Tác giả: Jacob Zenn
Người dịch: Đỗ Quyên
Ngày 4-4-2012
Washington – Ngân sách sắp cắt giảm, những quan niệm vẫn còn rơi rớt về chủ nghĩa đế quốc của Mỹ, và cách hành xử không hay của quân đội Mỹ ở châu Á, tất cả đã làm cho chữ “base” (căn cứ) trở thành một từ có bốn chữ cái (*) ở hầu hết các nước Đông Nam Á.
Nhưng khi Washington đặt lại khu vực vào tầm ưu tiên chiến lược, thì có nhiều điều ước linh hoạt mới cho phép quân đội Mỹ lấy lại chỗ đứng ở đây, mà chẳng hề kích động tinh thần dân tộc chút nào.
Nhiều nước Đông Nam Á hoan nghênh sự hiện diện của quân đội Mỹ, nhất là trước những hành động khiêu khích và yêu sách hung hăng của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp trên Biển Đông (nguyên văn: Biển Hoa Nam). Tuy nhiên, bất kỳ tín hiệu nào cho phép Mỹ thiết lập căn cứ vĩnh viễn ở đây, giống như ở Okinawa (Nhật Bản) hay Căn cứ không quân Clark trước kia ở Philippines, đều bị các nhà lập pháp gạt bỏ ngay lập tức.
Mỹ có kế hoạch củng cố quân đội ở Đông Nam Á, khi mà chiến tranh ở Iraq và Afghanistan đã lắng dần; và muốn làm đối trọng với Trung Quốc đang trỗi dậy. Kế hoạch này của họ đòi hỏi phải có sự ưu tiên về chính sách. Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện của mình bằng cách dồn lực vào tập trận chung, luân phiên triển khai lính đến khu vực, đóng quân, và giảm bớt các thỏa ước để tránh việc phải lập ra nhiều căn cứ tốn kém.
Các điều ước ký với Úc và Singapore là mẫu hình cho vị thế mới của Mỹ ở khu vực. Mỹ đã có kế hoạch ở bốn địa điểm khác nhau ở Úc, trong mối quan hệ quân sự song phương năng động nhất của Washington tại khu vực.
Ở Brisbane, một căn cứ mới cho hạm đội Úc sẽ đủ sức đón những chuyến đổ bộ của lính Mỹ từ chiến hạm và tàu ngầm. Ở Perth, căn cứ hải quân HMAS Stirling được mở rộng sẽ có khả năng tiếp nhận các tàu sân bay Mỹ, cũng như chiến hạm và tàu ngầm. Ở Darwin, dự kiến có tới 2.500 lính thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tham gia làm nghĩa vụ luân phiên. Ở đảo Cocos (Keeling), nằm giữa tuyến đường nối Úc và Sri Lanka, theo dự kiến, một sân bay sẽ được nâng cấp để chứa máy bay trinh sát P-8 và máy bay không người lái Global Hawk.
Mỹ cũng dự định đặt bốn tàu mới tại Singapore, là các tàu chiến vùng duyên hải của hải quân Mỹ, và tăng số lượng những chuyến đổ bộ, tăng số máy bay trinh sát. Thêm vào đó, họ sẽ nâng cấp quan hệ quân sự với Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei; việc này sẽ bổ trợ thêm cho các kế hoạch mà Mỹ đã có với Úc, Singapore và Phililippines.
Tuy trọng tâm của Mỹ trong khu vực từ lâu vẫn là Đông Bắc Á, nhưng hướng nhìn của Mỹ giờ đây đang phần nào chuyển dần sang Đông Nam Á. Trong một cuộc họp về các vấn đề quân sự châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức tại Washington vào ngày 27 tháng11, Đô đốc Robert Willard, hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, nói: “Tôi nhìn vào nơi các lực lượng đóng quân và nơi họ cần phải có mặt hàng ngày, thì chúng tôi có xu hướng thiên về Đông Bắc Á. Và khi chúng tôi nhìn vào Đông Nam Á, Nam Á, chúng tôi thấy một áp lực đè lên Hạm đội Thái Bình Dương, đó là áp lực phải triển khai và duy trì quân đội ở đó hàng ngày”.
Ông nói thêm: “Các sáng kiến như Úc hay Singapore đã đưa ra sẽ cho phép chúng tôi luân phiên triển khai quân từ những địa điểm gần hơn và liền kề Đông Nam Á hơn. Các sáng kiến này cho Hạm đội Thái Bình Dương cơ hội để có thể hiện diện ở đó một cách thuận lợi hơn, và không phải phụ thuộc quá nhiều vào việc phải đóng quân với chi phí rất lớn trong khu vực… trong khi việc lập căn cứ ở Đông Nam Á thì lại không được ưa thích”.
Tái tập trung vào Đông Nam Á là một phần nhỏ trong “thay đổi chiến lược” của Tổng thống Barack Obama đối với châu Á-Thái Bình Dương năm 2011. Sự thay đổi chính sách này bao gồm một loạt hoạt động: Ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, thành lập một phái đoàn tham dự Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Jakarta, xác nhận một đại diện đặc biệt kiêm người điều phối chính sách ở Myanmar, và thắt chặt quan hệ song phương của Hoa Kỳ với các nước trong khu vực.
Cũng với tinh thần tham gia đó, Mỹ lần đầu tiên dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á với tư cách thành viên chính thức, vào tháng 11 năm ngoái ở Bali, Indonesia. Các sáng kiến đã góp phần phản bác lại quan điểm chính thức trước đó ở Đông Nam Á là Mỹ đã xao nhãng Đông Nam Á vì còn mải theo đuổi “cuộc chiến chống khủng bố” trên toàn cầu và tại Đông Bắc Á – khu vực mang tính chiến lược song lại hay thay đổi hơn.
