Vũ Đông Hà (danlambao) - Lúc ấy, Hạnh 24 tuổi, tuổi của Cô Giang khi vị anh thư đầy khí phách của ngày Yên Bái tự kết liễu đời mình vào một buổi sáng mờ sương bên gốc cây Đề của làng Thổ Tang...
Hạnh sinh vào ngày 13 tháng 3 năm 1985 tại Di Linh, Lâm Đồng. Lớn lên ở vùng núi đồi cao nguyên Hạnh là người con hiếu thảo, một người bạn được mọi người quý mến và một học sinh giỏi. Là người sinh ra và lớn lên trong môi trường XHCN, Hạnh cũng như nhiều bạn bè học sinh trung học khác bị che khuất bởi màn đêm bưng bít thông tin và tuyên truyền một chiều của đảng và nhà nước. Cho đến khi về Sài Gòn, trong khuôn viên Đại học, Hạnh mới tiếp cận những luồng thông tin khác nhau, nhận thức được thực trạng của đất nước và tình trạng quyền làm người.
Nhận thức dẫn đến hành động. Hạnh đã chọn cho mình một con đường sống: sống một đời sống có ý nghĩa. Hạnh tham gia các sinh hoạt xã hội, nhân đạo giúp đỡ người nghèo khó. Con đường Hạnh chọn không chỉ dừng lại ở việc làm giảm bớt khổ đau cho một số người mà phải góp phần thay đổi hiện trạng của đất nước để dân tộc có thể theo kịp khuynh hướng của thời đại và cất cánh toàn diện. Trên con đường ấy, cô gái sinh viên 19 tuổi đã tìm đến gặp gỡ những công dân Việt Nam khác không cùng suy nghĩ với cách cai trị và nắm quyền của đảng và nhà nước đương thời.
Một năm sau, vào những ngày lập xuân, khi người người chào đón mùa xuân mới, Hạnh nếm mùi vị tết tù đầu tiên của một công dân nước CHXHCNVN. Công an Hà Nội đã bắt giữ trái phép Hạnh trong nhiều ngày. Không một lý do chính đáng. Không một luật lệ nào cấm hay nêu rõ Hạnh không được phép gặp công dân A hoặc công dân B của nước CHXHCNVN. Chỉ tùy tiện bắt giam, thẩm vấn, tra hỏi và sau đó giam lỏng theo cái gọi là áp giải về địa phương để địa phương quản lý.
Mùa xuân ấy là mùa xuân năm 2005. Hạnh - Đỗ Thị Minh Hạnh vừa tròn 20 tuổi.
Suốt chiều dài hơn 4000 năm, lịch sử VN thấp thoáng những anh thư mà câu chuyện của họ theo năm tháng đã trở thành những huyền thoại. Nhưng có lẽ nếu chứng kiến được từng ngày họ sống như thế nào chắc hẳn họ cũng bình dị như bao người. Hạnh cũng thế. Những ngày bị CA của đảng tròng một sợi dây thòng lọng vào cổ, Hạnh chăm sóc gia đình như một con người con hiếu thảo. Khi sợi dây thòng lọng được nới rộng một chút, Hạnh về lại Sài Gòn để vừa đi học, vừa đi làm và... vừa giúp dân oan.
Dân Oan! Dưới thiên đường XHCN, nước Việt Nam có nhiều từ mới, đa dạng phong phú cũng có và tầm bậy cũng có. Nhưng không cụm từ nào oái ăm bằng Dân Oan khi nó được ra đời tại một đất nước mà khẩu hiệu đại trà là Nhân Dân Làm Chủ. Nó làm cho các "chiến sỹ" Công an Nhân dân phải léo lưỡi, ngọng miệng, ngượng nghịu khi lỡ mồm gọi nhân dân là Dân Oan. Những người dân oan khiên bị tập đoàn cán-bộ-đầy-tớ cấu kết với nhau để tiến hành đại chính sách lẫn đại kế hoạch ăn cướp với tên gọi mỹ miều "Giải Phóng Mặt Bằng". Họ đã tiếp tục sự nghiệp giải phóng và lần này đối tượng của dòng thác cách mạng là quần chúng nhân dân, mục tiêu của công cuộc đấu tranh là làm giàu, thành quả vinh quang là hình thành một thành phần mới trong xã hội: Dân Oan.
