5/11/2011
(Toquoc)-Trung Quốc vẫn chưa thoát được thái độ cậy mạnh hiếp yếu trong quan hệ với các nước láng giềng trong vấn đề Biển Đông.
Việc tờ Thời báo Hoàn cầu tuyên bố: Những nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nên “chuẩn bị tinh thần để nghe tiếng đại bác” nếu họ vẫn tiếp tục đối đầu với Bắc Kinh; “chúng ta cần sẵn sàng cho điều đó, vì đây có thể là cách duy nhất để giải quyết tranh chấp”, đã gây phản cảm trong dư luận thế giới, mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc có cải chính việc này.
Jakarta Post ngày- 1/11 nhận xét: Tuần trước, một hãng tin chính thức của Trung Quốc - Global Times (Thời báo Hoàn cầu) đưa tuyên bố với lời đe dọa các nước giáp Biển Đông khiến nhiều người khó chịu và buộc phải nghĩ tới mối quan ngại rằng Trung Quốc là một mối đe dọa có thực đối với an ninh khu vực. Chuyên gia quan hệ quốc tế của Trường Đại học Indonesia, Haryadi Wirawan đặt câu hỏi, phải chăng TQ đang chuẩn bị một cuộc xung đột mới trong khu vực bằng cách đưa ra tuyên bố mạnh mẽ như vậy, bởi Trung Quốc đang cảm thấy bị các quốc gia chịu ảnh hưởng của phương Tây bao vây, Đài Loan đã đặt tên lửa khắp nước, còn Philippines và Việt Nam tăng cường liên minh. Ông Haryadi cho rằng Indonesia cần đóng vai trò cầu nối bằng cách cử quan chức thăm Trung Quốc và yêu cầu nước này làm rõ tuyên bố trên. Những gì được Indonesia làm tại Myanmar có thể áp dụng ngay tại Trung Quốc và các nước khác. Đối thoại, chứ không phải các tuyên bố, mới là quan trọng.
Hải quân Trung Quốc tăng cường sức mạnh
Chuyên gia luật biển, Hasjim Djalal không nghĩ một mối đe dọa như vậy sẽ được thực hiện bởi nó sẽ gây bất ổn cho khu vực và chỉ làm nảy sinh những hệ lụy không mong muốn. Tuy nhiên, ông cũng gạt bỏ bất kỳ mối đe dọa thực sự nào từ Trung Quốc bởi các nhà lãnh đạo cấp cao nhất vẫn duy trì liên lạc. Indonesia cần tích cực tạo điều kiện cho một cuộc hội thảo nhằm tăng cường hợp tác và xây dựng lòng tin.
Một chuyên gia khác của Trường Đại học Indonesia, Makmur Keliat cho rằng, mặc dù Trung Quốc cảm thấy có đủ bằng chứng để hỗ trợ tuyên bố của mình, nhưng Bắc Kinh sẽ phải suy nghĩ chín chắn trước khi tuyên bố các biện pháp đơn phương chống lại các nước láng giềng. Chúng ta cần chấp nhận một thực tế, Trung Quốc không tĩnh, nhưng về điểm này, Trung Quốc cần phải minh bạch về khả năng quân sự. Nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia (PDI-P) cho biết, Indonesia phải đóng vai trò trong việc thuyết phục Trung Quốc ôn hòa hơn trong giải quyết tranh chấp với các nước trong khu vực.
Phản đối Nhật Bản tham dự vào Biển Đông
Thời báo Hoàn Cầu ngày 1/11 có bài xã luận tựa đề “Thủ tướng Nhật can thiệp vào tranh chấp trên biển”. Nội dung chính như sau:
Ngày 31/10, các nhà phân tích Trung Quốc đã phản đối những lời cáo buộc của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda về Trung Quốc là vô căn cứ. Ông Noda đã cho biết, việc Trung Quốc ngày càng tăng các hoạt động tại biển Hoa Đông và Biển Đông đã tạo sự bất ổn đối với an ninh của Nhật Bản, trước khi chỉ trích sự thiếu minh bạch trong phát triển quân sự Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Thời báo Kinh tế , ông Noda đã kêu gọi các bên liên quan cùng phối hợp để thuyết phục giới quân sự theo đường lối ngày càng cứng rắn của Trung Quốc tuân thủ các quy định biển chung. “Chúng tôi sẽ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ quy định tại tất cả các cuộc gặp ở mọi cấp độ và điều quan trọng là cần tạo môi trường nơi Trung Quốc sẽ có đóng góp tích cực đối với hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Liu Jiangyong, Phó Giám đốc của Viện quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, đã phát biểu với tờ thời báo Hoàn Cầu rằng: (1) Những bình luận của ông Noda là hoàn toàn vô căn cứ bởi chính sách nhất quán của chính phủ Trung Quốc là giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng thông qua các biện pháp hòa bình; (2) Nhật Bản không có quyền dạy Trung Quốc cách giải quyết các tranh chấp tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) giữa Trung Quốc với các nước khác trong khu vực; (3) Lợi ích ngày càng tăng của Nhật Bản tại Biển Nam Trung Hoa bắt nguồn từ chính sách “chia rẽ Trung Quốc” của Nhật Bản với đặc điểm là tạo sự phụ thuộc kinh tế và gây mất niềm tin về chính trị.
