Saturday, October 8, 2011

Khác biệt giữa đồng bào và đồng chí

Oct 7, '11 5:06 PM
for everyone
Le Nguyen (danlambao) “Một lần khi anh Dũng đang mải miết phiên dịch cho các ngư dân ở tòa án đến nỗi quên đi đón vợ, thế là vợ anh tự thuê xe chở cả bao dép bán dở đến tòa án tỉnh để tìm. Lúc này tôi mới biết người đàn ông thông thạo ba thứ tiếng Việt, Anh, Phi này là một người bán giày dép trên hè phố...”
*
Rất tình cờ khi nghe được bài đọc “Tình Đồng Hương Của Người Việt Ở Phi” do đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi thực hiện, khiến người nghe xúc động, run theo từng lời đọc của phát thanh viên nhưng không nghe đài giới thiệu tên tác giả nên vào Google “gỏ” thấy hiện ra bài “Tình Đồng Hương Của Dũng Việt Nam” của Đình Dân trên báo mạng Tuổi Trẻ. Bài này có cùng nội dung với bài được phát thanh trên đài Đáp Lời Sông Núi nhưng có vài tiểu đoạn dài hơn ở phần kết. 

Bài viết không có gì đặc sắc nhưng đặc biệt có nhiều tình tiết “thật người” chạm đến trái tim của nhiều người, trong đó có người viết qua những lời tường thuật về cách đối xử tự nhiên rất bình thường của tình người với người là có thật của một người việt Nam lưu lạc xứ người!? 

Câu chuyện kể về một người đàn ông mang tên Dũng, Trần Minh Dũng quê Khánh Hòa, bỏ nước ra đi đến Phi từ nhiều thập niên trước, lập gia đình với người bản xứ làm nghề bán giày dép trên vĩa hè ở Philippines. 

Tiểu sử đơn sơ, không học hàm học vị, không quyền cao chức trọng, không nhiều tiền lắm của nhưng anh giàu lòng nhân ái, có trái tim biết đau với nỗi đau đồng bào, biết xẻ chia nỗi khổ với ngư dân lâm nạn và “không chỉ ngư dân gặp nạn trôi dạt đến Phi biết đến Dũng, mà ngay cả thân nhân của họ cũng lưu tên “Dũng Việt Nam” trong điện thoại cầm tay.” Đó là một đoạn trong lời mở bài viết Tình Đồng Hương Của Dũng Việt Namcủa tác giả Đình Dân. 

Bài viết ghi lại một phần diễn tiến sự kiện 122 ngư dân bị bắt, chờ ra tòa vì tội xâm phạm lãnh hải đánh bắt hải sản của Philippines, qua phóng viên báo Tuổi Trẻ người ta mới biết anh. Trong bài tường thuật có đoạn viết: “Ngày diễn ra phiên điều trần, từ sáng sớm anh Dũng đã ngồi trong chiếc xe ba bánh chờ dưới đường. Anh bảo chờ đi cùng 115 ngư dân từ nhà tù ra tòa án. Nhìn những ánh mắt âu lo qua song sắt của chiếc xe màu vàng bóp chặt khóa, anh Dũng ngậm ngùi: “Đồng hương mình cả. Mà toàn là ngư dân chân chất. Vợ con họ ở nhà mà thấy hình ảnh này chắc không cầm lòng được...” 

Vâng, chỉ ngậm ngùi thốt lên “đồng hương mình cả...” Dũng Việt Nam đã biểu lộ cảm xúc không che dấu về tình nghĩa đồng bào, chất chứa trong tim anh tự bao giờ, chỉ cần một cái chạm nhẹ “toàn là ngư dân chân chất...” làm bùng vỡ tuôn trào yêu thương cũng như xẻ chia khổ đau mất mát với đồng bào mình.


