Tuesday, November 8, 2011

Việt Nam vẫn là một nước nghèo (1)

Ảnh minh họa


Vũ Ái Quốc
Thực tế là thế, vậy mà bao nhiêu năm nay Đảng vẫn xơi xơi kể công với dân, với nước. Thiết nghĩ cũng nên làm sáng tỏ thêm công lao trời biển của Đảng trong mấy chục năm Đảng giành quyền làm người dẫn lối, đưa đường.
“Việt Nam vẫn là nước nghèo”. Đó là lời tự thú của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đứng đầu chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44, diễn ra ngày 5/5/2011 ở Hà Nội. Chắc chắn, đó không phải là luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động và cũng chắc chắn không phải là “Báo cáo không khách quan dựa trên thông tin không đầy đủ, sai sự thật” của một cá nhân, tổ chức nào đó thiếu thiện chí với Việt Nam.
Những câu hỏi đặt ra sau lời tự thú của thủ tướng nẩy sinh trong tôi:
1. Vì sao sau gần 60 năm đi lên CNXH, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, nước vẫn chưa thấy được “Thiên đường” như hứa hẹn của Đảng. Không thấy được “Thiên đường” mà lại thấy một đất nước Việt Nam sau 36 năm hòa bình đến nay vẫn còn nghèo. Vì sao? Trách nhiệm này thuộc về ai?
2. Làm thế nào để nước ta thoát nghèo trở thành nước phát triển? Bắt đầu từ đâu? Đặt ra câu hỏi nhưng tôi không dám đi tìm câu trả lời, vì nghĩ rằng đó là việc của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, điều hành đất nước, không phải việc làm của một dân thường như tôi.
Gần đây, khi đọc bài: Đặng Lê Nguyên Vũ – Kẻ “vĩ cuồng” của tác giả Lưu Trọng Văn, một bài viết đã cung cấp nhiều thông tin giá trị. Nếu đúng như bài viết thì Vũ đúng là một nhân tài. Không những có tài, Vũ còn là người có tâm, có tầm, có khát vọng lớn, cao cả, cháy bỏng và đã làm được nhiều việc lớn, rất lớn cho đất nước. Những người như Vũ rất hiếm rất cần được xã hội bảo vệ như lời kêu gọi của tác giả.
Ngoài thông tin quý báu tôi thu nhận được ở trên, tôi còn bắt gặp ở bài viết các các câu hỏi và có cả phần lý giải các câu hỏi tương tự nói trên của tôi. Bởi vậy, tôi đã chăm chú đọc đi đọc lại. Cả bài viết rất hay, riêng phần lý giải các câu hỏi tương tự những câu hỏi tôi đặt ra cho mình thì tôi cảm thấy chưa thuyết phục lắm. Đây là điều tôi quan tâm và kỳ vọng nên tôi rất lấy làm tiếc. Vì cảm thấy chưa thuyết phục lắm nên tôi cũng đã cố đi tìm lấy câu trả lời riêng cho bản thân, hy vọng thỏa đáng hơn nhưng không biết có đúng không?. Xin mạnh dạn nêu lên đây để trao đổi, chia xẻ cùng những ai quan tâm. (Xin bạn đọc lưu ý là chỉ phần lý giải các câu hỏi tương tự những câu hỏi của tôi sau đây chưa thuyết phục lắm đối với tôi mà thôi.)
Theo tác giả, khi đi tìm nguyên nhân kìm hãm sự phát triển dân tộc ta, Vũ cho rằng: “Cái neo kìm hãm dân tộc là nền “văn hóa âm tính”. Chỉ mau chóng cải sửa nền “văn hóa âm tính” ấy, chuyển qua nền “văn hóa dương tính” hừng hực niềm đam mê sáng tạo và khát vọng thì đất nước mới phát triển hùng mạnh được…”. Bởi vậy, “Vũ vận động truyền thông, vận động các học giả, trí thức cổ vũ cho cuộc đổi mới trong giáo dục, lấy “giáo dục động lực” làm chủ thể”.
