Quả đúng vậy, khi liên hệ đến việc Bộ Xây Dựng đang tư vấn cho Chính phủ cái gọi là “chính sách” để “giải cứu” thị trường bất động sản. Nói trắng ra: họ đang muốn cứu họ, họ đang giải cứu lẫn nhau vì có thể họ chết chùm, do đó không có gì e dè để kết luận: “Chính sách mua nhà ế giúp cho các doanh nghiệp BĐS” trở thành CON TIN trong tay các quan chức ra vẻ vì lo “việc chung” (!).
Thông tin dưới đây sẽ làm cho tiểu thương nghèo, công chức, công nhân sống bằng đồng lương eo hẹp và nông dân mất đất, quân nhân cấp thấp v.v… sẽ nổi cơn thịnh nộ, một khi điều này biến thành hiện thực: “CẦN 200.000 TỈ ĐỒNG ĐỂ GIẢI CỨU THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN” (2). Những 200.000 TỈ ĐỒNG, nghĩa là tương đương gần 10 TỈ ĐÔ LA MỸ!
Choáng váng đến xây xẩm mày mặt, khi chúng ta nhớ lại Vinashin đã đổ sông đổ biển hơn 4,4 tỉ đô la với án sơ thẩm cho Phạm Thanh Bình là 20 năm tù. Nay người ta định đem cả 10 tỉ đô la Mỹ của dân chúng để cứu cho QUAN CHỨC – NGÂN HÀNG – DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN cùng các đầu dây mối nhợ họ tộc, bè phái đan xen chằng chịt lùng nhùng! Đó là tội ác đối với nhân dân!
Hầu như các căn hộ cao cấp, nhà phố, biệt thự lớn nhỏ mà hôm tôi đi thực tế cho thấy, trong đó chiếm phần lớn với giá trị bình quân không dưới 2 tỉ đồng/căn. Ai có tiền để mua những đơn vị nhà này? Các chủ đầu tư xây lên cho ai? Ai có thể lướt sóng để kiếm những khoảng lợi nhuận từ vài trăm triệu đến vài tỉ chỉ trong một, hai tháng, khi thị trường BĐS lên cơn co giật cao độ trước việc kiếm tiền quá dễ trong những năm 2007 – 2009?
Hiện nay, dù thị trường BĐS đang tê liệt gần như hoàn toàn, một số các quan chức, doanh nghiệp BĐS vẫn bình chân như vại. Tại sao?
Tôi đã đến tòa nhà cao 33 tầng tại đường Tân Trào thuộc đô thị Phú Mỹ Hưng do Tập đoàn dầu khí (PVN) đầu tư hơn cả ngàn tỉ đồng (xem ảnh) với tên gọi “PETRO LAND TOWER”. Dự án khu phức hợp cao 33 tầng này khởi công từ tháng 9/2008, được xây trên diện tích đất 2.975m2, khánh thành vào tháng 12/2011. Thời điểm này Đinh La Thăng còn đang công tác tại Tập đoàn Dầu khí với cương vị Chủ tịch HĐQT, do đó không thể nói Đinh La Thăng không liên quan đến dự án này.
Nơi đây từ tầng 24 đến 30 là những căn hộ cao cấp đang được rao bán CÔNG KHAI không cần dấu giếm, bạn có thể gặp bất cứ công ty môi giới nào để hỏi mua căn hộ này, ví dụ tại đây(3).
Thoạt nghe thì “bình thường thôi”, nhưng tìm hiểu kỹ lại “nghe sao không bình thường” vì, nếu bạn muốn sở hữu nó, bạn phải trả chênh lệch từ 600 – 700 triệu/căn. Ví dụ căn hộ 90m2 có giá 23 triệu/m2, vị chi là 2.070.000.000 đồng, tuy nhiên trên hợp đồng chỉ thể hiện giá dao động 16–17 triệu/m2 (tùy tầng và hướng). Phần chênh lệch, bạn phải trả ngay (bằng tiền mặt hay chuyển khoản cũng được) cho chủ nhân căn hộ đó.