Anh Dũng trong cuộc làm việc với luật sư Philippines - Ảnh: Đình Dân. Tuoitre-online

Một điểm sáng khác đáng ghi nhận về con người của Dũng Việt Nam, là anh cũng như bao nhiêu người khác phải lăn lộn, làm việc cật lực để kiếm miếng cơm manh áo nuôi sống gia đình mình và chính mình. Có lần vì say sưa với công việc giúp đỡ đồng bào mà anh đã quên người vợ đang tất bật trên vĩa hè đường phố mưu sinh được ghi lại như sau: “Một lần khi anh Dũng đang mải miết phiên dịch cho các ngư dân ở tòa án đến nỗi quên đi đón vợ, thế là vợ anh tự thuê xe chở cả bao dép bán dở đến tòa án tỉnh để tìm. Lúc này tôi mới biết người đàn ông thông thạo ba thứ tiếng Việt, Anh, Phi này là một người bán giày dép trên hè phố.” 

Câu chuyện về người tốt, việc tốt không hư cấu, tưởng tượng của Dũng Việt Nam có rất nhiều, dưới đây là một trong nhiều câu chuyện thấm đậm tình nghĩa đồng bào qua lời kể của anh, được phóng viên ghi lại: “Anh Dũng nói có một câu chuyện mà anh sẽ chẳng bao giờ quên. Đó là vào đầu tháng 8 vừa rồi. Hôm đó đã 22g đêm. Trời mưa to gió lớn. Tôi đang cho mấy đứa con đi ngủ thì nhận được điện thoại từ Việt Nam. Người đầu dây là anh Sơn, một chủ ghe ở tỉnh Quảng Ngãi: “Dũng ơi, làm ơn cứu nạn cứu khổ giùm 12 ngư dân của tôi đang đánh bắt ở vùng biển nước mình thì bị bão đánh chìm ghe. Họ điện về nói đã trôi dạt mấy ngày nay theo hướng nam về vùng biển Philippines. Họ đang cố đu bám vào thuyền thúng trôi dạt giữa biển. Anh nhờ người ở đó cứu giùm, không để đến sáng mai lạnh quá họ chết hết.” 

Ngay trong đêm, bằng tất cả mọi mối quen biết, anh Dũng xác định lại chính xác tọa độ nơi 12 ngư dân bị nạn rồi lập tức cầu cứu hải quân Philippines. Nhưng gió giật quá mạnh, 12 ngư dân bị trôi dạt khá xa tọa độ được báo nên tàu hải quân Philippines quần mãi mà không thể tìm thấy họ trong đêm. Cũng may sáng hôm sau một tàu cá đã thấy họ trôi dạt và cứu giúp. Ngay sáng hôm đó hải quân Philippines điện hỏi: “Anh có phải người Việt Nam không, có 12 ngư dân nước anh bị nạn trên biển chúng tôi vừa vớt được và họ nói cần gặp anh. Lúc đó biết 12 ngư dân còn sống, tôi mừng như cha chết sống lại.” Anh Dũng nhớ lại. 

Thuyền trưởng Trần Đại , một trong 12 người bị nạn hôm đó kể rằng, Sáng hôm đó chúng tôi được đưa về làng Việt, sau đó được chăm sóc trong căn cứ quân sự của hải quân Philippines. Anh Dũng đi kiếm chăn gối, quần áo cho anh em mặc. Rồi chụp hình, ghi tên tuổi báo với Đại sứ quán Việt Nam ở Manila giúp anh em làm giấy tờ để về nước”. 

Mặc dù việc làm tự nguyện giúp đỡ ngư dân gặp nạn trong thời gian dài của anh được nhiều ngư dân biết đến và ghi nhận, thậm chí Nguyễn Thành Công bí thư thứ hai đại sứ quán Việt Nam ở Phi cũng đã không thể phủ nhận, phải lên tiếng về lòng yêu thương đồng bào của anh: “... anh Dũng là một người sống rất tình cảm, nhiệt tình giúp đỡ các ngư dân. Không chỉ lần này mà trước đây anh Dũng đã cùng đại sứ quán nhiều lần giúp đỡ các ngư dân Việt gặp nạn khác...” 

