.

Courtesy of Yonhap News Agency
Các đài truyền hình loan báo tin Bắc Hàn đã thất bại trong việc phóng thủ tên lửa vừa qua.
Những diễn biến mới này tại Bắc Hàn cho chúng ta thấy điều gì về lãnh đạo mới của Bắc Hàn và liệu Bắc Hàn có thực sự là mối đe dọa cho thế giới?
Việt Hà phỏng vấn Giáo sư Narushige Michishita, chuyên gia về Bắc Hàn tại học viện nghiên cứu chính sách của Nhật Bản.

Thừa nhận thất bại


Việt Hà: Thưa ông, vụ phóng thử tên lửa mới đây của Bắc Hàn đã thất bại và Bắc Hàn cũng đã chính thức thừa nhận thất bại này, ông có ngạc nhiên gì về những gì đang diễn ra tại Bắc Hàn?

GS Narushige Michishita:  Tôi ngạc nhiên trước cả hai thất bại này, bởi vào năm 2009 tên lửa taepodong đã bay được thành công mặc dù nó không đặt được vệ tinh lên quỹ đạo như kế hoạch, nhưng tên lửa đã phóng thành công, tầng thứ nhất và tầng thứ 2 của tên lửa đã tách nhau. Cho nên tôi nghĩ vụ bắn thử tên lửa tầm xa lần này sẽ thành công nhưng hóa ra lại thất bại.

Và tôi cũng ngạc nhiên là Bắc Hàn thừa nhận vụ phóng thất bại bởi trong quá khứ vào năm 1998 và 2009 Bắc Hàn cũng cố đặt vệ tinh vào quỹ đạo và thất bại nhưng họ cứ nói là họ đã thành công. Cho nên có thể nói là tôi khá ngạc nhiên về thái độ của họ lần này.
Tôi ngạc nhiên là Bắc Hàn thừa nhận vụ phóng thất bại, bởi trong quá khứ vào năm 1998 và 2009 Bắc Hàn cũng cố đặt vệ tinh vào quỹ đạo và thất bại nhưng họ cứ nói là họ đã thành công.
GS Narushige Michishita

Việt Hà:
  Đây là lần đầu tiên Bắc Hàn thừa nhận thất bại, sự việc này cho thấy điều gì ở vị lãnh đạo mới Bắc Hàn? Phải chăng là một sự thay đổi?

GS Narushige Michishita:Tôi nghĩ đó là thay đổi vì nó là tình huống mới, nhưng tôi không hiểu tại sao. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là Bắc Hàn luôn khẳng định đây không phải vụ phóng thử tên lửa mà là đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Cho nên họ khá nhất quán về điều này.

Nên nhớ là vào năm 2000 khi ngoại trưởng Mỹ Madelein Albright đến Bình Nhưỡng gặp Kim Jong Il, ông ta đã đề nghị Mỹ là Bắc hàn sẽ ngưng phóng tên lửa với điều kiện Hoa Kỳ sẽ đưa vệ tinh lên quỹ đạo cho Bắc Hàn. Đó là đề nghị của Kim Jong Il với Mỹ.

Tôi nghĩ là Bắc Hàn sẽ đưa ra một đề nghị tương tự sắp tới và nói rằng nỗ lực đưa vệ tinh lên quỹ đạo đã thất bại và điều này cũng đúng với những gì xảy ra trong quá khứ. Và họ có thể nói là nếu Mỹ giúp chúng tôi đưa vệ tinh lên thì chúng tôi sẽ ngưng phóng tên lửa trong tương lai.