Hình ảnh Petro Land Tower mới chụp ngày 31/03/2012 |
- Tôi hỏi: Sao kỳ vậy, giá ghi rõ ràng thì tôi mua theo giá công bố. Nghĩa là, tôi trả trước 30% nhận nhà (thô), hoàn thiện vào ở, khoảng 70% tôi trả dần cho công ty 5 năm theo chính sách ưu đãi không lãi suất. Sao giờ trả cho người là chủ căn đó, mà tôi đâu biết người đó là ai?
- Cậu nhân viên trẻ cười cười: Không phải vậy, bác ơi!
- Tôi: ?
- Cậu nhân viên tiếp tục: Chủ, người ta mua trước rồi. Bây giờ họ cần tiền bán lại, nên gởi tụi cháu.
- Tôi: vậy thì tôi chọn căn khác.
- Cậu nhân viên: Căn nào cũng có chủ hết rồi bác ạ! Bác muốn căn nào thì cũng phải trả chênh lệch nhiều ít, tùy theo căn, theo hướng.
- Tôi chào, nói sẽ về xem lại. Đi ra và đưa câu chuyện đó cho người bạn là dân môi giới chuyên nghiệp, mới vỡ lẽ: Thật ra, các căn hộ đó đều được “xí phần” cho các quan chức của Petro. Họ chỉ “xí phần” mà không phải bỏ ra một xu nào cho chỗ “phần xí” đó. Khi có khách nào muốn mua thì cứ theo giá chính thức làm việc với công ty, phần chênh lệch chuyển cho họ và họ bỏ túi. Hợp đồng, mọi khoản giấy tờ, trả góp v.v… người mua lúc đó là chủ chính thức.
Họ đã ăn trên đầu người dân thế đấy! Cần nhớ khoản đầu tư là tiền nhà nước!
Tập đoàn PVN trải dài từ Bắc vô Nam, nên quy mô, khối lượng BĐS của tập đoàn PVN không hề là nhỏ. Chỉ một tòa nhà tại PMH, họ “ăn” cỡ đó thì tại Hà Nội, Hải Phòng, Vũng Tàu v.v… họ “ăn” cỡ nào???!!! Những ai chấp nhận trả khoản chênh lệch như thế? Nói không ngoa, chỉ có thể quan chức các ngành khác cùng gia đình, dòng tộc, phe nhóm của họ.
Mặt khác, các doanh nghiệp tư nhân như: HAGL, Thảo Loan, Quốc Cường v.v… họ cũng “chung chi” với phía công quyền để có những mảnh đất đẹp, giá rẻ, thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng nhanh chóng v.v…. Khi thị trường nóng sốt, sau doanh thu, phí thuế các loại, phần lãi họ bỏ túi và chia lời cho các cổ đông. Vậy, khi thị trường xẹp xuống, họ phải tự chịu trách nhiệm trước tập đoàn, cổ đông của họ. Sao lại giải cứu bằng tiền của dân?
Quan chức Việt Nam đã từng tuyên bố về các khoản nợ của Vinashin: “Vinashin vay thì Vinashin tự trả”. Theo đó, các doanh nghiệp BĐS lời thì bỏ túi, lỗ thì tự lo. Từ những khoản lãi dễ dàng móc túi lẫn nhau và móc túi người dân họ sẵn sàng dùng để mua máy bay, xe siêu sang, ăn xài xả láng, thì bây giờ họ phải có đủ liêm sỉ đối diện với khoản lỗ, sao lại đi “ăn mày” nhân dân bằng cái gọi là “giải cứu”?
Các ngân hàng đang dính chùm trong nợ nần với các doanh nghiệp BĐS cũng phải tự gánh lấy trách nhiệm. Nhắc lại 5 ngân hàng VN tài trợ cho PMH vay hơn 1.200 tỉ đồng, trong đó có Gia Định Bank vừa qua do cô Nguyễn Thanh Phượng thâu tóm để trở thành Bản Việt Bank.
Thêm nữa, Việt Nam đã quá nhiều loại cò mồi: “cò chạy án”, “cò chạy dự án”, “cò chạy bằng cấp” v.v… nay giới cầm quyền lại tính đẻ ra thêm loại cò mới: “CÒ CHẠY BÁN DỰ ÁN”!. Không thể tin được trong việc “giải cứu” này, không có bàn tay đen về lợi ích cá nhân, phe nhóm thọc vào để chi phối. Chính việc này sẽ lại làm náo loạn thị trường BĐS vốn chẳng mấy khi minh bạch, ví dụ, chủ đầu tư nào chịu “chung chi”, có mối quen biết thân thiết sẽ bán được dự án nhanh và giá tốt.
