* Lũ tại ĐBSCL trên báo động 3 đến giữa tháng 11
(TNO) Ngày 21.10, Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung Tây Nguyên cho hay, thương vong và thiệt hại tiếp tục tăng lên từng ngày trong đợt mưa lũ kéo dài cả tuần qua.
Đến nay, miền Trung Tây Nguyên đã có 14 người chết và 5 người mất tích.
Trong đó, Quảng Bình có 3 người chết và 1 mất tích, Quảng Trị 5 người chết, 2 người bị nước cuốn trôi chưa tìm thấy thi thể. Quảng Nam 1 người chết và có thêm 1 người mất tích là ông Phan Văn Giám (47 tuổi, thôn Khánh Tịnh, xã Tam Thái, H.Phú Ninh) bị lũ cuốn trôi khi qua sông.
Khẩn trương tìm kiếm nạn nhân bị nước lũ cuốn mất tích tại P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Tú |
Bình Định 2 người chết, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng và Kon Tum mỗi địa phương 1 người chết, Phú Yên có 1 người mất tích.
Ngoài ra, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam có tổng cộng 15 người bị thương do mưa lũ.
So với ước tính hôm 20.10, số nhà bị ngập, sập và hư hỏng do mưa lũ ở các tỉnh là 95.353 căn nhà, tăng thêm gần 7.000 căn nhà, diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại là 18.725 ha, tăng thêm 882 ha.
Gần 19.000 ha lúa và hoa màu nông dân miền Trung bị ngập úng, hư hại - Ảnh: N.Tú |
Tình hình ngập lụt tại Quảng Bình đã giảm đáng kể, quốc lộ, tỉnh lộ thông suốt, chỉ còn 9/28 xã với 15.000 hộ dân đang bị ngập dưới 0,3 mét.
Lượng mưa các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định, từ Kon Tum đến Đắk Nông đã giảm, các tỉnh khác có mưa nhỏ.
Riêng Phú Yên có mưa to đến rất to, từ 139 mm (Hà Bằng) đến 262 mm (Phú Lâm), một số tuyến đường: ĐT641, ĐT642, ĐT643, ĐT644, ĐT646, ĐT647, ĐT650 và một số đường huyện bị ngập cục bộ, gây ách tắc giao thông.
Mực nước các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đang xuống và dao động trên mức báo động (BĐ) 1, riêng mực nước trên sông Vệ, sông Kôn dao động dưới mức dưới BĐ2.
Tuy nhiên, một số hồ chứa thủy điện vẫn đang tiếp tục xả lũ điều tiết như Hương Điền, Bình Điền (Thừa Thiên-Huế); Sông Ba Hạ (Phú Yên); Pleikrông, Sê San 3, Sê San3A (Kon Tum); Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai); Buôn Kuốp, Serepok 3, Buôn Tua Srah (Đắk Lắk).
19 hồ chứa thủy lợi ở Quảng Trị và các tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận cũng đang xả lũ vì nước đã qua tràn.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư sáng nay (21.10) cho biết, lũ sông trên hệ thống Mê Kông đang xuống; lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên biến đổi chậm và còn ở mức cao.
Mực nước tại các trạm Tân Châu trên sông Tiền; Châu Đốc, Long Xuyên trên sông Hậu; Xuân Tô trên kênh Vĩnh Tế và Chợ Mới trên rạch Ông Chưởng đều cao hơn mức báo động (BĐ) 3 từ 0,01m đến 0,45m.
Mực nước trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa biến đổi chậm, lúc 7 giờ sáng 21.10 là 2,80m, trên BĐ3: 0,4m.
Những căn nhà bị chìm trong nước lũ ở xã Tân Hội Cơ - Ảnh: Thanh Dũng |
Đến ngày 25.10, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,7m, trên BĐ3: 0,2m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,2m, trên BĐ3: 0,2m; tại các trạm chính vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên ở mức BĐ3 và trên BĐ3 từ 0,2-0,5m; trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa ở mức 2,8m, trên BĐ3: 0,4m.
Đến cuối tháng 10, vùng hạ lưu sẽ xuất hiện đợt triều cường mới với đỉnh triều ở mức cao; do vậy, cần đề phòng đỉnh lũ tại các trạm chính trên sông Tiền và sông Hậu như: Long Xuyên, Cần Thơ, Mỹ Thuận, Cao Lãnh, Mỹ Tho… có khả năng tương đương và cao hơn đỉnh lũ cuối tháng 9.2011.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên có khả năng duy trì trên BĐ3 đến giữa tháng 11; cần chủ động phòng chống lũ ngập lụt sâu còn kéo dài nhiều ngày.
Tiến Dũng
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20111021/Thuong-vong-va-thiet-hai-do-mua-lu-tiep-tuc-tang.aspx
No comments:
Post a Comment