Friday, November 25, 2011

Hoàn cảnh đáng thương của người Việt tị nạn ở Bangkok

Cần có tự do, làm sao để giúp bây giờ?

Mi Vân Lovstrom (riêng cho Người Việt)

Lời tòa soạn: Cách đây hơn 1 tháng, ngày 17 tháng 10, cô Mi Vân Lovstrom, một nữ Việt kiều Na Uy về Việt Nam làm từ thiện bị an ninh phi trường Tân Sơn Nhất chặn không cho vào và buộc quay trở lại Bangkok mà không giải thích lý do. Trong thời gian ở lại Bangkok để tìm hiểu lý do vì sao bị chặn không cho vào Việt Nam, Mi Vân Lovstrom đã dành thời gian tìm hiểu về cuộc sống của người Việt Nam, đặc biệt là những người Việt tị nạn chính trị ở thành phố này và có bài viết dưới đây gởi cho báo Người Việt.

***
1. Ngày đầu ở Bangkok
 Ngày 17 tháng 10 tôi về Việt Nam làm từ thiện, khi đến sân bay Tân Sơn Nhất tôi bị chặn lại không được nhập cảnh.
Tôi bị trả về Thái Lan. Ðặt chân xuống Bangkok, tôi không một người quen và đây cũng là lần đầu trong đời tôi đến đây. Chuông điện thoại của tôi như không ngừng reo, những người thân quen của tôi bảo tôi hãy trở về Na Uy đi. Nhưng Trời ơi, giờ này tôi không muốn về nữa, vì lời hứa 100 xe lăn vẫn còn chưa thực hiện. Tôi quyết ở lại Bangkok một mình.
Tôi sẽ ở lại Bangkok cho đến khi xe lăn và gạo đến nơi tôi mới về. Thế là 3 người Na Uy chính gốc quyết định lên đường để đi vào Việt Nam. Khi cuộc hành trình của họ bắt đầu, thì ở Bangkok tôi cũng gặp phải nhiều thử thách mới...

Bữa cơm của người Việt tị nạn chỉ toàn rau và muối. (Hình: Mi Vân)

