Tác giả: Đàn Chim Việt
Bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán nước cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã từ chối gia hạn hay cấp mới hộ chiếu cho công dân Việt Nam ông Đỗ Xuân Cang vì những hoạt động đòi hỏi dân chủ của ông.
Ông Cang cho biết, ông đã 2 lần tới Đại sứ quán tại Praha để giải quyết những thủ tục liên quan tới cuốn hộ chiếu sắp hết hạn của mình nhưng đều bị từ chối.
Không văn bản
Hộ chiếu của Đỗ Xuân Cang có thời hạn 3 năm và sẽ hết hạn vào ngày 24/11/2011 nhưng bộ phận lãnh sự trả lời rằng, họ sẽ không làm bất kỳ thủ tục nào cho ông vì những hoạt động “tuyên truyền chống đảng và nhà nước” của ông trong thời gian qua.
Theo lời viên lãnh sự thì “đây là lệnh từ trong nước”. Tuy nhiên, nhân viên này sự từ chối cho ông Cang xem văn bản của nhà nước Việt Nam liên quan ra sao. Viên Lãnh sự Hoàng Mạnh Tuấn chỉ chìa một tờ giấy ở cự ly xa, không có đóng dấu, được cho là trong nước gửi ra có nội dung liên quan tới việc cấp đổi gia hạn hộ chiếu cho Đỗ Xuân Cang.
Để có thể tiếp tục xin cư trú trên lãnh thổ Séc, ông Cang cần có một văn bản từ chối cấp hộ chiếu của phía Việt Nam, nhưng cho tới nay, sau vài lần đi lại, ông vẫn chỉ luôn nhận được câu trả lời miệng, ngay cả bức thư phản đối của ông gửi tới Đại sứ quán cũng không có ai ở đây dám ký nhận. Trong bức thư đó, Đỗ Xuân Cang viện dẫn điều 22 của nghị định Nghị định 136/2007/NĐ-CP về quyền được trả lời bằng văn bản như sau:
Điều 22.
…………….
3. Cơ quan nào quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh.
4. Người quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.“
Ra điều kiện
Thực ra, quyển hộ chiếu của Đỗ Xuân Cang sẽ được giải quyết một cách kết sức đơn giản và dễ dàng nếu ông chịu ký cam kết từ bỏ những việc mình làm, từ bỏ những đòi hỏi dân chủ, nhưng ông Cang đã không chấp nhận sự đổi chác như vậy, mà cho rằng, quyền bày tỏ quan điểm là của mỗi cá nhân. “Tôi không thể hy sinh những quyền cơ bản của một con người chỉ để đổi lấy tấm hộ chiếu“- ông khẳng định.
Ba năm trước, Đỗ Xuân Cang đã từng gặp khó khăn tương tự nhưng sau nhiều nỗ lực tranh đấu, cơ quan ngoại giao ở đây đã cấp tiếp cho ông quyển hộ chiếu có giá trị 3 năm.
Việc ra điều kiện như vậy cũng từng xảy ra với những người hoạt động khác ở đông Âu. Điển hình là trường hợp của Tôn Vân Anh ở Ba Lan. Cô đã được Tổng thống Ba Lan đặc cách trao quốc tịch Ba Lan hồi đầu năm nay.
‘Sẽ biểu tình tới cùng’
Đương sự cho biết, đang chuẩn bị các biểu ngữ, bằng 3 thứ tiếng Anh, Việt, Séc và sẽ biểu tình trước cửa Đại sứ quán Séc vào tuần tới. Ông Cang thể hiện quyết tâm: “Tôi sẽ làm tới cùng, dù một mình tôi cũng sẽ đứng biểu tình và sẽ kêu gọi sự giúp đỡ, vào cuộc của các cơ quan truyền thông Séc”.
Hiện ông đã gửi thư tới một số cơ quan báo chí của Cộng hòa Séc cũng như đã gửi nội dung bức thư này tới Đại sứ quán Việt Nam tại Praha.
Ngoài ra, ông cho biết, sẽ rải tờ rơi bằng tiếng Việt và tiếng Séc tại các trung tâm buôn bán của người Việt cũng như các trụ sở, nơi làm việc của các cơ quan công quyền nước sở tại. Việc tranh đấu, theo ông, là để đánh động dư luận xã hội về việc làm tùy tiện, vô pháp luật của cơ quan ngoại giao Việt Nam, chứ không hẳn chỉ vì bản thân mình.
© Đàn Chim Việt