Hạnh đã đến, đứng vào hàng ngũ và sánh vai chiến đấu với những người Dân Oan Việt Nam trong lúc sợi dây thòng lọng của đảng quang vinh và vĩ đại vẫn lơ lững trên đầu. Đây cũng là thời khoảng Hạnh gặp Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.
Cách đây hơn 80 năm, giữa những dòng nhạc của bản đại hùng ca Yên Bái, xen lẫn giữa tiếng thét Việt Nam Muôn Năm của những anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng trước khi bị máy chém cắt ngang đầu, người ta rướm lệ bởi chuyện tình của Nguyễn Thái Học với một thiếu nữ phi thường của Việt Nam ở thế kỷ 20 - anh thư Nguyễn Thị Giang. Cô Giang gặp Nguyễn Thái Học vào lứa tuổi đôi mươi. Họ thề nguyện với nhau ở đền Hùng, nắm tay nhau hẹn ước cùng hiến dâng đời mình cho tổ quốc. Ngày Nguyễn Thái Học không thành công cũng thành nhân, Nguyễn Thị Giang lặng lẽ nhìn chồng lên máy chém, trở về quê quán quấn khăn tang và tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học đã tặng ở đền Hùng năm xưa.
Hơn 80 năm sau, những người con, người cháu của Cô Giang và Nguyễn Thái Học lại gặp nhau ở chốn này. Chung quanh họ là những người cùng khổ thời đại mới. Cuộc tình của Hạnh và Hùng được tưới xanh bằng lòng yêu nước và niềm thương cảm đối với những người dân khốn cùng. Hai sinh viên đại học đã nắm tay nhau đồng hành trên con đường hỗ trợ Dân Oan và bảo vệ những người công nhân lao động. Họ đã phải đi ngược thời gian đến gần 70 năm để hát lại bài ca mà nhiều thế hệ cha anh đã cất lời: vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!. Bài hát đó ngày hôm nay đã trở thành một lời nguyền ngược ngạo, cay đắng. Những kẻ cầm cờ lôi kéo lũ nô lệ ngày xưa giờ đã chết hoặc già nua. Còn lại là một tập đoàn ăn bám hào quang (dày công thêu dệt) của quá khứ, vẫn tự xưng là đại diện của tầng lớp nhân dân mà chính họ đã biến thành nô lệ. Thực dân trắng cuốn gói. Thực dân đỏ lên ngôi. Nô lệ vẫn còn đó. Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!... Hạnh đã cùng với Hùng lên đường, phẫn nộ nhưng không hận thù, hiền hòa nhưng dũng cảm, chông gai nhưng không khiếp nhược, thất bại nhưng không sờn lòng.
Tháng 1 năm 2010 Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cùng với Đoàn Huy Chương và những người bạn cùng chí hướng về Trà Vinh để hỗ trợ cho các công nhân nhà máy Mỹ Phong. Trong các ngày từ 29/1 đến 1/2 năm 2010, hàng vạn công nhân nhà máy Mỹ Phong – Trà Vinh đã đồng loạt đình công sau khi một số công nhân nữ bị xúc phạm nhân phẩm và bị bóc lột nặng nề. Sau đó, các cuộc đình công khác tiếp tục nổ ra trên khắp các tỉnh thành, kéo dài 7 ngày liên tục.
Gần 2 tháng sau, tập đoàn "đại diện cho giai cấp công nhân" ra lệnh Công an còn đảng còn mình bắt giam Hạnh và Hùng sau khi đã bắt giam Đoàn Huy Chương. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị đánh đập gẫy sống mũi, tra tấn tại một nhà giam bí mật tại Sài Gòn. Sau 7 ngày bị tra tấn, khi Hùng vẫn kiên cường không khai bất cứ điều gì, công an áp giải anh về trại giam B14 - Nguyễn Văn Cừ. Đỗ Thị Minh Hạnh cũng bị đánh đập, bỏ đói và tra khảo.
Ngày 26 tháng 10 năm 2010 trong một phiên toà vội vã, không luật sư, không nhân chứng, toà án tỉnh Trà Vinh của đảng CSVN chớp nhoáng tuyên án xử tội những thanh niên thiếu nữ đã đứng lên vì quyền lợi của Dân Oan - những người là chủ của đất nước và Công Nhân - giai cấp tiên phong của đảng. Hạnh 7 năm tù. Hùng 9 năm tù. Chương 7 năm tù.
