Friday, April 27, 2012

Quan chức làng Ô Khảm bị trừng phạt

Cập nhật: 05:02 GMT - thứ tư, 25 tháng 4, 2012
Dân làng Ô Khảm phản đối chính quyền thu hồi đất của họ vào năm 2011
Vụ phản kháng của dân làng Ô Khảm đã gây tiếng vang lớn ở trong và ngoài Trung Quốc
Các cựu quan chức ở làng Ô Khảm, nơi chứng kiến sự phản kháng vang dội của người dân đối với tình trạng tham nhũng ở địa phương, đã bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt, truyền thông nước này cho biết.
Theo đó, hai quan chức của làng Ô Khảm thuộc tỉnh Quảng Đông đã bị khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản do đã có những giao dịch đất đai phi pháp, Tân Hoa Xã đưa tin, và 18 quan chức khác cũng bị trừng phạt.
Hành động phản đối ở làng Ô Khảm vào cuối năm 2011 đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Dân làng đã nổi dậy đuổi các quan chức ra khỏi làng do phẫn nộ với các việc thu hồi đất mà họ cho rằng không bồi thường thỏa đáng.
Cuộc phản kháng này được truyền thông khắp thế giới đưa tin và chỉ chấm dứt khi có sự can thiệp của các lãnh đạo cấp cao của tỉnh Quảng Đông.
Trong một động thái được cho là nhượng bộ từ phía chính quyền, làng Ô Khảm đã tổ chức bầu lãnh đạo mới và người đứng đầu cuộc phản kháng Lâm Trúc Lan đã giành chiến thắng áp đảo.

Hình phạt chưa đủ?

Trong một bản tin được đưa vào tối muộn hôm thứ Hai 23/4, Tân Hoa Xã cho biết cựu Bí thư Đảng ủy làng Ô Khảm Tuyết Tạng và cựu Chủ tịch ủy ban nhân dân Trần Thuận Ích đã bị khai trừ ra khỏi Đảng vì tham nhũng.
Cả hai được yêu cầu giao nộp lại số tiền lên tới 44.000 đô la mà họ chiếm dụng bất hợp pháp và ‘có thể cũng sẽ bị giao nộp cho bên tư pháp’ trong khi các cuộc điều tra vẫn tiếp diễn.
"Tôi có cảm giác rằng họ né tránh các vấn đề gai góc và chỉ tập trung vào những vấn đề nhẹ nhàng hơn.

Số tiền mà các vị này bị cáo buộc tham nhũng là quá ít trong khi họ đã nắm quyền ở làng trong hàng chục năm."
Trương Kiến Tân, dân làng Ô Khảm
Sáu cựu quan chức khác cũng bị trừng phạt, Tân Hoa Xã đưa tin nhưng không cho biết chi tiết, cùng với 12 quan chức thị trấn và thành phố khác đồng lõa với họ.
Giới chức Trung Quốc đã phát hiện các quan chức Ô Khảm ‘có dính líu đến các vụ chuyển nhượng bất hợp pháp quyền sử dụng đất, tham ô tài sản công, nhận hối lộ và gian lận trong các cuộc bầu cử địa phương,’ Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức tỉnh Quảng Đông cho biết.
Một dân làng không muốn nêu danh tính nói với BBC rằng các hình phạt này ‘không phải là kết quả lý tưởng mà chúng tôi mong đợi’ bởi vì chỉ có hai quan chức chính quyền bị điều tra.
Một dân làng khác thì nói rằng cuộc điều tra làm chưa đủ.
“Tôi có cảm giác rằng họ né tránh các vấn đề gai góc và chỉ tập trung vào những vấn đề nhẹ nhàng hơn. Số tiền mà các vị này bị cáo buộc tham nhũng là quá ít trong khi họ đã nắm quyền ở làng trong hàng chục năm,” một dân làng có tên là Trương Kiến Tân nói với BBC.
“Dân làng đang chờ xem liệu ủy ban nhân dân mới được bầu ra của làng có đại diện cho nguyện vọng của chúng tôi và khiếu nại lên chính quyền hay không. Nếu không, chúng tôi sẽ kiến nghị lên chính quyền thành phố một lần nữa,” ông Trương nói.

Bồi thường rẻ mạt

Người dân Ô Khảm bỏ phiếu bầu lãnh đạo cù̉a họ
Chính quyền Quảng Đông đã có những nhượng bộ đối với dân làng Ô Khảm
Mỗi năm có hàng chục các cuộc phản đối thu hồi đất ở Trung Quốc. Tuy nhiên sự kiện ở Ô Khảm được quan tâm đặc biệt vì sự kéo dài và quy mô của nó.
Kể từ những năm 1980, Trung Quốc đã cho phép người dân các làng mạc bầu các hội đồng của họ và các hội đồng này được giao quyền hành giải quyết các vấn đề địa phương. Tuy nhiên các cuộc bầu cử này thường xuyên bị can thiệp.
Việc cho phép tổ chức một cuộc bầu cử mới ở Ô Khảm được xem là một động thái nhượng bộ đáng ngạc nhiên của chính quyền tỉnh Quảng Đông mà đứng đầu là Bí thư tỉnh ủy Uông Dương.
Từ Bắc Kinh, phóng viên BBC Michael Bristow cho biết nỗi bất mãn chính của dân làng Ô Khảm là việc các quan chức địa phương đã bán đất đai của họ mà không chia sẻ lợi nhuận một cách thỏa đáng với người dân.
Giờ đây cuộc điều tra đang được tiến hành chứng tỏ bất bình này là có cơ sở.
"Thậm chí ngay sau vụ Ô Khảm, chính quyền tiếp tục dùng các biện pháp nặng tay để chấm dứt các cuộc tranh chấp đất đai khác."
Michael Bristow, phóng viên BBC ở Bắc Kinh
Điều hiện vẫn chưa rõ là liệu sự kiện ở Ô Khảm có báo hiệu một thời kỳ mới trong các cuộc điều tra tham nhũng ở cấp độ địa phương hay không, phóng viên Bristow nhận định.
“Chính quyền đã cố gắng làm điều này trong hàng chục năm mà không có kết quả gì nhiều. Do đó khó mà biết được liệu chỉ một vụ việc có làm thay đổi mọi thứ hay không,” ông nói.
Bristow cũng cho biết theo nhận xét của một số người thì chính quyền ở Trung Quốc hiện nay đã học được cách giải quyết các tranh chấp ở cấp độ địa phương với một cách tiếp cận mềm dẻo hơn.
Tuy nhiên, ông nói rằng ‘lập luận này cần phải xem lại’.
“Thậm chí ngay sau vụ Ô Khảm, chính quyền tiếp tục dùng các biện pháp nặng tay để chấm dứt các cuộc tranh chấp đất đai khác,” ông nói.

No comments:

Post a Comment