Nói như vậy, tôi hiểu rằng: nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước là do nền “văn hóa âm tính”. Nền “văn hóa âm tính” là do giáo dục mà có, nên muốn đất nước phát triển hùng mạnh thì phải đổi mới giáo dục, lấy “giáo dục động lực” làm chủ thể.
Còn theo tôi: Nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của một đất nước XHCN nói chung và của nước ta nói riêng là do đường lối không đúng, không tuân theo quy luật khách quan mà mang tính chủ quan độc đoán, không có tính khoa học. Đường lối không đúng thì không thể về đến đích sớm được, thậm chí không bao giờ về đến đích. Trách nhiệm hiển nhiên thuộc về người vạch đường, chỉ lối. Muốn đất nước phát triển hùng mạnh thì điều kiện tiên quyết là thay đổi đường lối chính trị. Giải pháp trên của Vũ chỉ đúng với điều kiện khi đất nước đó đã có đường lối chính trị đúng.

Thực tế đã chứng tỏ điều đó

Trước tiên, là thực tế về đất nước Triều Tiên. Trước Đại chiến Thế giới lần thứ II kết thúc năm 1945, Bắc Hàn và Nam Hàn là một quốc gia, có cùng điều kiện tự nhiên lịch sử phát triển, cùng nền chính trị, văn hóa, kinh tế, chủng tộc, vị trí địa lí… . Sau năm 1945, đất nước Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền Bắc Hàn và Nam Hàn, đi theo hai con đường chính trị khác nhau, Bắc Hàn đi lên CNXH, Nam Hàn đi lên TBCN. Sau hơn 60 năm, từ một xuất phát điểm như nhau, chỉ khác nhau ở đường lối, Bắc Hàn và Nam Hàn đã trở thành hai quốc gia hoàn toàn khác nhau, đối lập nhau, gần như ở 2 thái cực. Bắc Hàn hiện đang đứng bên bờ vực của nghèo đói, lạc hậu, tụt hậu, sống thoi thóp trông chờ vào sự cứu trợ, giới cầm quyền lấy dân làm con tin, ôm bom nguyên tử để tống tiền các quốc gia giàu có, văn minh trên thế giới. Trong khi đó Nam Hàn trở thành nước phát triển, giàu mạnh, văn minh, người dân của họ được làm người. Ngoài việc lo cho dân nước mình một cuộc sống no ấm họ còn là bạn hàng thường xuyên cứu trợ cho Bắc Hàn. Nếu xoay xở, vay mượn, thế chấp kiếm đủ số tiền để có được một suất đi “xuất khẩu lao động” ở Bắc Hàn hay Nam Hàn, bạn sẽ chọn đi làm thuê nước nào?
Qua thí dụ trên trên ta thấy ngay: Đường lối, thể chế chính trị đóng vai trò quyết định sự của phát triển của một quốc gia. Các yếu tố khác như kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và cả con người…đều chịu sự điều chỉnh của đường lối chính trị và do đường lối chính trị quyết định. Các yếu tố khác chỉ đóng vai trò hết sức quan trọng, nằm trong mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại với yếu tố đường lối chính trị. Thay đổi đường lối chính trị sẽ làm thay đổi tất cả, nhưng thay đổi một vài yếu tố trên chỉ cải thiện được một vài tình huống nhỏ lẻ, là giải pháp tình thế tạm thời, mang tính chắp vá, sửa chữa. Sửa chữa được chỗ này lại hỏng chổ khác không bao giờ hết, nó giống như việc sửa đường, thì hỏng đường điện, sửa đường điện thì hỏng đường ống nước như đã và đang diễn ra từ bao nhiêu năm nay ở các thành phố trên phạm vi cả nước.