2. Một chiều lang thang tìm đồng hương
Tôi trở về khách sạn ngủ một giấc lấy lại tinh thần, sau đó đón taxi đi Samsen để tìm người Việt Nam.
Tôi dừng chân lại ở một sân banh. Tôi thấy có nhiều nhiều người trẻ đang chơi ở đó. Tôi đi vào hỏi thăm. Không ai nói tiếng Anh cả, chỉ có một cô gái trẻ, nghe được hai chữ “Việt Nam,” cô kéo tay tôi đi. Xuyên qua vài con đường nhỏ, đi vào một ngõ hẻm, cô ấy đưa tôi vào một căn nhà, có một bác gái ở tuổi 50, và một bà lão trông cũng ngoài 80 tuổi.
Họ mời tôi dùng trà nước và trái cây. Bác gái chạy vào phòng gọi người em trai ra nói chuyện. Hóa ra ông ấy là người biết nói tiếng Anh. Mọi người trong nhà hỏi thăm tôi từ đâu đến, họ nhìn tôi rất lạ, có lẽ vì tôi nói mình là người Việt Nam nhưng ở Na Uy.
Tôi rất vui vì người trong nhà ai cũng vui vẻ và tốt với tôi. Rồi cả nhà chuẩn bị đi lễ, họ hỏi tôi đi cùng không. Thật tình thì tôi không phải đạo Công Giáo, nhưng với tôi khi gặp và quen một ai đó là “có duyên,” nên tôi gật đầu đi cùng cả nhà. Bà lão đến bên tôi nói vài câu tiếng Việt Nam, đến giờ này tôi mới biết, bà lão là người Việt Nam, nhưng đã ở trên đất Thái ngay từ nhỏ, cả nhà là gốc Việt Nam, nhưng chỉ có 1 mình bà còn nói được tiếng Việt.
Bà lão kể tôi nghe, ở làng này người gốc Việt nhiều lắm, nhưng không nói được tiếng Việt nữa, bà năm nay 91 tuổi rồi, gặp tôi bà mừng lắm, rồi bà nắm tay tôi đi, cùng nhau đi đến nhà thờ. Tôi ngồi cùng bà một lúc, xem lại đồng hồ gần 20 giờ. Tôi từ giã bà rồi tôi vội đi đón xe.
Đi một đoạn đường ghé vào 1 cái quán, cô chủ quán nói tiếng Anh được. Cô ấy gốc Việt nữa, tôi mừng như trúng số. Cô hỏi tôi đi đâu cô giúp tìm xe cho, thế là tôi ngồi lại chờ xe, nhưng chờ hoài không thấy. Cô ấy hỏi tôi: “Cô có sợ chết không?” Tôi bảo không, cô ấy lấy chiếc xe máy ra và nói, không sợ chết thì ngồi lên, tôi chở cô ra xa lộ đón taxi.
Cô chở ra đến xa lộ, cô đón taxi cho tôi, và còn ghi lại số phone, cô nói có gì thì tôi phải gọi cô, vì trời tối, đi một mình nguy hiểm lắm. Tôi chợt thấy tình cảm của người và người đang ở quanh tôi, người cùng nguồn gốc, không cùng ngôn ngữ, nhưng hai chữ Việt Nam đã khiến chúng tôi mến nhau, và từ đó tôi được sự giúp đỡ tận tình như thế.
Cuộc gặp đầu tiên với người Việt tị nạn
Ngày thứ 3 ở Bangkok tôi gặp một anh tên Hải, anh sống đây lâu lắm rồi, và có quốc tịch Thái. Anh Hải là người rất nhiệt tình giúp đỡ người Việt ở Thái. Tôi kể anh nghe chuyện của tôi và tôi hỏi anh làm sao gặp được những người Việt ở Thái.
Chúng tôi đón taxi, lúc đó anh nói tiếng Thái, nên tôi cũng không biết là đi đâu, đi được một đoạn đường thì anh gọi phone, tôi nghe anh nói: “Có cô Mi Vân muốn ghé thăm anh em tỵ nạn, bây giờ còn khoảng 10 phút nữa đến rồi, anh ra ngoài 7eleven đứng chờ nhe, rồi dắt về nhà anh nhe.”
Xe dừng lại ở 7eleven, thật có một anh đang đứng đó chờ chúng tôi.
Ghé vào một căn phòng “nơi mà anh ấy nói là nhà” căn phòng khoảng 20m2, nơi mà căn nhà anh đang sống cùng vợ và 2 đứa con. Chỉ là 1 cái phòng vuông, bên góc có một cái bếp, tôi nhìn quanh phòng và đoán được là mọi việc sinh hoạt trong gia đình anh đều ở trong căn phòng này.
Tôi hỏi thăm vợ của anh và 2 đứa con, tôi được biết, 2 em được đi học, còn chị và anh thì chỉ ngồi nhà thôi, không thể đi đâu được, mặc dù gia đình anh đã được quy chế tỵ nạn rồi. Anh mời tôi uống trà, và kể về những chuyện trước kia của anh. Với tôi, mọi thứ anh kể, rất xa lạ đối với tôi, vì có lẽ tôi không cập nhập tình hình ở Việt Nam và cũng ít khi nào xem thời sự hoặc đọc báo Việt Nam. Tôi chỉ biết lắng nghe và thông cảm, chẳng biết làm gì hơn.
Chị hỏi tôi về thân thế cũng như vì sao tôi về Việt Nam, tôi cũng kể cho anh chị nghe mọi việc về mình và rồi tôi kể sang những mẩu chuyện nhỏ mà tôi gặp phải trong những lần về làm từ thiện. Với tôi chắc mọi người đầy tò mò, vì sao tôi không được vào nước Việt Nam, nhưng khi nghe tôi kể những chuyện, thì mọi người cũng rất ngạc nhiên, vì theo nhận xét của gia đình anh, thì tôi chỉ là 1 cô gái bình thường, ngoài tấm lòng giúp người ra, tôi không có gì hơn.
Thật khó hiểu, nhưng cũng có lẽ vì thế tôi mới gặp những người này. Buổi chiều trôi qua rất nhanh. Qua ly trà, qua buổi nói chuyện, một ngày của tôi đã trôi qua rất nhanh.
Trở về khách sạn trời đã khuya, tôi không sao ngủ được, khi nghĩ đến những việc tôi vừa gặp phải trong buổi chiều qua, tôi cứ thầm nghĩ, sao cuộc sống lại có quá nhiều sự khác biệt. Tôi nghĩ đến mình, sao tôi lại may mắn đến thế, tôi đang ở trong 1 căn phòng đầy đủ tiện nghi, chỉ ở có 1 mình mà còn lớn hơn nhà của anh nhiều, tôi nhìn cái giường nệm mà nghĩ đến, cả nhà anh ngủ như thế nào, tôi nghĩ đến 2 em nằm chiếu mà tôi thấy buồn làm sao, tôi biết có nhiều người sống như thế và cũng có nhiều người còn khỏ hơn thế nữa, nhưng có lẽ, chỉ khi nào mình nhìn thấy thì mình mới cảm được thôi.
Sự nhớ nhung của tôi với các em nhỏ trong nước cũng vậy, tôi nhớ các em, tôi muốn được về thăm các em, nhưng giờ đây, mọi việc đang lẫn lộn, mọi suy nghĩ như đan chen xen lẫn trong đầu tôi và rồi giấc ngủ đến lúc nào không biết nữa...

