Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2012-04-08
Mới đây 2 tờ báo uy tín của Anh “The Economist” và của Mỹ “The Forbes” có những bài viết nhận xét về tình hình kinh tế Việt Nam thời gian gần đây.
Qua đó, những kết luận cho thấy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị giảm sút và Đảng Cộng sản Việt Nam gắn quá chặt với những nguyên tắc của mình khiến nền kinh tế bị chững lại. Ghi nhận lại thông tin, Vũ Hoàng có bài tổng hợp sau đây.
Mất niềm tin
Sau gần một năm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng lạm phát chốt lại cuối năm ngoái vẫn ở mức 20%. Lãi suất cho vay ra tại các ngân hàng đã có lúc được đẩy lên tới xấp xỉ 25%, và với chi phí kinh doanh đó thì khó có một doanh nghiệp nào có thể trụ nổi. Từ đó dẫn tới các doanh nghiệp khai phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động là khó tránh khỏi, và con số gần 80,000 vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù, bước sang quí 1 năm nay, với động thái giảm 1% lãi suất, được coi là nỗ lực linh hoạt từ phía Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp vẫn cho rằng “liều thuốc” này không thể cứu được họ. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, lại có đến gần 12,000 doanh nghiệp xin phá sản hoặc ngưng nộp thuế kinh doanh. Trong cuộc họp thường kỳ hôm 1/4 của Thủ tướng với các thành viên chính phủ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam phải thừa nhận việc có nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản phần nào cũng thể hiện sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội cho rằng trở ngại nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam, khiến tình trạng doanh nghiệp phải đóng cửa vẫn là vốn tín dụng, ông nói:
Rõ ràng đó là một dấu hiệu không tốt, chúng tôi đã đưa ra nhiều bài phân tích nói về những tín hiệu đáng báo động, đúng hơn là những tín hiệu lo ngại về khu vực doanh nghiệp đặc biệt là xu hướng các doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc không nộp thuế.TS Nguyễn Minh Phong
“Rõ ràng đó là một dấu hiệu không tốt, chúng tôi đã đưa ra nhiều bài phân tích nói về những tín hiệu đáng báo động, đúng hơn là những tín hiệu lo ngại về khu vực doanh nghiệp đặc biệt là xu hướng các doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc không nộp thuế. Theo giải trình của Bộ Đầu Tư, đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, một số doanh nghiệp gắn liền với hoạt động ở ngành thủy sản.
Tôi cũng đồng ý rằng, trong nửa đầu năm 2012, các doanh nghiệp Việt Nam đang ở tình trạng khó khăn nhất trong nhiều năm gần đây, sự chịu đựng đã kéo dài, sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã đến hạn. Doanh nghiệp Việt Nam đang phải tiếp nhận nguồn vốn chi phí cao nhất thế giới, trên dưới 20% là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì thế số lượng các doanh nghiệp gặp khó khăn cũng như không hoạt động đang có xu hướng tăng lên.”
Mặc dù vậy, TS Phong cho rằng Việt Nam cũng nhận thức được khó khăn của các doanh nghiệp, do đó, Chính phủ đang lên kế hoạch giảm, chậm hoặc miễn thuế và áp trần cho vay để các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn.
Đó là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, vậy còn với doanh nghiệp Nhà nước thì sao? Quay trở lại bài viết “Việt Nam: Từ anh hùng trở thành số không” tác giả chỉ ra những tồn tại như hiện tượng tham nhũng, sự thiếu minh bạch và tình trạng lãng phí của khối doanh nghiệp Nhà nước vẫn là những căn bệnh kinh niên. Người viết nhắc lại vụ ra tòa của Vinashin hôm mới đây 27/3, theo đó, một doanh nghiệp Nhà nước lớn bậc nhất của Việt Nam, từng được các chính trị gia khuyến khích và mở rộng, nhưng cuối cùng ban điều hành bị kết tội quản lý yếu kém, gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng và bị trừng phạt với bản án cao nhất 20 năm tù cho ông Phạm Thanh Bình, nguyên tổng giám đốc.
Đang mất dần sức hút
Hơn nữa chi phí lao động của Việt Nam từng được coi là lợi thế rẻ đã không còn là sức hút giới đầu tư nước ngoài, khi những cuộc biểu tình đòi tăng lương của người lao động tăng đột biến theo cấp số nhân trong vòng 3 năm trở lại đây, nếu năm 2009 chỉ khoảng 200 vụ, năm 2010 là hơn 400 vụ, thì 2011 là gần 1,000 vụ. Thậm chí, trong báo cáo năm 2012 của Ngân hàng Thế giới có tên Doing Business, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn bị tụt 11 bậc so với năm 2008, xuống vị trí 98 trên tổng số 183 quốc gia trong bảng xếp hạng.
Nhận xét chung về môi trường đầu tư Việt Nam thời gian gần đây, TS Lê Đăng Doanh không ngạc nhiên với những gì đang diễn ra:
Các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam đã nêu lên nhiều kiến nghị về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam không những không được cải thiện mà còn xấu đi.TS Lê Đăng Doanh
“Việc thực thi các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có sự chậm trễ rõ rệt do năng lực của nhà đầu tư, năng lực thực hiện của phía Việt Nam hay là khả năng giải phóng mặt bằng… Các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam đã nêu lên nhiều kiến nghị về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam không những không được cải thiện mà còn xấu đi theo như họ nói, lạm phát tăng cao, các chi phí đầu vào tăng lên và một loạt các quy định đối với nhà đầu tư của chính phủ được đưa ra mà không có sự tham khảo của các nhà đầu tư, người ta đã viện dẫn một loạt các quy định như là hạn chế các cảng để nhập khẩu, như là khâu thủ tục về lao động nước ngoài…”
Dường như màu tối là gam chủ đạo cho bức tranh doanh nghiệp tại Việt Nam thời gian qua, với cái bóng của lạm phát bao trùm. Nhưng phải chăng lạm phát là nguyên nhân duy nhất? Câu trả lời là không, vì lạm phát chỉ là sản phẩm của cả một quá trình ra quyết định từ các cấp điều hành. Theo ông Jonathan Pincus, một chuyên gia giảng dạy chương trình kinh tế Fullbright tại Việt Nam cho rằng, đối với các vấn đề kinh tế, Việt Nam thường có xu hướng cho rằng đó là ảnh hưởng của toàn cầu thay vì thừa nhận những nguyên nhân nội tại như tham nhũng, quyết định đầu tư tồi của các doanh nghiệp nhà nước và năng lực quản lý kinh tế vĩ mô.
Lời giải cho bài toán kinh tế Việt Nam sẽ phải bắt đầu từ gốc gác đó là quá trình ra quyết định quản lý từ cấp trung ương, thế nhưng việc này cũng không dễ dàng thực hiện vì quyền lợi trong kinh doanh và quyền lực trong chính trị phải chăng vẫn luôn đi kèm?
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-vietnam-lose-its-luster-vhoang-04082012125845.html
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-vietnam-lose-its-luster-vhoang-04082012125845.html
No comments:
Post a Comment