Đi lên CNXH là đi lên đói nghèo, đi xuống lạc hậu đã được nhân loại kiểm định bằng thực tế chứ không phải chỉ trong lý thuyết. Hệ thống các nước CNXH trên thế giới gồm 14 nước, hình thành và phát triển từ năm 1945, đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã đồng loạt đột ngôt tự sụp đổ, mà không do “lực lượng thù địch nào phá hoại” và cũng không phải “do thiên tai”. Không giàu thì không mạnh, nghèo thì hèn, nghèo hèn quá mức thì tự đổ là tất yếu. Nếu có sức mạnh thật sự nhờ “năng suất lao động hơn hẳn, của cải, vật chất tuôn ra dào dạt, người dân làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu…” như tuyên truyền, quảng cáo thì CNXH sẽ nhanh chóng chiến thắng CNTB trong “cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa 2 con đường đi lên CNXH và TBCN”. Phe sụp đổ phải là phe CNTB giẫy chết mới đúng chứ? Thật là trớ trêu và nghịch lý!
Sau khi hệ thống CNXH sụp đổ, trên thế giới còn lại bốn nước vẫn kiên định với con đường đi lên CNXH là Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba và Việt Nam. Sau hơn 60 năm trung thành CNXH cả bốn nước này hiện nay ra sao?. Việt Nam vừa tự thú vẫn là nước nghèo, Cu Ba cũng vừa mới tự nhận đất nước đang trong tình trạng cấp cứu, Bắc Hàn cả đất nước như một trại tập trung, Trung Quốc tuy là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng dân số là 1,3 tỷ người chiếm gần một phần năm dân số thế giới. “Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thu nhập đầu người (GDP per capita) của Trung Quốc trong năm 2010 là 4.382 USD, so với của Mỹ là 47.284 USD”. Để có được thu nhập bình quân tính theo đầu người như nước Mỹ hiện nay, theo một nhà báo nổi tiếng Lê Diễn Đức thì phải mất một vạn mùa quýt nữa. Bao giờ cho đến “Thiên đường”?.
Từ thực tế trên, một lần nữa cần khẳng định rằng: Đi lên CNXH là đi lên đói nghèo, đi xuống lạc hậu. Đưa đất nước đi lên CNXH là đưa đất nước đến Nghèo – Hèn – Tụt hậu. Không bao giờ đạt được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Là một người dân bình thường như tôi cũng hiểu được thực tế hiển nhiên đó. Không lý gì mà các nhà tân trang, làm mới đường lối, các nhà cầm quyền điều hành đất nước và cả các học giả, các nhà nghiên cứu, tham mưu ở các vụ, viện, các nhà xưng tụng chuyên nghiệp v.v… cho đến hôm nay lại không biết? Biết nhưng vì Ngai vàng đầy quyền lực và bổng lộc, vì tham vọng ích kỷ bản thân và gia tộc, phe nhóm, chúng tìm mọi cách che đậy, bưng bít, ngụy biện để lừa bịp nhân dân. Họ thẳng tay đàn áp, bắt bớ, tống giam những người trung thực vô tội, chỉ vì dám nói lên sự thật bất lợi cho việc lừa bịp của họ, để tiếp tục giành quyền quyết định đường đi cho đất nước mà vốn là quyền của dân. Bắt nhân dân, bắt đất nước phải đi tiếp tục đi theo con đường dẫn đến bờ vực của nghèo – hèn mà họ muốn, để chúng được tiếp tục được ngồi trên Ngai vàng. Những việc làm của chúng là tội ác tày trời. Tội ác của chúng là “Tội ác cố tình chống lại nhân dân, làm lụn bại đất nước, chống lại văn minh”. Nhân dân, nhân loại, lịch sử sẽ không để cho họ làm mưa, làm gió lâu nữa, thực tế gần đây diễn ra trong nước và trên thế giới đã cho thấy điều đó.
