Saturday, November 19, 2011

Tại sao chúng ta chấp nhận sống như nô lệ ?

Tịch thu ngoại tệ mua bán trái phép
17/11/2011 0:34
Với những quy định xử phạt mới ban hành, số tiền phạt và tịch thu liên quan đến ngoại tệ sẽ tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn TP.HCM đã xử lý khoảng 120 vụ vi phạm liên quan đến niêm yết, quảng cáo giá cả bằng ngoại tệ, mua bán ngoại tệ… với số phạt lên gần 4,5 tỉ đồng.
Nhiều vụ vi phạm
Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng trên địa bàn TP.HCM về công tác phối hợp quản lý ngoại hối ngày 16.11, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM – cho biết: “Từ đầu năm đến nay, NHNN chi nhánh thành phố đã kiểm tra 28 đại lý đổi ngoại tệ, trong đó kiểm tra đột xuất 6 đại lý thu đổi ngoại tệ là tổ chức kinh doanh vàng. NHNN đã phát hiện vi phạm và đình chỉ 2 đại lý thu đổi ngoại tệ từ 3 đến 6 tháng. Ngoài ra, NHNN phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM (QLTT) kiểm tra, phát hiện 5 đại lý đổi ngoại tệ của khách hàng cao hơn giá niêm yết và đã xử phạt 75 triệu đồng. Còn lại do QLTT xử phạt 60 vụ với số tiền 1,5 tỉ đồng, cơ quan công an xử phạt 54 vụ với số tiền hơn 2,8 tỉ đồng…”.
Người dân nên vào ngân hàng hoặc đại lý đổi ngoại tệ được phép để giao dịch tránh vi phạm quy định – Ảnh: D.Đ.Minh
Tại cuộc họp, đại diện Công an TP.HCM cho biết  đã phát hiện 54 vụ từ đầu năm đến nay, trong đó đã khởi tố hình sự 5 vụ và chuẩn bị hồ sơ khởi tố thêm 2 vụ nữa về hành vi kinh doanh ngoại tệ trái phép. Những vụ bị khởi tố là những vụ mua bán chuyên nghiệp. Theo vị đại diện này, các điểm mua bán ngoại tệ trái phép đang biến tướng tinh vi. Chẳng hạn sau khi bị xử phạt thì đổi tên chủ cơ sở, sử dụng trụ sở ngân hàng để giao dịch mua bán ngoại tệ. Gần đây, các ngân hàng thương mại cũng mua bán ngoại tệ cao hơn giá niêm yết…
Đối với thị trường vàng, vị đại diện Công an TP.HCM cho hay khi Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC nhận được chỉ đạo ngưng gia công dập vàng miếng từ tháng 10 đến nay, vàng lậu cũng “tắt”. Tuy nhiên bọn tội phạm thay vì nhập vàng nguyên liệu lại chuyển sang nhập vàng thành phẩm với chất lượng, khối lượng, hình thức bên ngoài rất giống sản phẩm đã có trong nước.
Phạt nặng, tịch thu tang vật
Từ cuối tháng 10 đến nay, NHNN Việt Nam, UBND TP.HCM liên tục có công văn gửi các ngân hàng, các đơn vị chức năng về việc kiểm tra, xử lý các trường hợp liên quan đến hoạt động ngoại hối. Một điểm quan trọng là Chính phủ đã ban hành Nghị định 95 (ngày 20.10.2011) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng với mức phạt tăng gấp 5 – 10 lần so với trước đây.
Theo đó, phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm như thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ với người nước ngoài; mua, bán, thanh toán ngoại tệ; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng; kinh doanh mua, bán vàng không đúng quy định…  Phạt từ 300 – 500 triệu đồng đối với hành vi niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định… Đồng thời Nghị định 95 còn bổ sung hình thức xử phạt là tịch thu tang vật là ngoại tệ, tiền đồng hoặc vàng không đúng quy định.
Đại diện Công an TP.HCM cho rằng mức phạt nặng cho các hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là cần thiết. Tuy nhiên có nhiều trường hợp người dân vô tình vi phạm mà xử phạt vài chục triệu đồng có thể vượt khả năng tài chính của họ. Những trường hợp như vậy cần phải cân nhắc. Đại diện Sở Công thương TP.HCM phát biểu: “Thật ra người dân có nhu cầu mua ngoại tệ cho các mục đích chính đáng như du học, du lịch, chữa bệnh… mà không mua được ở ngân hàng, buộc họ phải ra các tiệm vàng mua. NHNN quản lý tốt về tỷ giá, không để tình trạng 2 giá diễn ra thì các cơ quan chức năng sẽ đỡ khó khăn hơn khi triển khai thực hiện”.
 Ông Nguyễn Hoàng Minh nhận định: “Trong 3 – 4 năm trở lại đây, ngân hàng có thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ của người dân như dụ học, du lịch, chữa bệnh…, đặc biệt là vào những tháng cuối năm. Chúng tôi cũng đã có báo cáo lên cấp trên về vấn đề này. Đối với việc giá mua bán ngoại tệ trong ngân hàng cao hơn giá niêm yết, NHNN có nhận được phản ánh từ người dân và hiện đang thực hiện kiểm tra các ngân hàng này”.
Thanh Xuân
————————–
Giao dịch bằng vàng sẽ bị tịch thu
19/11/2011 0:03
Ngay từ 20.10.2011, sử dụng vàng, ngoại tệ trong thực hiện mua bán, niêm yết, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ không chỉ bị phạt nặng, mà tang vật cũng sẽ bị tịch thu đưa vào ngân sách nhà nước.
 