Việc “giải cứu” sẽ biến các chủ BĐS như những đứa con hư đốn, ích kỷ, vô đạo đức, cứ được tha thứ hết lần này đến lần khác, làm cho chúng ngày càng thủ đoạn, quỷ quyệt, lờn mặt hơn, để trở nên dày dạn kinh nghiệm cho những đối phó sau này. Đó góp phần làm suy đồi đạo đức kinh doanh, điều hiện nay quá thiếu.
Nhà nước KHÔNG ĐƯỢC DUNG DƯỠNG các doanh nghiệp BĐS như dự định.
Vậy, “chính sách” “giải cứu” thị trường BĐS nếu thực hiện, chỉ làm mỗi nhiệm vụ tháo chạy, gỡ vốn cho bộ ba “tam giác quỷ” đó mà thôi, không hề giúp gì cho dân.
Ông Nguyễn Trần Nam cho biết nhà nước định sẽ mua một số BĐS để làm nhà công vụ cho lãnh đạo thiếu chỗ ở chỉ là lấp liếm, trêu ngươi người dân, bởi trước nay không có một số liệu thống kê nào cho thấy, lãnh đạo từ trung ương đến địa phương hiện thiếu chỗ ở (!) Khôi hài! Hãy ghé qua nhà công vụ tại số 255 Trần Hưng Đạo Q.1 Tp.HCM mà xem (4). Ở đó bây giờ chỉ có lác đác vài hộ ở, số còn lại cho thuê, toàn bộ tầng trệt cho công ty CK Kim-Eng (Singapore) thuê kiếm tiền. Thật bi hài và lố bịch cho cái gọi là “nhà công vụ”!.
* * *Nếu Nhà nước thật sự nghĩ tới nền kinh tế đang nguy ngập và dân tình đang khốn đốn lầm than về mọi mặt thì hãy có những cách can thiệp vào thị trường BĐS sao cho đúng nghĩa phục vụ quảng đại quần chúng như sau:
- Thuế VAT áp dụng cho việc mua nhà, đất hiện nay 10% là quá cao. Nên giảm mức thuế này xuống còn 2%. Kèm theo đó, có thể giãn thuế trong 3 năm cho người có nhu cầu ở thật sự. Thuế VAT, về bản chất, khi sản phẩm hoàn thành và được bán tới tay người tiêu dùng, thì mới phát sinh. Tuy nhiên, mấy năm qua, cơ quan thuế thu theo từng đợt thanh toán là cách hiểu sai về bản chất của thuế VAT, góp phần làm cho thanh toán của người dân tăng thêm nhiều.
- Hủy bỏ thuế thu nhập cá nhân về nhà đất đang áp dụng là 2% trên giá bán (hay 25% giữa giá bán và giá mua cùng chi phí) mà dân cũng đang kêu trời, khi bán lỗ mà vẫn bị đánh thuế này.
- Hãy để các doanh nghiệp BĐS đi theo quy luật thị trường. Hàng không bán được, vẫn giữ giá (gốc) quá cao (như PMH, HAGL…) thì họ phải chấp nhận “chết” hoặc ngược lại. Họ đã từng ôm lời hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng thì bây giờ họ cần học lại và quen dần với khái niệm “phân phối lại” (redistribution) là như thế nào để có trách nhiệm hơn với xã hội.
- Đưa ra chính sách hỗ trợ cho người lao động, ví dụ: hỗ trợ cho những cặp vợ chồng mới cưới (căn cứ theo giấy kết hôn) như các quốc gia khác(*), những ai mua nhà lần đầu. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, rất khó vì liên quan đến quản lý hộ tịch, dân số bằng công nghệ điện toán hóa, VN vẫn còn quá thô sơ trong vấn đề này.