Thủ tướng Nhật Bản cũng tỏ hy vọng thảo luận vấn đề này tại cấp cao Đông Á ở Bali vào tháng tới khi ông nhấn mạnh với tờ Thời báo kinh tế rằng Nhật Bản muốn quan hệ đối tác chiến lược thành công với Trung Quốc nhưng lại luôn phàn nàn rằng việc thiếu minh bạch “đáng tiếc” trong sự phát triển quân sự Trung Quốc.
Những lời cáo buộc của ông Noda diễn ra khi Tokyo và Hà Nội nhất trí khai thác chung đất hiếm vào ngày 31/10 trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đang ở thăm Nhật Bản.
Trung Quốc gián tiếp đe dọa tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon
Hãng tin RFI bình luận về việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 31/10 cảnh cáo các công ty nước ngoài không được quyền thăm dò và khai thác tại các vùng thuộc chủ quyền của Bắc Kinh, một tuần sau khi tập đoàn Mỹ Exxon Mobil loan báo đã tìm thấy dầu khí ở ngoài khơi Đà Nẵng, Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc gây áp lực “cấm” các công ty nước ngoài làm ăn với Việt Nam. Chính sách hù dọa của TQ xuyên suốt ít nhất là từ năm 2007 đến nay. Tháng 7/2008, báo chí Hong Kong tiết lộ: Bắc Kinh đã cảnh cáo tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil là nên từ bỏ hợp đồng khai thác dầu khí với Việt Nam tại hai lô 135 và 136 trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam ở Biển Đông, nói rằng điều đó vi phạm chủ quyền Trung Quốc. Thông qua các nhà ngoại giao của họ tại Washington, Bắc Kinh đã nhiều lần đe dọa, quyền lợi của Exxon tại Trung Quốc có thể bị tổn hại nếu không tuân lệnh.
Ngoài Exxon, vào năm 2007, cũng với luận điểm bảo vệ chủ quyền, Trung Quốc đã thành công trong việc phá hủy hợp đồng giữa Việt Nam và tập đoàn Anh Quốc British Petroleum (BP) tại lô 5-2 và 5-3 ở vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và hải phận của Việt Nam. Viện cớ khu vực bị căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền, BP đã đình chỉ kế hoạch thăm dò, trước khi bỏ hẳn hai năm sau. Mới đây, BP đã bán lại toàn bộ cổ phần của họ trong các dự án khai thác ngoài khơi Việt Nam. Nhưng Exxon cứng rắn hơn BP trong việc chống lại áp lực của Bắc Kinh.
Các vụ gây sức ép kể trên đã bị chính quyền Mỹ nhiều lần công khai phản đối nhân các cuộc điều trần ở Thượng viện Hoa Kỳ, hay trên các diễn đàn an ninh quốc tế, xem đây là những vụ vi phạm trắng trợn quyền tự do kinh doanh.
Ngoài các tập đoàn Anh, Mỹ, công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh cũng bị Trung Quốc hù dọa. Mới đây, Bắc Kinh đã chính thức gửi công hàm phản đối New Delhi về đề án thăm dò tại hai lô 127 và 128, cũng ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam, trong lúc một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng, bất cứ một công ty ngoại quốc nào tham gia vào các hoạt động khai thác dầu khí trong những vùng thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc, mà không được phép của Trung Quốc, đều vi phạm chủ quyền cũng như quyền lợi của Trung Quốc.
Thế nhưng, như hầu hết các quan sát viên quốc tế - ngoại trừ các “chuyên gia” Trung Quốc - đều ghi nhận, đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng Biển Đông vừa mơ hồ, vừa rộng khắp.
Mỹ - Singapo tập trận tại Biển Đông tháng 8-2011
Michael Richardson, chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu ĐNÁ Singapore, trên báo The Straits Times xuất bản ở Singapore ngày 31/10, đã không nói gì khác hơn khi cho rằng: “Trung Quốc đã đăng ký với Liên hợp quốc đòi hỏi chủ quyền của họ trên 80% vùng Biển Đông. Tuy nhiên, tấm bản đồ chính thức ghi lại các đòi hỏi lại không có tọa độ cụ thể. Và Trung Quốc cũng không nói rõ là có phải là họ đòi làm chủ mọi nguồn dầu khí dưới đáy vùng biển bên trong các đường gián đoạn trên tấm bản đồ của họ hay không”.
QT (theo các báo và thông tấn nước ngoài)
No comments:
Post a Comment