Trước vành móng ngựa của các quan tòa thực dân đỏ cộng với đám công an dày đặc, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương đã tự làm luật sư bào chữa chính mình, hiên ngang bày tỏ khí phách can trường của những công dân yêu nước và nắm trong tay chính nghĩa dân tộc.
Tháng 10 năm 2010, lúc ấy Hạnh 24 tuổi; tuổi của Cô Giang khi vị anh thư đầy khí phách ấy tự kết liễu đời mình vào một buổi sáng mờ sương bên gốc cây Đề của làng Thổ Tang.
*
... và chuyện của Phượng
Phượng sinh năm 1981. Phượng đi du học tại Thụy Sĩ, ra trường và tiếp tục học Thạc sỹ Quản trị tài chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Ngoài thời gian học, Phượng đến thực tập tại tập đoàn Holcim. Ngay vừa mới tốt nghiệp xong, Phượng đã được tập đoàn này mời về Việt Nam làm Phó Giám đốc Tài chính cho công ty liên doanh Holcim Việt Nam.
Năm ấy, Phượng vừa tròn 25 tuổi, độ tuổi mà Đỗ Thị Minh Hạnh bị kết án 7 năm tù.
Công ty Holcim trước kia là công ty xi măng Sao mai ở tỉnh Kiên Giang vốn là quê quán của ba Phượng. Đây là một công ty của Thụy Sĩ đầu tư với một phần vốn nhà nước VN với nhãn hiệu Đầu trâu. Ba của Phượng có nhiều liên hệ mật thiết với công ty này và qua đó đã gửi gắm Phượng du học Thụy Sĩ, học ở đâu, làm sao tốt nghiệp... Có lúc ba của Phượng đã ép công ty Holcim phải ký hợp đồng mua bao bì tại công ty bao bì Hakipack.
Hiện nay Phượng là giám đốc đầu tư / chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quản lý Quỹ Đầu Tư Bản Việt (Viet Capital Fund Management - VCFM), một công ty đầu tư với số vốn từ 500 – 800 tỉ đồng và có khả năng vận động vốn đầu tư ngoại quốc 100 triệu USD nhờ những quan hệ của Phượng - người đi gom tiền.
Phượng trở thành đảng viên đảng CSVN khi còn là học sinh, là một người phục sức sành điệu với quan niệm sống: học cho bản thân mình và “tôi muốn Phượng của ngày mai, của năm sau phải thật sự khác Phượng của ngày hôm nay”. Điều này được thể hiện qua "resume" của Phượng:
18 tuổi vào đại học.
4 năm ở trường Đại học Kinh tế Quốc Dân.
22 tuổi đi học tại Thụy Sĩ 3 năm.
Từ 25 tuổi đến 28 tuổi, trong vòng 3 năm Phượng là:
- Phó giám đốc tài chính của Holcim VN
- Giám đốc đầu tư của Vietnam Holding Asset Management
- Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty quản lý quỹ đầu tư Bản Việt (Viet Capital Fund Management -VCFM)
Phượng không cần phải bắt đầu từ một vị trí thấp nào của bất kỳ công ty nào. Phượng ngay từ đầu đã khác với muôn người và mỗi năm sau của Phượng đều thật sự khác với năm trước.
Trên con đường thênh thang của chủ nghĩa tư bản, Phượng trở thành người bạn đời đồng hành với Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam. Hoàng, một Việt Kiều và là con trai của ông Nguyễn Bang - một viên chức trong chính quyền VNCH.
Chuyện của Phượng không có gì hồi hộp, gay cấn. Chuyện của Phượng cũng rất riêng, không có bóng dáng người Dân Oan, hay Công Nhân buồn bã nào. Cũng không có nhiều điều để kể ngoài những chức vụ và con số đô la hàng trăm triệu.
Phượng là Nguyễn Thanh Phượng. Ba của Phượng là Nguyễn Tấn Dũng, thành viên BCT, ủy viên Trung Ương Đảng CSVN - đảng đại diện cho giai cấp vô sản và công nhân. Ngày Hạnh vào tù là ngày ba Phượng nâng ly Champagne chúc mừng con gái cưng về thành công của một mối đầu tư bạc tỷ mới.
No comments:
Post a Comment