Theo Báo PLTP.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần bật đèn xanh và có hành lang pháp lý cụ thể để công khai nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Hiện tượng các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) bán tháo dự án, giảm giá căn hộ gây sốc hiện nay được giới phân tích tài chính cho rằng nguyên nhân chính là do xuất phát từ việc ngân hàng siết nợ. Tuy nhiên, điều gây lo lắng là hiện nay nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang gia tăng và điều này dự báo sắp tới sẽ có hàng loạt DN, nhất là giới đầu tư địa ốc sẽ phải cắt lỗ, giảm giá bán nữa để trả nợ vay.
Lỗ cũng phải bán mà trả nợ
Sự kiện Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) bán lỗ vốn 70 tỉ đồng 85 căn hộ Petro Viet Nam Landmark (quận 2, TP.HCM) được chính DN thừa nhận là do áp lực phải trả lãi vay 100 tỉ đồng từ Ngân hàng Liên Việt.
Theo hợp đồng vay vốn, nếu đến hạn ngày 23-11 mà PVL không trả thì lãi suất, gồm lãi phạt, lãi gộp thanh toán lên 40%/năm. Đối diện với lãi suất tăng khủng khiếp nên dù chưa đến hạn PVL buộc chấp nhận lỗ, bán căn hộ giảm giá gần 35% để thu hồi vốn trả nợ vay.
Theo thông tin từ các sàn giao dịch (từng làm môi giới bán hàng cho PVL) thì tổng cộng PVL đầu tư 139 căn hộ Petro Viet Nam Landmark và đã bán được gần 52 căn ra thị trường. Cũng vì ngân hàng siết nợ nên một tháng trước ngày công bố công khai việc lỗ này PVL đã thu hồi luôn những căn hộ đã bán với giá trên 20 triệu đồng/m2 về để làm lại chiến lược giá.
Sở dĩ PVL buộc công khai áp lực bị siết nợ như trên, chấp nhận tiếng xấu vì công ty này đã niêm yết trên sàn. Còn theo các công ty nghiên cứu BĐS như Savill, CBRE… thì đã có hàng loạt DN BĐS trong nước buộc bán dự án cho nước ngoài vì áp lực lãi vay tín dụng đến hạn phải trả.
Hàng loạt ngân hàng báo lãi khủng trong khi DN oằn lưng trả nợ lãi vay. Ảnh: MT
Nợ xấu gia tăng
Theo thông lệ lâu nay, DN BĐS phát triển dự án từ vài trăm tỉ đồng đến hàng ngàn tỉ đồng thì cơ cấu vốn vay tín dụng chiếm khoảng 60%-75% nguồn vốn triển khai dự án, phần còn lại là huy động vốn góp của người mua nhà.
Do vậy áp lực trả nợ đang đè các DN BĐS, nhất là khi thị trường quá xấu không bán được sản phẩm và vay mới không được.
Điều lo ngại về nợ xấu này có cơ sở khi rà trong báo cáo tài chính riêng lẻ quý III của tám ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn. Thống kê tổng nợ xấu của tám ngân hàng (VietinBank, Vietcombank, ACB, Sacombank, Eximbank, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt) tại thời điểm 30-9-2011 đã lên tới gần 15.018 tỉ đồng.
Theo Quyết định 493 của NHNN, định nghĩa nợ xấu là các khoản nợ thuộc các nhóm ba (nợ dưới tiêu chuẩn), nợ nhóm bốn (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm năm (nợ có khả năng mất vốn). Căn cứ theo quyết định này thì Vietcombank có nợ xấu cao nhất lên đến 3,9%, kế tiếp là Nam Việt (2,8%), Nhà Hà Nội (2,8%) và Sacombank có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất (0,6%).
Điều lo lắng hơn là tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng này so với thời điểm cuối năm 2010 đã gia tăng khá nhanh. Ví dụ như Ngân hàng Vietinbank cuối năm 2010 tỉ lệ nợ xấu là 0,7% thì đến tháng 9-2011 lên đến 1,4%.