Vì sao lại phải kiên định đi lên CNXH? Theo suy nghĩ của tôi, khi vạch ra con đường cho cách mạng Việt Nam, Đảng và Cụ Hồ ở thời điểm đó cũng có thể hy vọng một tương lai tốt đẹp cho dân, cho nước. Không ai nghĩ sẽ có kết cục tồi tệ như ngày hôm nay. Nếu biết có kết cục như ngày hôm nay hoặc sống đến ngày hôm nay, tôi nghĩ Cụ và những đảng viên yêu nước chân chính tham gia lựa chọn đường đi cho đất nước thời đó, cũng sẽ kiên quyết vứt bỏ con đường đi lên đói nghèo đầy xương máu và nước mắt này. Ngày nay, thực tế đã khẳng định con đường đó là sai lầm rành rành, ngay cả tại cái nôi sinh ra CNXH thì CNXH cũng không còn nữa.Vậy mà, ở một nước theo đuôi cộng sản như nước ta, những người thuộc lớp hậu sinh ngày nay, họ không có đóng góp gì đáng kể cho đất nước, những kẻ đã cướp thành quả cách mạng, lợi dụng uy tín, danh dự của Cụ và các bậc tiền bối lại ra sức ngụy biện, lừa dân tung hô khẩu hiệu “Kiên trì, trung thành với con đường đi lên CNXH mà Đảng và Bác đã lựa chọn” mà lẽ ra trong bối cảnh hiện nay, khi đường lối cũ bộc lộ sai lầm nghiêm trọng, họ không có khả năng đề ra được đường lối mới phù hợp cho dân tộc thì họ phải trưng cầu dân ý. Đã có nhiều nhà cách mạng lão thành, những danh tướng lừng lẫy có công lớn với cách mạng với Đảng, nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước chân chính muốn đóng góp ý kiến có lợi cho dân cho nước, lên tiếng can ngăn những việc làm hại dân, hại nước, nhưng họ phớt lờ. Bởi những lời góp ý vì dân, vì nước đó lại đi ngược lại với mục tiêu, quyền lợi cá nhân to lớn của họ.
Thực tế là thế, vậy mà bao nhiêu năm nay Đảng vẫn xơi xơi kể công với dân, với nước. Thiết nghĩ cũng nên làm sáng tỏ thêm công lao trời biển của Đảng trong mấy chục năm Đảng giành quyền làm người dẫn lối, đưa đường.
Gần 60 theo Đảng đi lên CNXH, người dân phải thắt lưng buộc bụng, phải hy sinh biết bao xương máu trong 2 cuộc kháng chiến “thần thánh”, để chỉ được tham gia những ngày ra trận vui như “trẩy hội”? để có được cuộc đời là cả “mùa xuân tươi tràn ánh sáng” như ngày hôm nay?. Nhờ có Đảng người dân mới được làm chủ, mà được làm chủ cả tập thể cơ đấy. Chỉ trong chế độ XHCH tốt đẹp này con người mới có được quyền làm chủ chưa từng có trong nhân loại là con được Đảng, chính quyền bảo vệ, bắt chỉ vào mặt cha đấu tố điêu theo “ý Đảng” trước dân làng. Nhờ có Đảng người dân nước ta mới có quyền tự hào với lý lịch 3 đời là bần cố nông, mà con cháu các nhà cầm quyền ngày nay như con cháu các ông Mạnh, ông Dũng, ông Trọng… làm sao mà dám mơ tới vinh hạnh này!. Con cháu các ông này may lắm thì kiếm được chút cơ hội phiêu bạt sang Pháp, sang Mỹ du học tự túc hoặc du học miễn phí là cùng. Chúng nó làm sao mà có được cơ hội học tập tử tế và được “Sống trên chính đất nước của mình”.
