Sunday, April 8, 2012

Báo quân đội Trung Quốc kêu gọi lính đừng để ý tin đồn

BẮC KINH (AFP) - Tờ báo quân đội lớn nhất của Trung Quốc hôm Thứ Sáu kêu gọi các binh sĩ quốc gia này đừng để ý tới các tin đồn loan tải trên Internet và đoàn kết đứng sau đảng và nhà nước, một chỉ dấu cho thấy có sự lo ngại về ổn định trước cuộc chuyển giao quyền lực cuối năm nay.

Binh sĩ Trung Quốc tập luyện, ở An Huy. Lo ngại tin đồn đảo chánh lan tràn, báo quân đội Trung Quốc cảnh cáo binh lính đừng quan tâm chuyện đó. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Tờ Quân Ðội Giải Phóng khuyến cáo rằng cuộc chuyển giao quyền lực xảy ra mỗi mười năm, vốn bắt đầu vào cuối năm nay khi Chủ Tịch Nước Hồ Cẩm Ðào (Hu Jintao) và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) rời khỏi các chức vụ trong đảng Cộng Sản Trung Quốc, có thể đe dọa sự ổn định của quốc gia này.

 “Ðây là một năm có tầm mức quan trọng cho đảng và cho sự phát triển đất nước,” tờ báo cho hay trong bài bình luận đăng tải trên trang nhất. “Lịch sử cho thấy khi nào đảng và nhà nước phải đối phó với vấn đề hệ trọng, khi nào sự cải cách và phát triển ở vào giai đoạn quan trọng, cuộc đấu tranh tư tưởng trở nên mạnh mẽ và phức tạp hơn, và các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định sẽ gia tăng nhiều hơn.”

 Tờ báo kêu gọi có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Internet và hệ thống thông tin liên lạc qua các phương tiện di động nơi doanh trại để giúp binh sĩ “chống lại sự xâm nhập của mọi tư tưởng sai trái và không bị ảnh hưởng bởi các tin đồn”.

 Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi có một loạt các tin đồn được loan tải trên Internet, kể cả tin có cuộc đảo chánh do Bộ Trưởng An Ninh Zhou Yongkang thực hiện sau khi xảy ra vụ giải nhiệm Bí Thư Thành Ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai (Bo Xilai), một ngôi sao chính trị đang lên.

 Các phân tích gia cho rằng tình trạng này cho thấy sự chia rẽ bên trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc giữa khi họ chuẩn bị cho cuộc chuyển đổi lãnh đạo quan trọng vào cuối năm nay.

 Chính quyền Trung Quốc đối phó với tin đồn bằng cách đóng cửa các trang web, bắt giữ hàng loạt và cấm một số trang blog không được để cho người đọc phát biểu ý kiến trong ba ngày.

  http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=147007&zoneid=1

No comments:

Post a Comment