Ngoài đồng lương eo hẹp, nhiều công nhân (CN) tại TP.HCM luôn đối mặt với việc quyền lợi chính đáng của họ bị chủ doanh nghiệp (DN) ngang nhiên chiếm đoạt.
Trắng đêm đòi nợCơn mưa lớn vào tối 31.10 đã gây ngập nhiều tuyến đường ở TP.HCM. Chiếc bóng đèn điện vừa mới câu móc tạm bợ cứ chập chờn. Hàng chục CN và con cái của họ chen chúc ở một góc phòng bảo vệ giữa màn đêm xung quanh tối mịt mùng. Tiếng đập muỗi liên hồi phát ra từ những tấm giấy cạc-tông thi thoảng làm cho mấy đứa trẻ giật mình. Rồi tất cả mọi người đều nín lặng vì mỏi mệt.
Nợ đọng BHXH liên tục tăng Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2011, DN nợ tiền BHXH của người lao động (chủ yếu là CN) lên tới hơn 4.338 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với 9 tháng cùng kỳ 2010. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lợi hàng vạn CN ngang nhiên bị xâm hại. TP.HCM là địa phương có số dư nợ bảo hiểm lớn nhất với hơn 1.120 tỉ đồng. Trong số hàng trăm vụ kiện nợ đọng tiền bảo hiểm, bình quân kết quả thu hồi chỉ đạt khoảng 50%. |
Gặp chúng tôi, chị Sài cầm trên tay xấp phiếu lương, ngậm ngùi nói về khoản thu nhập một tháng chưa đến 2 triệu đồng của mình: “Tháng này tôi đã chịu khó tăng ca rồi nhưng thu nhập cũng chừng ấy thôi. Khi tăng ca, công ty hỗ trợ thêm mỗi suất ăn khoảng 2.000 đồng. Tháng nào anh chị em CN cũng bị trừ tiền bảo hiểm và cả phí công đoàn hàng trăm ngàn. Vậy mà giờ không được nhận một đồng nào. Lấy gì sống đây!”.
Hơn 5 năm rời quê Nghi Lộc (Nghệ An) lưu lạc vào TP.HCM làm CN, Bình đã có thâm niên gần 3 năm gắn bó với Miso Vina. Bị chủ bỏ rơi, Bình chua chát: “Tụi em giờ đang chới với, không biết bấu víu vào ai. Mọi người cứ thay phiên nhau túc trực đòi tiền lương, bảo hiểm suốt ngày đêm. Cả tuần đầu tiên khi có đèn cầy thì thắp trong phòng bảo vệ cho CN nữ và con cái nằm ngủ. CN nam gom rác, lượm củi khô đốt lên để hạn chế bớt muỗi rồi trải ni-lông ra giữa sân công ty để ngủ. Dù rất bi đát nhưng mọi người không thể làm gì khác ngoài hết nằm lại ngồi lay lắt để chờ cơ quan chức năng đến can thiệp”.
Chủ DN “biến mất” nên Bình cũng như nhiều CN khác đều không được xác nhận là mất việc để đi làm thủ tục nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Việc chốt sổ bảo hiểm theo quy định buộc phải thông qua người sử dụng lao động nên giờ cũng không thể tiến hành được.
CN Miso Vina vạ vật chờ lương suốt ngày đêm (ảnh chụp đêm 31.10.2011) - Ảnh: Giang Phương |
Từ đầu năm 2011 đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn Q.Bình Tân đã xảy ra 35 vụ ngừng việc tập thể, trong đó có 17 vụ ở các DN vốn nước ngoài mà nguyên nhân chủ yếu là do nợ lương, bảo hiểm, tăng ca bất hợp lý...
Xử lý nghiêm DN trốn đóng BHXH Trước tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài tại các DN gây thiệt thòi quyền lợi của người lao động, ngày 31.10, Bộ LĐ-TB-XH đã có công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật BHXH. Trong đó, tập trung, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các DN trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài. |
Quyền lợi bị chiếm đoạt
Cuộc làm việc giữa các ban ngành liên quan của TP.HCM với Ban Tuyên giáo T.Ư về đời sống CN ở các khu chế xuất, khu công nghiệp mới đây đã đề cập đến thực trạng chủ DN là người nước ngoài bỏ trốn khiến CN gặp nhiều khốn khó. Song, hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý hoặc ngăn chặn triệt để. Sau khi đã thuê nhà xưởng, máy móc…, họ chỉ biết tận dụng công sức lao động của CN trong khi lại trả mức lương không tương xứng. Lúc hoạt động không hiệu quả thì cứ vô tư... trốn, bỏ mặc CN.
Ngày 1.11, ông Nguyễn Đăng Tiến - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, bức xúc: “Khi xác minh điều kiện thi hành án trong các vụ kiện nợ tiền bảo hiểm của người lao động tại nhiều DN, thì tài sản hầu như không có gì giá trị, nếu có thì đã thế chấp ngân hàng. Kiểm tra tài khoản ngân hàng lại không có số dư nên không kê biên được”.
Hành vi chiếm đoạt những quyền lợi thiết yếu của CN như các loại tiền bảo hiểm đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Ông Tiến cho rằng, khởi kiện hiện là giải pháp cuối cùng nhưng người lao động vẫn bị xâm hại quyền lợi. Nguyên nhân là các điều luật chưa đủ sức răn đe. Mức xử phạt theo Nghị định 86/2010 của Chính phủ quá nhẹ (tối đa không quá 30 triệu đồng). “Chúng tôi đang kiến nghị mức xử phạt ít nhất từ 20 - 30% số tiền phải nộp, cao nhất là 500 triệu đồng/lần xử phạt. Nếu mức cao nhất về tiền không thực hiện thì rút giấy phép vì DN càng tồn tại, người lao động càng bị xâm hại quyền lợi. Bên cạnh đó còn nghiên cứu đề xuất biện pháp xử lý hình sự chủ sử dụng lao động nếu vi phạm”, ông Tiến cho biết.
No comments:
Post a Comment