Lãnh đạo châu Âu tham dự cuộc họp Thượng đỉnh Bruxelles ngày 23/10/2011
REUTERS/Francois Lenoir
Các nước trong khu vực đồng euro đang tất bật chống đỡ với khủng hoảng nợ, đã dự tính đến việc kêu gọi sự hỗ trợ của các nước mới trỗi dậy, đặc biệt là Trung Quốc. Thế nhưng, ý tưởng này lại gây tranh cãi trong nội bộ châu Âu.
Trong cuộc họp Thượng đỉnh ngày hôm qua, 23/10/2011 tại Bruxelles, lãnh đạo các nước vùng đồng euro đã quyết định cần phải có một kế hoạch khả tín để ngăn chặn khủng hoảng lây lan sang Ý, đe dọa cả khu vực đồng tiền chung châu Âu.Điều này có nghĩa là phải nâng cao khả năng can thiệp của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu FESF mà không bắt buộc các quốc gia, hiện đang đối mặt với các khoản nợ chồng chất, phải đóng góp thêm. Ngoài các bảo lãnh của những nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, Quỹ Bình ổn Tài chính hiện có 440 tỷ euro để giúp các nước gặp khó khăn. Thế nhưng, một phần lớn số tiền này đã được hứa chi cho Bồ Đào Nha, Ailen và Hy Lạp.
Do vậy, trong cuộc họp báo ngày hôm qua, thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết có « hai mô hình » đang được thảo luận để củng cố FESF. Theo nhiều nguồn thạo tin, việc xác định các công cụ tài chính này là nguyên nhân chủ yếu làm cho các cuộc thương lượng không tiến triển được.
Phương án thứ nhất là cho phép Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu có khả năng đứng ra bảo lãnh một phần nợ của các nước bị coi là có nhiều rủi ro. Cụ thể là một phần công trái mà các nuớc đó phát hành sẽ được FESF bảo lãnh, nhờ vậy, mới khuyến khích được các nhà đầu tư mua các loại trái phiếu này.
Đức ủng hộ phương án nói trên và dường như đã có được sự chấp nhận của Pháp, mặc dù ban đầu, Paris tỏ ra dè dặt.
Phương án thứ hai, bổ xung cho phương án thứ nhất, là thành lập một quỹ đặc biệt để tiếp nhận sự đóng góp của các nhà đầu tư bên ngoài châu Âu. Chính giải pháp này, có nhiều cách thức để thực hiện, đang gây tranh luận giữa các nước trong khối euro.
Theo giải thích của một nhà ngoại giao châu Âu với AFP, thì một trong những cách thức là Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu sẽ tiếp nhận các đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp của các nước thứ ba. « Trung Quốc đã nói là họ quan tâm, nhưng một số nước châu Âu thành viên không chấp nhận ý tưởng Quỹ FESF tiếp nhận đóng góp của Trung Quốc » vì họ cho đây là một vấn đề nhậy cảm về chính trị.
Theo cách thức này, về mặt kỹ thuật, Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu sẽ đảm nhiệm hai chức năng. Trong vai trò trung gian liên lạc, FESF thu hút sự quan tâm của những nước đang trỗi dậy có nguồn dự trữ tài chính lớn, các quỹ đầu tư của các quốc gia, giới đầu tư tư nhân. Các đối tác này sẽ dùng tiền và bảo đảm của mình để huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế. Số tiền này được dùng để mua các công trái của những nước châu Âu có nhiều rủi ro. Đổi lại và đây cũng là chức năng thứ hai của FESF là Quỹ sẽ đóng vai trò nhà bảo lãnh hàng đầu cho các công trái châu Âu nếu những quốc gia này không có khả năng thanh toán.
Để gạt bỏ những lo ngại là Trung Quốc có thể thao túng châu Âu, một số chuyên gia đề xuất là trong việc bảo lãnh thanh toán công trái rủi ro của châu Âu, có thể nhờ đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF. Trong trường hợp này, với uy tín của IMF, việc huy động vốn có thể dễ dàng và rẻ hơn.
Trong những tuần qua, các cường quốc mới trỗi dậy trong nhóm BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, đã tuyên bố sẵn sàng giúp khu vực đồng euro với điều kiện là khối này tỏ rõ quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng.
Vấn đề nợ của châu Âu chắc chắn sẽ được thảo luận nhân Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20, được tổ chức trong các ngày 03 và 04/11/2011 tại Cannes, miền nam nước Pháp.
Cũng tại Thượng đỉnh này, nhóm G20 sẽ nêu vấn đề tăng nguồn tài chính cho IMF để giúp đỡ khu vực đồng euro. Các nước đang trỗi dậy ủng hộ, trong khi đó Hoa Kỳ, nước đóng góp nhiều nhất cho IMF, chống lại đề xuất này.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111024-chau-au-bat-dong-trong-viec-nho-trung-quoc-ho-tro-giai-quyet-khung-hoang
No comments:
Post a Comment