Sau này, chắc chắn chúng nó không thể “thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người” nên không thể “hiểu phần nào thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ” của đất nước. Chắc chắn không thể không có những sự “Ngộ nhận” đáng tiếc khi so sánh CNXH với CNTB. Sau cảnh báo của nhà báo nổi tiếng Qúy Thanh, chắc chắn sẽ có quan chức nếu thực sự trung thành với Đảng, phải tìm mọi cách đưa con, cháu của chúng về nước càng sớm càng tốt? Cũng nhờ có Đảng mới có ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/75, người dân miền Nam mới được mới được thưởng thức những món đặc sản của chế độ CNXH mang lại là Bo bo và Rau muống hằng ngày mà trước giải phóng họ không mấy khi biết đến. Cũng nhờ được giải phóng mới có hàng triệu người dân miền Nam có cơ hội vượt biển, vượt biên bỏ của chạy lấy người, để đến ngày hôm nay họ mới có được vinh hạnh trở thành “Việt kiều yêu nước”. Được Đảng và chính phủ ra sức mời chào, tiếp đón như những ông hoàng khi và chỉ khi nhìn thấy túi tiền xủng xỉnh của họ. Các nước láng giềng xung quanh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới không có Đảng nên làm gì có được những hạnh phúc nói trên, làm gì được vinh hạnh làm dân của một nước nghèo cho đến tận ngày hôm nay như con dân nước Việt.
Chưa hết, nói như giáo sư Ngô Bảo Châu khi trả lời phóng viên báo chí “Bám theo lề là việc làm của con cừu, không phải việc làm của con người tự do”. Đây là câu nói vô cùng thâm thúy và đầy bản lĩnh của một trí thức uyên bác đẳng cấp quốc tế. Nói như giáo sư, thử hỏi ở Việt Nam hiện nay có được bao nhiêu người, tỉ lệ bao nhiêu phần trăm người không bám theo lề? Chưa có một điều tra về vấn đề này, nhưng qua thông báo kết quả của “Ngày hội non sông” mới đây, kết quả đi bầu cử, kết quả trúng cử con số lên đến trên 9.9…%, thành công tốt đẹp. Điều đó, cũng suy ra được tỉ lệ người bám theo lề và phải bám theo lề trên cả nước hiện nay không dưới 80%. Như vậy, phần lớn người dân của đất nước này đã thành cừu mất rồi còn gì? Đó không phải là công lao to lớn của Đảng hay sao? Sao chưa thấy Đảng kể công?. Thử hỏi trên thế giới đã có bầy cừu nào lại có được “văn hóa dương tính” “hừng hực niềm đam mê sáng tạo và khát vọng” mà hy vọng nhờ sự đổi mới giáo dục?.
“Những anh hùng làm nên niềm tự hào, làm nên sức mạnh dân tộc mình, như nước Nhật có Toyota, Sony, nước Hàn có Sam Sung, LG, Hoa Kỳ có Microsoft vv…” mà Vũ mơ ước, được sinh ra và được nuôi dưỡng từ những bầy cừu chắc? Nói thẳng ra, muốn có “văn hóa dương tính” ở nước ta hiện nay thì trước tiên Đảng phải cởi trói cho cừu, đưa cừu trở lại thành người trước, sau đó rồi mới dùng giáo dục làm động lực xây dựng một nền “văn hóa dương tính” thì mới đúng quy luật. Tôi nghĩ như vậy không biết có đúng không? Nếu sai mong quý vị bỏ qua xem như tôi chưa viết. Rất mong sự trao đổi của các quý vị.
Để thấy rõ hơn vấn đề và cũng là để tạm kết thúc phần này, tôi xin nêu ra tình huống giả định: Nếu ngày ấy không có Đảng. Đất nước của chúng ta sẽ ra sao? Nếu không có ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/75. Hai miền Nam – Bắc nước ta sẽ ra sao? Mỗi người trong chúng ta có quyền tưởng tượng và tìm ra câu trả lời cho mình.
Xin cảm ơn Qúy vị đã giành thời gian đọc bài viết đầu tiên trong đời này của tôi.
(Còn nữa)
Sài Gòn, 6/2011

No comments:

Post a Comment