Thế mà, Dũng Việt Nam khi được hỏi: “Điều gì thôi thúc anh giúp họ?” Dù lòng tốt giúp người của anh, ngư dân lẫn thân nhân của họ ai cũng biết nhưng không phải vì thế mà anh nhận vơ vào, bắt họ phải thọ ơn anh, như đảng cộng sản nhận vơ tất cả công lao “cướp”, đánh đuổi...vào hết cho mình và muốn người dân bất cứ lễ lạc hội hè, tiệc tùng ma chay, cưới hỏi đều phải mở mồm nói nhờ ơn bác, đảng... cám ơn nhà nước, chính quyền các cấp tạo điều kiện... 

Riêng Dũng Việt Nam rất vô tư, rất thật lòng lẫn nhún nhường đáng kính phục khi trả lời Đình Dân: “Vì họ là đồng hương, thấy đồng hương bị nạn chẳng lẽ bỏ mặc. Tôi cũng chỉ là một trong số những người giúp họ mà thôi, ở đây nhiều người Việt Nam khác như anh Ba Thanh, anh Công, anh Hải, chị Oanh còn giúp họ nhiều hơn.” 

Thật, không thể không ngưỡng phục tính trung thực, thật thà của Dũng Việt Nam, ở hoàn cảnh đó không thiếu các đảng viên nhân cơ hội báo cáo thành tích, thổi phòng chiến công tưởng tượng cho riêng mình thậm chí đạp xác đồng chí để tiến lên đài danh vọng, nhưng với Dũng thì không, anh không nhận vơ vào cho riêng mình: “...tôi là một trong những người giúp họ... còn nhiều người Việt Nam khác... giúp họ nhiều hơn...” 

Cuối cùng câu nói ấn tượng nhất, câu nói khẳng định nguồn gốc, nhân cách của Dũng Việt Nam: “...một điều mà tôi luôn muốn nói về quê nhà là dù Dũng ở Phi nhưng tâm hồn luôn hướng về đất mẹ Việt Nam.” Tại sao Dũng Việt Nam phải bỏ nước ra đi mà lòng luôn hướng về đất mẹ thân yêu là một câu hỏi làm tê buốt lòng người? Có lẽ, chính nhận thức này, hình thành nhân cách sống, gắn chặt Dũng Việt Nam sống đích thực với ý nghĩa hai chữ đồng bào. Dù hơn hai mươi năm trôi qua, kể từ ngày Dũng Việt Nam ngậm ngùi, gạt nước mắt ra đi vẫn canh cánh bên lòng, vẫn luôn hướng về một quê hương xa tít tắp bên kia bờ biển Đông, có bà con làng xóm thân yêu, có đồng bào ruột thịt còn oằn mình trong bão lửa của địa ngục trần gian!


Anh Dũng (thứ hai từ trái) làm phiên dịch trong buổi khám sức khỏe cho ngư dân - Ảnh: Đình dân - Ảnh: Đình Dân, Tuoitre-online

Từ bài viết về Dũng Việt Nam chỉ ra vài khía cạnh khác với nhiều cảm xúc đớn đau, uất nghẹn khôn nguôi hòa trong nỗi vui buồn lẫn lộn của cuộc đời. 

Vui vì Việt Nam vẫn còn đó những người con của Mẹ, biết yêu thương đùm bọc những người anh em cùng chung bọc mẹ, biết giữ vẹn tình nghĩa đồng bào và vui với những người anh em ngư dân không may gặp nạn được hải quân phi nhiệt tình, cứu giúp hết lòng trong tình thương nhân loại. Xa hơn nữa là 122 ngư dân Việt xâm phạm lãnh hải Phi bị bắt, bị đưa ra tòa xét xử công khai, công bằng văn minh có luật sư biện hộ, có những người không phải thân nhân ruột thịt, chỉ vì nghĩa đồng bào vẫn được tự do dự khán phiên tòa, không bị rào chắn ngăn chận hay công an xô đẩy đuổi xua thô bạo. 