Còn nếu xét ở nhóm nợ có khả năng mất vốn và ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro 100% thì tám ngân hàng trên có tỉ lệ nợ có khả năng mất vốn đến 8.293 tỉ đồng.
Một vấn đề khác cũng làm các ngân hàng đau đầu đó là rủi ro về thanh khoản. Hiện tại ở thị trường một (huy động vốn từ cá nhân, DN) các ngân hàng chỉ huy động được tiền gửi với kỳ hạn ngắn từ một đến ba tháng. Trong khi đó cho vay thường là các khoản vay trung và dài dạn, từ một năm trở lên.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính của Ngân hàng Nam Việt cung cấp thì đến 91,76% tiền gửi của khách hàng là các khoản tiền gửi dưới một năm trong đó 25,17% là tiền gửi dưới một tháng, 66,35% là tiền gửi từ một đến sáu tháng, không có khoản tiền gửi nào trên năm năm.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội cũng ở tình trạng tương tự khi có 99,85% khoản tiền gửi đến hạn của khách hàng là tiền gửi dưới một năm trong đó tiền gửi dưới một tháng chiếm tới 71,7%.
Còn ngân hàng đi vay ở thị trường hai (ngân hàng cho vay lẫn nhau) nhiều ngân hàng nhỏ đã phải bấm bụng vay ngân hàng lớn với lãi suất gần 30%.
Mạnh dạn công khai nợ xấu
Chuyên gia Bùi Văn, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fullright thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng đã đến lúc cần minh bạch các khoản nợ xấu trong hệ thống và ngân hàng. Nhà nước nên bật đèn xanh cho việc này. Ông Văn nhận định với bối cảnh như hiện nay phải có áp lực từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, từ Thủ tướng Chính phủ… thì nợ xấu trong ngân hàng mới dần công khai.
“Đã có một nhóm chuyên gia kinh tế đề xuất phải công khai nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng sau khi công khai nợ xấu thì NHNN sẽ bơm tiền mua lại các khoản nợ này, NHNN khoanh lại và nếu ngân hàng hoạt động hiệu quả thì khoản nợ xấu do NHNN mua này trở thành cổ phần. Còn một khi đã khoanh vùng nợ xấu mà ngân hàng thương mại lại để phát sinh nợ xấu khác thì NHNN sẽ mạnh tay xử lý” – ông Văn cho biết.
Cá nhân gửi tiền yên tâm Trong bất cứ trường hợp nào, dù ngân hàng là nhỏ hay ngân hàng lớn, nợ nhiều hay nợ ít, kể cả trong trường hợp ngân hàng buộc phải phá sản thì những người gửi tiền vẫn có thể yên tâm. Bởi vì bảo hiểm tiền gửi sẽ thay mặt ngân hàng, thay mặt Chính phủ để trả tiền cho người gửi tiền theo đúng quy định. Như vậy dựa vào số lượng tiền gửi nhiều hay ít, bảo hiểm tiền gửi sẽ trả cho người dân. TS NGUYỄN MẠNH DŨNG, Phó Tổng Giám đốc Bảo Hiểm Tiền gửi Việt Nam Nợ xấu không chỉ có ở BĐS, chứng khoán…Điều đáng sợ hơn về nợ xấu hiện nay có thể lại nằm ở chỗ các công ty BĐS, chứng khoán không có khả năng trả nợ mà ngay cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng có. Có thể DN đầu tư quy mô sản xuất quá lớn mà thị trường lại không phát triển tương xứng. Đầu tư lớn nhưng thu về thấp sẽ dẫn đến không trả được nợ cho ngân hàng. Một chuyên gia thuộc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM Yên Trang ghi |
BÙI NHƠN
http://phapluattp.vn/20111102113154611p0c1014/no-xau-bao-vay-ngan-hang.htm
No comments:
Post a Comment