Những mảnh đời đáng thương

Ngày thứ 4, tôi theo chân người bạn mới quen hôm trước để đi tìm hiểu cuộc sống của người Việt tỵ nạn, người bạn này nói sẽ đưa tôi đi gặp những người mà tôi muốn gặp, đưa tôi đi xem cuộc sống của người tỵ nạn mà tôi muốn xem. Quả thật tôi gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Người bạn mới đưa tôi đến một nơi rất hẻo lánh, một vùng quê xa thật xa, nếu người bình thường chắc cũng chẳng ai nghĩ rằng nơi đây lại có người Việt tỵ nạn.

Tác giả Mi Vân trong vườn rau muống của người Việt tị nạn. (Hình: Mi Vân)
Qua những con đường dưới chân cầu, đi vào một ngõ hẻm, nhìn thấy một cái ao và hàng dừa, ở bên kia là một xóm nhà nhỏ, nơi đây có 7 gia đình người Việt tỵ nạn đang sống ở đây. Nhìn cảnh quê tôi nhớ Việt Nam mình làm sao, cái võng ở dưới gốc dừa, cái ao, giàn mướp, 2 con vịt và cây me đã làm tôi quên hẳn là mình đến đây để làm gì rồi, cứ tưởng chừng như mình đang ở Việt Nam vậy.
Có một anh mời tôi uống nước dừa, dừa vừa hái từ trên cây xuống, nói thật, ở Thái mấy ngày rồi, đây là lần đầu tôi được uống nước dừa tươi. Tôi ra sau nhà ngồi cùng chị Ba vừa rửa rau vừa nói chuyện. Tuy mới gặp chị Ba lần đầu, nhưng dường như đã quen trước rồi, nên chị hỏi gì tôi cũng nói thật hết.
Ở bên ngoài các anh chị ở bên cạnh nhà đã tụ tập lại đầy đủ, mọi người ngồi uống trà và nói chuyện. Sau khi trò chuyện cùng chị Ba xong, tôi trở ra hỏi thăm về đời sống của các anh chị ở đây. Ðúng là ý trời khiến tôi đến đây thì phải. Nhưng anh chị ở nơi đây đều là những người đã từng đi vượt biên qua.
Tôi vẫn thường nghe nhiều người kể về chuyện “thuyền nhân” và tôi luôn nghĩ rằng những “thuyền nhân” luôn được đi định cư ở nước thứ 3. Nhưng các anh chị ở đây thì không. Họ là những người đã 2 lần bỏ nước ra đi. Họ đã có lần là thuyền nhân, và cũng có lần là người vượt biên bằng đường bộ. Họ đã có ít nhất 2 cuộc hành trình tìm tự do, nhưng dường như tự do đích thực chưa bao giờ đến với họ.
Với tôi những câu chuyện họ kể, trước đây tôi nào có biết gì đâu. Có lẽ vì tôi không theo dõi thời sự hoặc là hồi nào đến giờ tôi không quan tâm đến những sự việc này và giờ đây gặp rồi mới biết... Thật tình lúc đến đây, lòng tôi còn thương nhớ Việt Nam nhiều lắm, tôi còn ước ao được trở lại Việt Nam thăm các em mồ côi, và những dân làng nghèo, nhưng bỗng dưng tôi lại thấy lòng mình như có chút niềm an ủi mới, vì những người ở đây họ không có gì khác hơn là tình thương giữa người và người, tôi cảm nhận được điều đó, qua bữa ăn đơn sơ, mướp xào, canh chua rau muống, món canh chua mà nấu bằng những trái me, và rau muống ở sau vườn, mỗi một thứ đều mang đầy tình cảm.
Tôi có dịp được lôi ra sau vườn, nhìn những ngọn cải xanh, với tôi thì đầy thú vị, vì ở Na Uy hiếm có khi tôi được nhìn thấy cảnh này, nhưng với các anh chị ở đây thì khác hẳn. Vì rau là thức ăn quanh năm của các anh chị. Như chị 3 nói, “qua bên kia bờ ao là có một nồi canh rồi” ở đây ngoài rau muống, cải xanh thì còn có mồng tơi và bình bát, loại rau mọc tự nhiên và cũng nhờ đó mà các anh chị có thêm thức ăn.
Chị Năm cho biết, cuộc sống ở đây là vậy, tuy khổ, nhưng không bị áp lực tinh thần, tuy không biết ngày mai mình ra sao, nhưng tâm hồn mình vẫn còn hy vọng, hy vọng sống còn, và hy vọng có một ngày có được tự do thật sự, dù chị biết, tự do không hứa hẹn là khi nào sẽ đến với chị...
Và rồi những mẩu chuyện tiếp nối được kể ra, mỗi một người một câu chuyện khác nhau, hoàn cảnh có khác, thời điểm có khác, tuổi tác có khác, nhưng đều bi thương như nhau và cùng một con đường như nhau.
Tôi góp nhặt từng nỗi niềm, từng ánh mắt, từng lời của người kể, giờ đây với tôi những chuyện của họ đã theo tôi trong cuộc hành trình trở về nước, giờ ngồi nghĩ lại, tôi không làm sao quên được.
Tôi buồn, tôi thương cho hoàn cảnh của mọi người và tôi nhớ những ngày ở bên các anh chị nhiều lắm. Tôi nhớ bác N., nhớ ngày bác N. chở tôi trên chiếc xe máy cũ thật cũ, chiếc xe mà bác dùng để đi bán bong bóng mỗi buổi tối, bác nói, muốn kiếm sống là phải vậy đó, mặc dù sống lén lút, nhưng cũng phải ra ngoài để kiếm tiền, nếu không thì đâu có cơm ăn.
Tôi nhìn bác mà muốn rơi nước mắt, bác chở tôi đi xem cảnh chùa Thái, bác kể tôi nghe, câu chuyện của bác, tôi đoán chắc bác N. cũng đã gần 60 tuổi rồi, bác chỉ có 1 chân, cái chân kia đã mất cách đây gần 40 năm rồi, từ ngày gặp bác tôi không làm sao quên được hình ảnh bác, nhớ lúc chia tay, bác tặng tôi một cái bong bóng hình con rồng, bác nói, bác không có gì để tặng tôi làm kỷ niệm, bác mong tôi được khỏe mạnh, và mong có dịp tôi ghé thăm bác lâu hơn để bác có thể đưa tôi đi xem xóm chợ, và những ngôi chùa ở vùng quê này. Tôi hứa với bác, sẽ có ngày tôi trở lại thăm bác, và ngày đó chắc sẽ không xa lắm đâu.

