Sunday, April 8, 2012

Việt Nam bắt thêm ba nghi can trong vụ Vinashin


Vinashin từng một thời là biểu tượng của tập đoàn kinh tế Nhà nước .
Vinashin từng một thời là biểu tượng của tập đoàn kinh tế Nhà nước .
Thụy My
Công an Việt Nam vừa bắt thêm ba nghi can liên quan đến vụ đổ bể của tập đoàn kinh tế Vinashin, xì-căng-đan lớn nhất nước hiện nay.  

 Một viên chức của tập đoàn này hôm nay 08/04/2012 đã cho hãng tin Pháp AFP biết thông tin trên, theo đó ông Bùi Quốc Anh, 53 tuổi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã bị bắt hôm thứ Sáu 6/4 vì tội tham ô, cùng với hai nghi can khác.
Viên chức trên nói với AFP là các vụ bắt giữ này dựa trên cơ sở cuộc điều tra liên quan đến một trong số chín lãnh đạo cao cấp của Vinashin đã bị án tù vào tháng trước, vì tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước”.


 Báo chí trong nước cho biết thêm, ngoài ông Bùi Quốc Anh, cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an còn khởi tố ba bị can khác. Đó là bà Đỗ Thị Bích Thủy, 50 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải Biển Đông trực thuộc Vinalines, ông Ngô Văn Nhuận, 42 tuổi, Phó kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước thuộc Khu vực 7, ông Hoàng Gia Hiệp, 40 tuổi, nguyên Giám đốc công ty cho thuê tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC).

Ngoài ông Hoàng Gia Hiệp đang thi hành án tù 13 năm tù giam vừa bị tuyên phạt trong phiên tòa tại Hải Phòng trước đây, hai nghi can còn lại cũng đã bị tạm giam.

 Theo báo Thanh Niên, thì các bị can này bị cáo buộc đã cấu kết với nhau lập dự án mua bán tàu Energry của công ty Biển Đông, lập khống hóa đơn chứng từ trị giá nhiều tỉ đồng để tư lợi. Vụ mua bán tàu Energry là một trong bốn vụ có dấu hiệu phạm pháp hình sự, được

Thanh tra Chính phủ phát hiện vào tháng Tư năm ngoái, trong quá trình điều tra mở rộng vụ tham nhũng tại Vinashin. Ông Hồ Ngọc Tùng, nguyên Tổng giám đốc tài chính của Vinashin có liên can đến vụ này đã bỏ trốn ra nước ngoài, hiện đang bị truy nã.

 AFP nhắc lại, vụ xì-căng-đan Vinashin đã nổ ra vào năm 2010 với việc tập đoàn này làm thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng, đã gây lo ngại cho các nhà đầu tư về các tập đoàn quốc doanh vốn được xem là cột trụ của nền kinh tế Việt Nam.

Cựu Chủ tịch Vinashin là ông Phạm Thanh Bình vào tháng trước đã bị kết án 20 năm tù, tám cựu lãnh đạo khác lãnh bản án từ 3 đến 19 năm tù.

Trong vụ án này, họ bị buộc tội đã làm thiệt hại trên 40 triệu đô la, chủ yếu từ việc mua tàu Hoa Sen của Ý, và hai nhà máy điện Cái Lân, Sông Hồng. Một số dự án vận tải biển thua lỗ của Vinashin đã được chuyển giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines.

 Các tập đoàn quốc doanh mà đa số được xem là quản lý tồi, hiện đang kiểm soát hai phần ba vốn, tài sản ở Việt Nam, và vẫn được sự ưu ái của các chính phủ. 

No comments:

Post a Comment