Điểm nhấn Philippines
Nấc thang chính trong chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á là Phillippines, thuộc địa cũ của Mỹ, nơi Hoa Kỳ đặt hai căn cứ quân sự chiến lược là căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic, bắt đầu từ sau Thế chiến II cho đến năm 1991, khi Quốc hội Philippines bỏ phiếu bác bỏ một thỏa thuận mới giữa hai nước về các căn cứ này. Năm 1999, Hiệp định về thăm viếng quân sự Philippines-Hoa Kỳ đi vào hiệu lực, điều chỉnh hành vi của quân đội Mỹ trên đất Philippines, đặc biệt trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự.
Hiệp định này đóng vai trò như một hình thức thay thế cho hai căn cứ quân sự lúc trước, bởi lẽ theo đó, quân đội Mỹ có thể được triển khai ở Philippines để tiến hành hoạt động gọi là “huấn luyện”. Kể từ năm 1998, quân Mỹ đã tham gia tập trận định kỳ và thường xuyên ở Philippines, với quân số lên tới 5.000 người. Tháng 11-2002, Philippines đồng ý để Mỹ tích trữ và cài đặt trước trang thiết bị trong nước mình.
Trong “cuộc chiến chống khủng bố”, hiệp ước ký với Philippines cũng cho phép Mỹ triển khai máy bay không người lái đến giúp Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) xác định nơi ẩn náu của Abu Sayyaf, trên hòn đảo xa ở phía nam, Mindanao. Việc này được tiết lộ vào tháng 2-2012 khi một thiết bị cảm biến, do dân địa phương cài vào chỗ Abu Sayyaf và Jemaah Islameeyah (JI) trốn, đã chỉ cho máy bay của Mỹ biết vị trí của đám khủng bố.
Sau đó, Không quân Philippines tổ chức ném bom, giết chết lãnh đạo của JI là Zulkifli bin Hir và Muawayah, lãnh đạo Abu Sayyaf là Gumbahali Jumdail, cùng 12 chiến binh Abu Sayyaf khác. Thiết bị nổi bật nhất trong số máy bay không người lái của Mỹ ở Philippines có tên là là “Đặc nhiệm chung Philippines” (JSOTF-P), trụ sở ở Zamboanga nhưng hoạt động trên toàn lãnh thổ đảo Mindanao.
Sau chiến dịch được máy bay không người lái hỗ trợ này, một số nhà lập pháp Philippines đã phàn nàn về việc Mỹ sử dụng máy bay không người lái trên lãnh thổ Philippines. Sự không chắc chắn về khả năng Mỹ có đóng quân ở Philippines lâu dài hay không cho thấy những rắc rối mà Mỹ phải đương đầu trên toàn khu vực. Tại Philippines, thường xuyên có tố cáo về chuyện lính Mỹ lạm dụng tình dục, trong đó có một vụ hiếp dâm rất tai tiếng vào năm 2006, liên quan đến một hạ sĩ Mỹ và một phụ nữ Philippines, vụ này đã bị đưa ra tòa xét xử.
Mặc dù những hành động tội phạm cuối cùng luôn được chứng minh là ngoại lệ, được miễn dịch trước luật pháp, nhưng người dân địa phương vẫn lấy chúng ra làm ví dụ để cho thấy tại sao sự có mặt của quân đội Mỹ ở gần nơi họ ở không hề được hoan nghênh. Tại Palawan – hòn đảo còn hoang sơ của Philippines – người ta cũng sợ rằng quân Mỹ đóng ở đây để bảo vệ an ninh thì ít mà để bảo vệ lợi ích thương mại của Mỹ thì nhiều: Mỹ sẽ bắt đầu thăm dò khai thác dầu khí và các tài nguyên khác ở đây.
Hồi tháng 1 vừa qua, quan chức quốc phòng Philippines đã đi thăm Washington để tiến hành đàm phán chiến lược, và đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, quốc phòng, thương mại, và cứu hộ khi có thảm họa. Trong khi đôi bên còn bàn thảo về việc quân Mỹ “luân phiên” và “thường xuyên” có mặt ở Philippines, thì vấn đề thiết lập một căn cứ vĩnh viễn, dưới bất kỳ hình thức nào, không được đặt ra trong chương trình nghị sự.
Các ưu tiên chiến lược mới, gồm cả việc cân bằng lực lượng trước sự nổi lên của Trung Quốc và an ninh trên những vùng biển quan trọng sống còn như Biển Đông, đã thúc đẩy Mỹ tập trung trở lại vào Đông Nam Á. Trong khi nhiều nước Đông Nam Á phàn nàn là bị Mỹ “xao nhãng” trong những năm 2000, giờ đây các cuộc thảo luận đang nhanh chóng chuyển theo hướng xem xét liệu sự trở lại của Mỹ, nhằm có một chỗ đứng nhẹ nhàng hơn mà linh hoạt hơn, cuối cùng sẽ đưa đến bình yên hay xung đột trong khu vực.
Jacob Zenn là cố vấn pháp lý trong lĩnh vực luật cho xã hội dân sự và là nhà phân tích về các vấn đề quốc tế, đặc biệt ở Đông Nam Á, Trung Á và Nigeria. Ông vốn là một học giả phản biện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Indonesia năm 2011.
Nguồn: Asia Times Online
——–
(*) Nói đến những “từ có bốn chữ cái” là nói đến những từ dùng để chửi thề.
No comments:
Post a Comment