Buồn vì cùng cảnh gặp nạn trên biển, tìm nơi trú bão, đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống của tổ tiên, ngư dân Việt Nam lại bị tàu Trung Cộng, nước đồng chí anh em đuổi bắt, bắn giết cướp ngư cụ, đòi tiền chuộc táo tợn như cướp biển thời trung cổ. Trong khi quan hệ Việt-Phi so với Việt- Trung không gần gủi thân thiết bằng. Cả hai nước Việt-Trung không ngớt ca ngợi mối quan hệ tốt đẹp núi liền núi, sông liền sông, môi hở răng lạnh, vừa là đồng chí, vừa là anh em với 16 chữ vàng, 4 tốt... nhưng Trung Cộng lại có hành động man rợ khác thường đối với ngư dân của nước đồng chí anh em Việt Nam. Ôi, ngao ngán thay tình đồng chí xã hội chủ nghĩa anh em...! 

Có lẽ, thế giới đều biết, đều nghe nói đến anh nhà giàu mới nổi Trung Cộng tuyên bố trổi dậy hòa bình nhưng qua hành động hung hăng như hải tặc trên biển Đông, khiến thế giới không khỏi e ngại, dè chừng mộng bá quyền của anh nhà giàu mới nổi nhưng chưa gột rửa được lối sống của loài dã thú hoang dai. 

Xét cho cùng Trung Cộng so với phi có mạnh nhưng không lớn, có giàu nhưng thiếu văn minh bởi cách ứng xử man rợ của họ với ngư dân Việt Nam. Nước Philippines tuy nhỏ nhưng có tấm lòng lớn, không giàu nhưng ứng xử văn minh thể hiện phong cách của một nước độc lập có chủ quyền, thực thi luật pháp khá công bằng đối với ngư dân Việt Nam. Trung Cộng được tiếng là lớn, giàu, mạnh “dự bị” trở thành siêu cường nhưng về mặt ứng xử minh bạch văn minh trong khuôn khổ luật pháp quốc tế còn khá lâu mới bắt kịp Philippines. 

Dễ thấy nhất cho cách ứng xử văn minh, là hải quân phi khi thấy người gặp nạn trên biển ra sức cứu giúp, khi ngư dân nước ngoài xâm phạm lãnh hải bị bắt giữ được xét xử công khai công bằng. Trong khi Trung Cộng luôn nói là đồng chí với Việt Nam lại bất chấp lý do cho tàu đuổi bắn, bắt giữ đòi tiền chuộc như băng đảng xã hội đen, không qua bất cứ phiên tòa xét xử nào, trong khi vùng biển đảo mà họ đòi chủ quyền là của Việt Nam bị họ dùng vũ lực cưỡng chiếm, cả thế giới đều biết. 

Qua vài nét cụ thể vừa nêu, cho chúng ta thấy tình đồng chí của hai đảng cộng sản, hai nhà nước xã hội chủ nghĩa anh em khá phủ phàng, cay đắng nhưng đây chỉ là tình đồng chí trên mặt nhà nước với nhà nước, còn tình đồng chí trong nội bộ đảng cộng sản thì sao? 

Có nhiều câu chuyện kể về tình đồng chí trong nội bộ cộng sản khắp nơi trên thế giới, kể từ thời cách mạng Nga năm 1917 đến giai đoạn cực thịnh của cộng sản quốc tế và mãi cho đến tận thời nay. Những mẫu chuyện về tình đồng chí giữa các “cá thể”cộng sản có thể viết thành câu chuyện dài “kinh dị” nhiều tập không cần phải tưởng tượng hay hư cấu như chuyện Lenin đối với các đồng chí của mình sau khi dựng nên nhà nước liên Sô hay chuyện Mao đối với các đồng chí đã cùng Mao làm cuộc “vạn lý trường chinh” lập nên nhà nước Trung Hoa cộng sản... 