Mua bán, cho thuê nhà đất bằng vàng, ngoại tệ sẽ bị phạt – Ảnh: Đ.N.Thạch
Đó là nội dung Nghị định (NĐ) 95 của Chính phủ bổ sung, sửa đổi một số điều của NĐ 202 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng (NH). Theo đó, quy định xử phạt từ 50 – 100 triệu đồng đối với việc “thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định”. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, tiền đồng hoặc vàng đối với hành vi này. NĐ 95 cũng quy định, xử phạt mức 300 – 500 triệu đồng đối với hành vi “Niêm yết, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định pháp luật”.
Người dân có quyền nắm giữ nhưng khi sử dụng ngoại tệ, vàng làm phương tiện trong thanh toán, niêm yết, quảng cáo hàng hóa dịch vụ là vi phạm pháp luật
Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM
Theo cơ quan công an, ngay sau khi NĐ có hiệu lực thi hành, cơ quan này đã rà soát vấn đề giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là nhà đất bằng vàng nhưng chưa phát hiện ra vụ nào. Các công tác kiểm tra việc thực hiện mua bán giao dịch bằng ngoại tệ, vàng của cơ quan công an sẽ tiếp tục được đẩy mạnh  trong thời gian tới. Ngoài cơ quan công an, NHNN, cơ quan quản lý thị trường cũng sẽ thực hiện việc kiểm tra niêm yết, quảng cáo hàng hóa dịch vụ bằng vàng trên thị trường.
Nhiều người chưa biết
Mặc dù NĐ 95 có hiệu lực cả tháng nay, cơ quan công an cũng đã và đang tiến hành rà soát gắt gao vấn đề này nhưng rất nhiều người dân vẫn không hề hay biết. Vẫn còn nhiều vụ giao dịch mua bán nhà bằng vàng,  nhất là trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay.
Không chỉ người dân, không ít sàn giao dịch bất động sản (BĐS) cũng mù tịt về thông tin này. Đặt vấn đề với giám đốc một sàn giao dịch trên địa bàn Q.1, TP.HCM về việc nếu khách hàng có yêu cầu rao bán nhà đất bằng vàng, sàn có nhận không, vị giám đốc này vô tư trả lời, vẫn nhận đăng rao bán bình thường, kể cả trường hợp khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ NH là đơn vị trung gian trong giao dịch thanh toán. Khi được chúng tôi cung cấp thông tin về NĐ 95, vị này tỏ ra lúng túng và cho biết sẽ tìm… đọc.
Theo ông Bùi Tiến Thắng – Phó tổng giám đốc Công ty CP BĐS Sài Gòn Thương tín (Sacomreal), hiện niêm yết bằng vàng chỉ xảy ra đối với nhà phố, những khu dân cư hiện hữu lâu năm nhưng việc này cũng đã và đang dần co lại. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Loan – Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng thừa nhận, việc giảm mua bán bằng vàng trong giao dịch BĐS là do khó tìm được người mua nhà, đất bằng vàng chứ không phải vì quy định xử phạt nói trên. Bởi đến thời điểm hiện tại, rất nhiều người vẫn không biết quy định niêm yết, mua bán nhà đất bằng vàng sẽ bị xử phạt nặng.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, đây là quy định mới nên người dân, doanh nghiệp cần lưu ý khi sử dụng vàng trong thanh toán, niêm yết, quảng cáo. Cũng giống như ngoại tệ, người dân có quyền nắm giữ nhưng khi sử dụng ngoại tệ, vàng làm phương tiện trong thanh toán, niêm yết, quảng cáo hàng hóa dịch vụ là vi phạm pháp luật.
Vẫn có trường hợp sử dụng ngoại tệ trong giao dịch BĐS
Trong lĩnh vực BĐS, một số vụ niêm yết, cho thuê, giao dịch bằng ngoại tệ bị phát hiện trong thời gian qua. Điển hình, Công ty P.M.H bị phát hiện thực hiện ký kết hợp đồng thuê căn hộ bằng USD với khách hàng và Công ty H.Q giao dịch, thanh toán, báo giá mua bán căn hộ bằng USD và niêm yết giá cho thuê nhà, căn hộ bằng USD tại sàn giao dịch BĐS. Thông tin này khiến các đơn vị kinh doanh BĐS khác giật mình và điều chỉnh giá BĐS sang tiền đồng.
Thanh Xuân

No comments:

Post a Comment