Làm bong bóng bán để mưu sinh là việc của bác N., một người tị nạn mỏi mòn chờ đi định cư ở một nước thứ ba. (Hình: Mi Vân)
Giờ đây ngồi viết những dòng chữ về bác, tôi không làm sao ngăn được dòng nước mắt, tôi luôn nghĩ về bác, ở một phương trời xa thật xa, tôi hình dung được hình dáng của bác và chiếc xe bán bong bóng. Tôi cảm nhận được sự chờ đợi của bác hơn 30 năm qua, bác vẫn nuôi còn niềm tin và hy vọng, dù ngày tháng trôi qua mãi, nhưng niềm hy vọng của bác vẫn còn. Tôi cầu mong bác đến được đất nước thứ 3, tôi cầu mong bác được hưởng tuổi già trong niềm vui mà bác đã chờ đợi bao nhiêu năm qua.
Cần có tự do, làm sao để giúp bây giờ?
Tôi luôn tìm nghĩ xem mình có thể làm gì để giúp các anh chị, mấy bao gạo, thức ăn hay vật dụng trong nhà cũng chỉ là việc trước mắt, vì ước mơ lớn nhất của các anh chị là có thể được đi định cư ở nước thứ 3. Tôi là một người không hiểu biết gì về việc này, nên tôi không dám hứa gì hết. Nhưng tôi mong rằng có thể từ từ kể lại những gì tôi góp nhặt được ở Bangkok, tôi sẽ viết lại từ từ, từ câu chuyện một, tôi mong rằng có ai đó cảm được và có thể đưa đường chỉ lối cho tôi để giúp những anh chị ở đây. Hồi nào đến giờ, tôi nghĩ mọi thứ rất đơn giản, cứ nghĩ người ta cần xe lăn thì mình giúp xe lăn, người ta cần gạo thì mình cho gạo, người ta cần nước thì mình đào giếng, nhưng giờ đây tôi gặp phải một thử thách mới, các anh chị ở đây cần có tự do, tôi làm sao để giúp bây giờ?
Hai tuần trôi qua, tôi không làm sao có được giấc ngủ yên, có những lúc đi làm về, dù mệt mỏi cách mấy, tôi vẫn biết mình có nhà để về, có cái giường nệm để ngủ, nhưng còn các anh chị, nhà thật sự không biết ở đâu, quê hương có nhưng không về được. Cuộc sống thì không biết mai đây sẽ ra sao, tôi thầm nghĩ mà thấy mình may mắn quá, tôi ước gì có thể chia đi một phần trong cuộc sống của mình cho mọi người.

No comments:

Post a Comment