(Tamnhin.net) – Nếu huy động được kho vàng 400 – 500 tấn trong dân, Nhà nước sẽ có được khoảng 30 tỷ USD làm tài sản bảo đảm để vay nguồn vốn giá rẻ trên thị trường quốc tế.
Ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch Tập đoàn Doji nêu rõ, nếu Ngân hàng Nhà nước đứng ra huy động vàng của dân thì sẽ thực hiện được các mục tiêu: Thứ nhất, tăng dự trữ quốc gia bằng vàng, tuy vậy “cái giá” phải trả là lãi vay cho người dân. Thứ hai, một phần lượng vàng huy động trong dân có thể là tài sản bảo đảm để vay được nguồn vốn giá rẻ trên thị trường quốc tế mà nền kinh tế đang rất cần. Tiếp theo, nếu chuyển một phần số vàng này ra tiền đồng để “bơm” vốn cho thị trường là việc có lợi. Có thể vấn đề này sẽ gặp rủi ro khi giá vàng tăng cao và khi người dân rút vàng ra ở một thời điểm không thể biết trước, nhưng nếu sử dụng cân đối trên tài khoản nước ngoài (hedging) để mua lại số vàng đã chuyển đổi thì có thể kiểm soát hoàn toàn được rủi ro.
Ông Nguyễn Thanh Trúc Chủ tịch Công ty Vàng Agribank cho rằng, đó là việc làm rất tốt, lợi ích đầu tiên là cho người dân vì nếu họ cất trữ vàng trong nhà rất nguy hiểm dễ mất của và nguy hiểm đến tính mạng. Nếu gửi vàng tiết kiệm người dân còn được lãi.
Nhà nước thì huy động được nguồn vốn ngoại tệ rất lớn (tối thiểu là 30 tỷ đôla) để tăng giữ trữ ngoại hối và đầu tư phát triển nền kinh tế. Bởi vì thực tế hiện nay chúng ta đang thiếu nguồn vốn ngoại tệ.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, huy động vàng trong dân để làm tăng dự trữ vàng của Nhà nước, cũng như để vốn hóa lượng vàng khổng lồ phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh là điều hợp lý. Trung Quốc với sự hỗ trợ của Hội đồng Vàng thế giới đang thực hiện đề án huy động vốn bằng vàng trong dân rất thành công.
Ở Việt Nam khối lượng vàng trong dân theo thống kê của nhiều cơ quan trong nước và quốc tế là rất lớn, nên việc vốn hóa để phục vụ cho nền kinh tế lại càng quan trọng. NHNN cũng có thể sử dụng số vàng này để bình ổn thị trường vàng trong nước.
Theo đó, NHNN có thể ủy thác cho một số NHTM huy động vàng. Số vàng huy động được có thể coi là một dự trữ của Nhà nước và NHNN có thể kiểm soát khối lượng vàng này và phát hành các chứng chỉ vàng cho người gửi; trong trường hợp cần thiết NHNN mua số lượng vàng này để làm vàng dự trữ của Nhà nước. Các chứng chỉ vàng này dân chúng có thể được phép cầm cố vay vốn hoặc chuyển nhượng mà không cần sử dụng vàng vật chất. Điều này cũng tạo tiền đề cho việc hình thành sàn giao dịch vàng hiện đại trong tương lai. NHNN sẽ trả phí cho việc huy động này.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để việc quản lý vàng vừa tập trung vừa thuận lợi trong tương lai cần phải có sàn giao dịch vàng được liên thông với thị trường vàng quốc tế. Đây là biện pháp quản lý hữu hiệu nhất. Song NHNN phải giữ vai trò là người quản lý và NHNN phải là người cân bằng giá cả thị trường trong những thời điểm xuất hiện các chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Điều này có tác dụng rất quan trọng làm cho thị trường vàng trong nước biến động theo xu thế chung của thị trường vàng thế giới tránh cú sốc không bình thường trên thị trường nội địa.
TS. Lê Xuân Nghĩa nêu rõ, việc một số NHTM được lựa chọn được phép mở tài khoản vàng ở nước ngoài và thậm chí có thể giao dịch vàng tài khoản là một trong những tiền đề quan trọng để giá vàng trong nước và quốc tế liên thông và cân bằng với nhau. Vừa có tác dụng phòng tránh rủi ro về vàng, vừa có tác dụng hạn chế việc đầu cơ chênh lệch giá để giá vàng trong nước theo sát với giá vàng quốc tế. Việc cho phép mở tài khoản vàng đối với một số ngân hàng được lựa chọn cũng là tiền đề để có thể hình thành một sàn giao dịch vàng trong tương lai.
Quang Anh
http://phamdinhtan.wordpress.com/2011/11/11
No comments:
Post a Comment