- Chính sách thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt đối với BĐS (giá trị lớn) trong những năm qua bất khả thi vì nhà nước không muốn làm đến nơi đến chốn. Lý do gì thì ai cũng hiểu (tham nhũng khó khăn hơn khi mọi người đều sử dụng tài khoản qua ngân hàng). Thật ra, việc này, nếu muốn, lẽ ra phải làm theo 2 cách:
+ Cuốn chiếu: thực hiện từ ngay những đứa trẻ vừa mới sinh ra. Lúc trẻ sinh ra, mọi thông tin nhân thân, khuyết tật, nhóm máu, giới tính v.v… đều phải được vi tính hóa liên hoàn trên toàn cõi VN. Làm điều này cũng góp phần quản lý thu nhập, truy tìm tội phạm tham nhũng, hình sự dễ dàng. Nói ra thì phì cười, vì lúc đó, các quan chức tham nhũng còn chỗ nào ẩn nấp, khi cách quản lý này kết hợp với hiện ước dẫn độ tội phạm với thế giới được ký kết.
+ Cắt khúc: song song cách trên, nhà nước sẽ phân loại để vi tính hóa theo lứa tuổi, ví dụ làm trước trong 2 năm đầu dành cho lứa tuổi từ 18 đến 30, sau đó đến lứa tuổi 31 đến 45 v.v…
Cách làm này phải kiên trì, nhất quán trong suốt khoảng 10 năm mới có thể cho kết quả, ngoài ra nó giúp loại bỏ cách quản lý dân theo hộ khẩu (không giống ai) tỏ ra vi phạm nhân quyền và tư duy xin – cho còn đầy rẫy.
* * *Bộ ba “trục tam giác quỷ” đã bị vạch mặt nhiều năm qua, nhưng chúng vẫn liên kết nhau chặt chẽ để thủ lợi, bất chấp sự bần cùng hóa người dân đang ngày càng dâng cao.
Phải đưa thị trường BĐS nói riêng và các thị trường khác nói chung đi về đúng quỹ đạo của nền kinh tế thị trường dựa trên yếu tố cung – cầu làm chủ yếu.
Hà hơi, tiếp sức cho các ngân hàng, doanh nghiệp BĐS trong tình hình kinh tế bi đát hiện nay chỉ làm phân hóa xã hội thêm sâu sắc. Giá BĐS cao cứ cao, người dân nghèo không có chỗ ở cứ tiếp tục lay lắt sống trong hoàn cảnh chực chờ bùng nổ một sự vùng lên trong lửa khói.
Nguyễn Ngọc Già
Tác giả gửi đến Dân Luận
Đăng lại trên Dự đoán kinh tế Việt Nam by Quang
______________________________
Bài viết liên quan:
05-04-2012 Cứu bất động sản hay cứu ai? (phần cuối)
04-04-2012 Cứu bất động sản hay cứu ai? (phần 1)
01-04-2012 Tìm đâu ra 200 nghìn tỷ đồng để cứu DN bất động sản?
29-02-2012: Đại hạ giá căn hộ cao cấp để cắt lỗ
21-07-2011: TT bất động sản: Ba năm nữa mới “bắt” đáy.
Nếu bạn có kiến thức này thì bạn sẽ không bao giờ mắc cạn đầu tư địa ốc khi lướt sóng..
Xem những bài viết khác trong chuyên mục: "Bất động sản"
Đăng lại trên Dự đoán kinh tế Việt Nam by Quang
______________________________
Bài viết liên quan:
05-04-2012 Cứu bất động sản hay cứu ai? (phần cuối)
04-04-2012 Cứu bất động sản hay cứu ai? (phần 1)
01-04-2012 Tìm đâu ra 200 nghìn tỷ đồng để cứu DN bất động sản?
29-02-2012: Đại hạ giá căn hộ cao cấp để cắt lỗ
21-07-2011: TT bất động sản: Ba năm nữa mới “bắt” đáy.
Nếu bạn có kiến thức này thì bạn sẽ không bao giờ mắc cạn đầu tư địa ốc khi lướt sóng..
Xem những bài viết khác trong chuyên mục: "Bất động sản"
______________________
(*) Có thể làm giả, vì cả VN cái gì cũng giả được cả. Rất buồn!
No comments:
Post a Comment