Có thể, các câu chuyện kể về tình đồng chí của Lenin, Mao bên tây bên tàu xa xôi, xưa cũ khó cho những kẻ tự dựng tường bao quanh che lấp trí tuệ kiểm chứng tìm hiểu, không khéo bị cho là bịa chuyện nói xấu lãnh tụ kính yêu. Thôi thì mỗi bạn đọc cố tìm cho mình một câu chuyện tình đồng chí cộng sản trong đời sống hiện tại, tại chỗ quanh ta như chuyện kể về các ông Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Trần Dần, Hữu Loan...Trần Xuân Bách, Trần Độ, Kim Ngọc, Nguyễn hộ, Nguyễn Văn Trấn, Phạm Quế Dương... 

Riêng người viết xin cống hiến bạn đọc câu chuyện “ấn tượng” mới xảy ra gần đây trong thế kỷ này, về tướng công an Trần Văn Thanh, nguyên giám đốc công an Đà Nẳng, nguyên chánh thanh tra bộ công an. Chuyện tướng Thanh khởi đầu từ việc chủ mưu rải truyền đơn, “tố cáo sai sự thật” nhằm hạ uy tín lãnh đạo Nguyễn Bá Thanh “vua” Đà Nẳng, dẫn đến bị khởi tố ra tòa với tội danh dài thậm thượt, chữ nghĩa lủn củn tối tăm “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” cùng với một thiếu tá, một trung tá công an với nhiều tình tiết phức tạp, không nằm trong “khung” giới thiệu tình đồng chí cộng sản đến với bạn đọc nên người viết mạn phép không bàn tới. 

Chuyện phạm tội bị luật pháp trừng phạt là chuyện bình thường nhưng chuyện ông tướng công an Trần Văn Thanh ra tòa rất lạ, nói theo đảng là bước đột phá tạo dấu ấn đặc biệt, dù cho ai đầu óc phong phú cũng khó có thể tưởng tượng ra cảnh ông tướng Thanh phải ra hầu tòa trên xe cứu thương trong tình trạng hôn mê, thở oxy với nhiều dây nhợ truyền dịch gắn trên thân thể trần trụi của ông là có thật? Một phiên tòa “khủng khiếp” bị can hầu tòa trên xe cứu thương thuộc loại hàng “độc” chỉ có xảy ra trong tình đồng chí của những tên cộng sản Việt Nam, làm cho mọi người nghe, thấy không khỏi “kinh hoàng” phẫn nộ với các người đồng chí của ông. 

Thú thật người viết thật sự ghê tởm khi đọc tin, thấy hình ông Thanh mê man bất động bị đưa ra tòa trên xe cứu thương, mãi cho đến bây giờ vẫn cảm thấy bất lực, không biết phải sử dụng ngôn từ nào để diễn giải, lột tả cho trọn vẹn ý nghĩa tình đồng chí của Tướng Thanh với các đồng chí của ông. Thiết nghĩ, dù thế nào đi nữa ông Thanh cũng là con người, nhất là đồng chí, dồng đảng của các ông, có cần phải đối xử tàn nhẫn đến như thế không, thật không tài nào hiểu nỗi? 

Tóm lại, qua cách ứng xử trên biển đông của Philippines, Trung Cộng giúp cho chúng ta nhận ra khá rõ sự khác biệt giữa hành động man rợ và văn minh, nhất là hiểu rõ hơn tình đồng chí thắm thiết của hai nước xã hội chủ nghĩa anh em cộng sản. Vẫn nhận xét theo chiều hướng đó, với chuyện Dũng Việt Nam, chuyện hầu tòa của tướng công an Trần Văn thanh, ít nhiều giúp cho mọi người có hình mẫu cụ thể để nhận ra sự khác biệt sống động giữa đồng bào với đồng chí. Hy vọng qua mẫu chuyện nhỏ này sẽ mở ra hướng đi tích cực hơn cho sự chọn lựa đồng bào hay đồng chí trong cuộc sống làm người của mỗi người chúng ta? 


No comments:

Post a Comment