Sẽ tiếp tục chương trình tên lửa


Dàn phóng tên lửa của Bắc Hàn vừa được kích hỏa
Dàn phóng tên lửa của Bắc Hàn vừa được kích hỏa.Courtesy of Yonhap News Agency
Việt Hà:
 Một số chuyên gia cho rằng đây là một vụ mất mặt của Bắc Hàn, và có thể sẽ khiến Bắc Hàn tiếp tục thử hạt nhân hay phóng thử tên lửa khác, ông nghĩ thế nào về nhận định này?
Chắc chắn là họ đã mất mặt trong vụ này và lá bài mặc cả với Mỹ trong tương lai đã bị ảnh hưởng, cho nên có khả năng là Bắc Hàn sẽ tiến hành thử hạt nhân.
GS Narushige Michishita

GS Narushige Michishita:  Chắc chắn là họ đã mất mặt trong vụ này và lá bài mặc cả với Mỹ trong tương lai đã bị ảnh hưởng, cho nên có khả năng là Bắc Hàn sẽ tiến hành thử hạt nhân.

Nhưng nếu họ vẫn chơi trò chơi ngoại giao với Mỹ thì họ sẽ nói là họ vẫn tuân thủ thỏa thuận với Mỹ đạt được hồi tháng 2 vừa qua, mà theo đó Bắc Hàn hứa không thử hạt nhân và tên lửa, ngừng chương trình làm giàu uranium đổi lại Mỹ sẽ cung cấp lương thực cho Bắc Hàn.

Và nếu bắc hàn vẫn chơi trò chơi này, họ sẽ vẫn nói là Mỹ phải cung cấp lương thực vì họ vẫn tuân thủ thỏa thuận, còn nếu Mỹ áp đặt cấm vận hay không viện trợ thì họ không còn con đường nào khác phải tiếp tục các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, tức là bỏ thỏa thuận.

Việt Hà:  Bắc Hàn đã có những thất bại trong phóng thử tên lửa tầm xa, theo ông thì liệu Mỹ và thế giới có quá lo ngại về sự đe dọa thực sự của Bắc Hàn?

GS Narushige Michishita:  Về phía Nhật bản và Nam Hàn, chúng tôi đã nằm trong vòng nguy hiểm trực tiếp của Bắc Hàn, mối đe dọa không nằm ở Taepodong mà nằm ở tên lửa Scud có tầm bắn từ 300 đến 500 km, và tên lửa này có thể với tới Nam Hàn.

Ngòai ra Bắc Hàn cũng có hơn 200 tên lửa Nodong tầm chung có tầm bắn 1,300 km có thể với tới Nhật Bản. Cho nên đây là mối đe dọa trực tiếp, cho nên không cần nói đến Taepodong vốn là để hướng tới Mỹ như Hawai hay Guam.

Khi một nước tìm cách phát triển chương trình tên lửa của mình, những thất bại kiểu này là không tránh khỏi. Nhật bản cũng đã thất bại khi phóng thử tên lửa trong quá khứ. Cho nên điều này là bình thường. Tôi không nghĩ thất bại này có thể cản trở Bắc Hàn tiếp tục chương trình tên lửa của mình trong tương lai.

Việt Hà:  Ông Kim Jong Un vừa được bầu làm Chủ tịch quân ủy Triều Tiên, với những gì đang diễn ra tại Bắc Hàn thời gian gần đây, theo ông thì liệu Kim Jong Un có thể sẽ theo bước cha là ông Kim Jong Il hay sẽ có những thay đổi?

GS Narushige Michishita:  Chúng ta phải đợi xem thế nào, bởi vì Bắc Hàn vẫn chơi trò chơi mà Kim Jong Il xếp đặt từ trước. Ông ta mới chỉ kế vị có 4 tháng từ khi Kim Jong Il mất.

Quyết định phóng tên lửa lần này là quyết định của Kim Jong Il chứ không phải là của Kim Jong Un. Sau 1 đến 2 năm nữa, khi Kim Jong Un tự đưa ra quyết định thì lúc đó chúng ta mới biết được ông ta có thực hiện chính sách cũ của cha hay là có chính sách mới.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.


 Video: Bắc Hàn loan báo sẵn sàng phóng hỏa tiễn

No comments:

Post a Comment